Phát triển giao thông xanh

Cơ sở hạ tầng thiếu và yếu
Phát triển giao thông xanh

Giao thông vận tải (GTVT) chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng của quốc gia và là nguồn phát thải khí ô nhiễm lớn trong đô thị. Do đó, phát triển hệ thống “Giao thông xanh” cần phải được chú trọng để giảm thiểu những tác hại ra môi trường. Đó là những nhận định, đánh giá của các chuyên gia trong hội thảo “Những giải pháp về môi trường kinh doanh xanh của châu Âu cho Việt Nam” vừa được tổ chức tại TPHCM.

Xe buýt sạch sử dụng khí nén CNG chạy tuyến Bến Thành - Bình Tây, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Xe buýt sạch sử dụng khí nén CNG chạy tuyến Bến Thành - Bình Tây, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Cơ sở hạ tầng thiếu và yếu

Ông Ngô Kim Định, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường Bộ GTVT, cho biết, thực trạng giao thông đô thị tại Việt Nam còn gặp rất nhiều trở ngại. Đơn cử như quỹ đất dành cho giao thông đô thị còn thấp, chỉ chiếm dưới 10% diện tích đất đô thị tại hai TP lớn là Hà Nội và TPHCM. Mạng lưới giao thông phân bố không đều, đường đô thị ngắn và hẹp, có nhiều ngõ nhỏ cắt ngang; các tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh và khép kín; hệ thống giao thông tĩnh như bến bãi, điểm đổ xe, trạm dừng nghỉ còn thiếu và chất lượng thấp; các nút giao thông chủ yếu là giao cắt bằng, nhiều nút quá tải và là trọng điểm về ùn tắc giao thông.

Bên cạnh đó, hệ thống vận tải hành khách công cộng ở các đô thị Việt Nam vẫn còn hạn chế, chủ yếu là xe buýt và taxi. Trong khi đó, thị phần đảm nhận của hệ thống vận tải công cộng ở đô thị còn thấp, chỉ dưới 10% nhu cầu đi lại của mọi người. Với sự bùng nổ của nền kinh tế Việt Nam, lượng xe máy ngày càng gia tăng. Chỉ riêng TPHCM đã có khoảng 5 triệu chiếc xe máy. Cùng với ô tô và xe tải cũ, hàng triệu xe máy với các khí thải độc hại đang góp phần vào sự xuống cấp của chất lượng không khí, sự gia tăng những vấn đề sức khỏe và quá trình biến đổi khí hậu.

Ông Andre Rodenbeck, Giám đốc kinh doanh khu vực ASEAN của Siemens nhận định: Giao thông đang là một rào cản lớn đối với sự phát triển của Việt Nam. Nó khiến các nhà đầu tư cảm thấy lo ngại về vấn đề vận chuyển. Lượng khí thải mà ô tô xả ra cũng dần dần trở thành nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm không khí ở các TP lớn. Những chất độc sinh ra khi xăng dầu cháy không chỉ nguy hại trực tiếp tới sức khỏe con người mà còn gây ô nhiễm trên phạm vi lớn. Vì vậy, phát triển giao thông xanh là một quá trình đa dạng hóa năng lượng, và cũng là quá trình phát triển và đề xướng những phương tiện giao thông dùng năng lượng sạch.

Hướng tới giao thông xanh

Ông Ngô Kim Định cho biết, trong tương lai gần, giao thông tại Hà Nội và TPHCM sẽ tập trung phát triển theo định hướng đường sắt đô thị là xương sống cho giao thông công cộng của TP, xe buýt là phương thức cung cấp dịch vụ tại những nơi mà đường sắt đô thị không phát triển tới. Xe buýt tuy vẫn dùng nhiên liệu xăng dầu là chủ yếu nhưng vì lượng khí thải CO2 trên đầu người thấp hơn so với các loại phương tiện khác nên cũng cần được khuyến khích đầu tư đặc biệt là những tuyến xe buýt chạy bằng năng lượng sạch.

Thực tế, Việt Nam cũng đang xây dựng lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học cho xe cơ giới dự kiến có hiệu lực từ năm 2015. Đối với các dự án thí điểm sử dụng năng lượng sạch đã có kết quả tốt sẽ được tiếp tục nghiên cứu, xem xét chính sách ưu đãi đầu tư để khuyến khích, nhân rộng. Theo quy hoạch tới năm 2020 và tầm nhìn sau 2020, Hà Nội sẽ có 5 tuyến đường sắt đô thị, TPHCM có 7 tuyến đường sắt đô thị, 2 tuyến monorail và một tuyến xe điện mặt đất.

Để hạn chế sự ô nhiễm cũng như việc tiết kiệm năng lượng trong giao thông, các chuyên gia đều khẳng định, kiểm soát khí thải các phương tiện lưu thông, quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới là những giải pháp trước mắt cần sớm thực hiện một cách triệt để. Song mục tiêu lâu dài và có tính chiến lược đối với sự phát triển đó là chúng ta phải đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa các hệ thống xe buýt, phát triển và mở rộng các tuyến buýt mới và quan trọng là việc khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch.

Bộ GTVT đã trình Thủ tướng ban hành quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, mô tô hai bánh sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới vào tháng 9-2011. Theo đó, từ ngày 1-1-2017, các loại ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và mức 5 sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2022. Đối với các loại mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới thì phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3 từ ngày 1-1-2017.

Minh Hải

Tin cùng chuyên mục