Phát triển công nghệ cao, công nghiệp sạch
Theo Quyết định 188/2004 của Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp TPHCM đến năm 2010, có tính đến năm 2020: phân bổ diện tích dành cho phát triển công nghiệp TPHCM là 14.900ha. Trong số đó, có khoảng 8.900ha được quy hoạch đất xây dựng công nghiệp đến năm 2020 (24 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 7.000ha và 30 cụm công nghiệp có tổng diện tích 1.900ha). Đến nay, 19 KCN đã có quyết định thành lập, trong đó 17 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích thực tế hơn 3.800ha (tỷ lệ lấp đầy tư 67%-90% tùy khu), chiếm 66% quy mô diện tích quy hoạch dự kiến. Hiện các điều kiện về quỹ đất sạch, giá thuê… cùng hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện đồng bộ nhằm phục vụ phát triển công nghiệp chưa đáp ứng và phù hợp với nhu cầu, nhiều DN thành phố đã đầu tư cơ sở sản xuất ra địa phương lân cận.
Theo xu thế mới, các thành phố, đô thị lớn sẽ không “bành trướng” về công nghiệp như trước đây mà đã chú trọng hơn cho phát triển dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ đô thị, kinh tế số và kinh tế tri thức, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ, hạn chế không phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu. Vì vậy, định hướng phát triển công nghiệp TPHCM trong thời gian tới phải dựa trên đặc điểm và lợi thế riêng của thành phố, gắn liền với công nghệ cao và kinh tế số trong không gian kinh tế vùng.
Theo dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển hạ tầng công nghiệp TPHCM 2020-2045 và Kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025 mà Sở QH-KT TPHCM vừa trình UBND TPHCM, thành phố sẽ đóng vai trò đầu tàu về dịch vụ gắn với hạ tầng, phát triển đô thị hiện đại, kết nối giữa các vùng, khu đô thị, khu công nghiệp và liên kết thương mại - dịch vụ với nhau, đảm bảo cho việc phát triển phù hợp, hướng đến mục tiêu bền vững lâu dài. Thành phố là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước, vừa đóng vai trò liên kết, vừa hỗ trợ các địa phương trong vùng cùng phát triển, tạo lập vị thế quốc gia và quốc tế. Nhằm đảm bảo định hướng phát triển hạ tầng công nghiệp TPHCM theo đúng chủ trương này, Đề án đặt mục tiêu phát triển hạ tầng công nghiệp TPHCM gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ, phát triển đô thị bền vững và tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hướng tới khu đô thị vệ tinh
Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án cũng đưa ra một số giải pháp về quy hoạch, chính sách, quản lý, công nghệ. Về quy hoạch phát triển hạ tầng và vùng liên kết, Đề án đưa ra giải pháp quy hoạch vùng phát triển công nghiệp gắn liền với đẩy mạnh các đô thị vệ tinh. Kết nối giao thông thuận tiện giữa trung tâm thành phố với các khu đô thị vệ tinh và các dải công nghiệp trên hành lang phát triển (KCN đầu tư tại các tỉnh). Đề án cũng nêu, cần sớm đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc, trục giao thông liên hoàn về ĐBSCL và miền Trung nhằm tạo ra các dòng lưu chuyển nhanh chóng, giải phóng áp lực cho TPHCM, phát triển thế mạnh vùng.
Xây dựng các hệ thống hạ tầng phát triển logistics và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm: cụm cảng số 5 và tận dụng khai thác quỹ đất dọc theo các cụm cảng nhằm phát triển kinh tế dịch vụ đô thị sau cảng, hướng đến kinh tế biển cho toàn vùng, định vị vai trò vùng TPHCM trên bản đồ khu vực và thế giới. Từng bước hiện đại hóa, mở rộng quy mô và liên kết phát triển, các KCN cần thực hiện thành công công tác quy hoạch sử dụng đất và đầu tư hạ tầng. Rà soát, tích hợp quy hoạch KCN vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, trong đó đưa ra khỏi quy hoạch những KCN không khả thi (khó đền bù, hiệu quả kinh tế không cao), bổ sung đất dành cho phát triển công nghiệp và quy hoạch.
Còn với giải pháp chính sách, đối với các KCN hiện hữu sẽ dần chuyển đổi theo lộ trình, định hướng phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, phát triển hạ tầng công nghiệp theo hướng xã hội hóa, xây dựng chính sách nhà ở cho công nhân và chuyên gia. Cần có chính sách tạo dựng quỹ đất và khuyến khích xây dựng quỹ nhà ở cho công nhân, chuyên gia, người lao động tại các khu cụm công nghiệp gắn với chính sách phát triển dịch vụ đô thị thiết yếu, tạo môi trường sống văn minh hiện đại và thu hút nhân lực trình độ cao.
Đề án cũng đưa ra phân kỳ thực hiện. Cụ thể: trong giai đoạn 2020-2025, thành phố sẽ tập trung xây dựng có phân kỳ đầu tư hoàn thiện đường vành đai 3, 4 để tạo điều kiện phát triển kinh tế - dịch vụ, từng bước kết nối giữa các KCN, khu đô thị vệ tinh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường chính: nâng cấp quốc lộ 1A, 13, 22, 50, 1K… Hoàn thành KCN kỹ thuật cao, đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa, thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng hạ tầng các KCN đã thành lập mới và mở rộng (Lê Minh Xuân 2, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng, Lê Minh Xuân mở rộng) và các KCN trong danh mục quy hoạch của Thủ tướng (Hiệp Phước giai đoạn 3, Vĩnh Lộc 3). Giai đoạn 2025-2045: xây dựng tuyến giao thông kết nối: đường sắt nội đô từ trung tâm thành phố đến các khu đô thị vệ tinh, đường sắt liên tỉnh từ các khu đô thị vệ tinh đến các KCN, tuyến cao tốc. Triển khai đầu tư kết nối vùng thông qua các mô hình phát triển đô thị theo hướng giao thông để huy động và phát triển hiệu quả nguồn lực đất đai.
Cụ thể, năm 2020-2025 là thực hiện giai đoạn 1 của đầu tư phát triển hạ tầng đô thị theo hướng khai thác kinh tế dịch vụ, thương mại gắn với chức năng công nghiệp, dịch vụ vùng kinh tế biển, định hướng đúng vai trò quốc tế và khu vực của TPHCM. Năm 2025-2045: thực hiện giai đoạn 2 xây dựng hệ thống kho bãi, logistics, tổ chức tích hợp trong quy hoạch, bố trí các địa điểm bãi tập trung, hệ thống logistics hạ tầng và vùng công nghiệp sản xuất, lưu trữ, lưu thông hàng hóa.