Sáng 27-11, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Hóc Môn về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và công tác cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, không xả rác trên địa bàn. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo các sở, ngành của thành phố.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hóc Môn Lê Thị Hồng Nga cho biết, đến nay đã có 368 công trình xây dựng cơ bản theo Đề án nông thôn mới được triển khai thực hiện với tổng vốn giải ngân là 1.321 tỷ đồng (đạt 95,66%). Công tác quản lý quy hoạch đã phủ kín trên địa bàn huyện với 36 đồ án phân khu tỷ lệ 1/2.000, trong đó có 10 xã xây dựng nông thôn mới được phê duyệt quy hoạch theo tỷ lệ 1/500. Qua đó làm cơ sở điều chỉnh hơn 380ha của Khu công nghiệp Xuân Thới Thượng sang chức năng khu dân cư nông thôn hiện hữu, kết hợp sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, Ban Thường vụ Huyện ủy Hóc Môn cũng nhìn nhận còn những hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới như: các tiêu chí trường học, thu nhập, tổ chức sản xuất, y tế, môi trường, thu nhập bình quân đầu người chưa đạt.
Một số xã chưa quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác quản lý Nhà nước về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, chưa có xã nào đạt chuẩn về môi trường và an toàn thực phẩm, tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số kênh rạch trên địa bàn chưa được xử lý dứt điểm, còn xảy ra ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất, hộ chăn nuôi gia đình gây ra.
Việc phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến, hiện đại chưa hiệu quả, chưa có sản phẩm đặc thù mang thương hiệu của huyện…
Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, huyện đã tổ chức các đợt ra quân vệ sinh môi trường ở khu dân cư, khu vực công cộng, công sở, nơi làm việc…
Về kết quả thực hiện sáng kiến, giải pháp đăng ký thi đua đợt cao điểm cải cách hành chính, theo Ban Thường vụ Huyện ủy Hóc Môn, sau 1 tháng triển khai đã có 53 đơn vị thuộc khối cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội và 44 đơn vị khối chính quyền đăng ký thi đua. Nội dung tập trung vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị để cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đảng ủy xã Xuân Thới Thượng cũng đã sử dụng mạng xã hội để phân công, theo dõi, giám sát công việc của đảng viên, cán bộ, giảm họp, tiết kiệm chi phí in ấn, văn phòng phẩm; chi bộ Bảo hiểm xã hội tổ chức giao dịch điện tử trong lĩnh vực giải quyết trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho hơn 500 đơn vị; chi bộ Đội thanh tra xây dựng địa bàn ứng dụng công nghệ để tìm vị trí công trình; Chi bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tổ chức “Ban Thanh niên hướng dẫn thủ tục nhà đất” cho người dân và doanh nghiệp…
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Công Hùng, kết quả từ đợt cao điểm cải cách hành chính trên địa bàn huyện Hóc Môn tuy có những chuyển biến tích cực với nhiều việc làm, sáng kiến hiệu quả nhưng hạn chế thì còn nhiều, chủ yếu là tình trạng trễ hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà đất.
Trong báo cáo kết quả có nói đến tỷ lệ đúng hẹn, hài lòng của người dân với tỷ lệ rất cao, nhưng qua kiểm tra chưa sát với thực tế. Trễ hẹn trong giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận nhà đất, tách thửa còn nhiều, người dân phản ánh còn nhiêu khê, trễ hẹn…
Đồng ý với nội dung này, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Nguyễn Cư cũng thừa nhận còn nhiều ách tắc, tồn tại gây bức xúc cho người dân. Trong đó, hiện còn hơn 500 hồ sơ đất đai tồn đọng nhiều năm chưa được giải quyết. Nhiều hồ sơ đủ điều kiện nhưng không hiểu sao vẫn ách tắc, chưa giải quyết cho dân.
Ông Cư cam kết, trong năm 2019 sẽ quyết liệt cải cách hành chính, giảm tối đa hồ sơ đất đai tồn đọng, không để người dân và doanh nghiệp phiền hà…
Về hoạt động của Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Hóc Môn, Phó Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Lê Trọng Hiếu đề nghị cần nâng chất lượng, bám sát nhiệm vụ, mục tiêu để đề xuất thành phố các giải pháp thiết thực củng cố, nâng chất 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Về giải pháp thực hiện sáng kiến, giải pháp cải cách hành chính, huyện cần chú trọng đến lộ trình giải quyết hồ sơ hành chính ở những lĩnh vực mà người dân bức xúc, hạn chế thấp nhất tình trạng trễ hẹn, trả hồ sơ nhiều lần và chấn chỉnh thái độ, phong cách làm việc, tiếp xúc dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm tối đa phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Nhưng thực tế cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tính lại, đó là việc dù là huyện nông nghiệp nhưng Hóc Môn chỉ có hơn 4% người dân làm nông nghiệp.
“Huyện phải thống kê lại bao nhiêu phần trăm người dân làm nông nghiệp, sống được bằng nghề nông. Đất Hóc Môn còn nhiều, phải giữ lại và phát triển lên bằng nông nghiệp hiện đại, theo hướng gắn với đô thị, bảo đảm các tiêu chí xanh cho nội thành”, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh. |
Về tiêu chí môi trường, có 8/10 xã xây dựng nông thôn mới có vi phạm môi trường, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lãnh đạo huyện cần tập trung giải quyết dứt điểm.
Đối với tiêu chí thu nhập của người dân chưa đạt chuẩn, huyện cũng cần có biện pháp tăng thu nhập cho người dân từ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ đang có thế mạnh trên địa bàn; liên kết tiêu thụ sản phẩm và tập trung xây dựng các mô hình hợp tác hóa để thu hút nguồn lực và giải quyết việc làm cho người dân, từ đó góp phần giảm nghèo.
Về đợt cao điểm thi đua sáng tạo trong cải cách hành chính, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao một số sáng kiến đi vào thực tế góp phần giảm phiền hà cho dân, giảm trễ hẹn.
“Mục tiêu là làm sao phải đạt được tỷ lệ 80% hài lòng của người dân. Hài lòng đây là thực sự, đúng việc và không nhũng nhiễu, tiêu cực. Năm 2019, huyện Hóc Môn phải phấn đấu cho được chỉ tiêu này”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. |
Về phong trào “Không xả rác”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị huyện Hóc Môn đi vào chiều sâu ở cách làm, phương thức mở rộng ra từng địa bàn dân cư, từng tuyến đường, khu xóm, ấp, xã, huyện… Đồng thời, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên, từng tổ chức thường xuyên giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng xả rác ra đường, xuống kênh rạch.
“Việc này có quyết tâm và có cách làm quyết liệt, sáng tạo là làm được. Phải làm sao cho môi trường sống của người dân từ nội thành ra đến ngoại thành luôn sạch, trong lành và đáng sống”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân kết luận.