Đại học Quốc gia TPHCM
Hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học (ĐH) đã và đang xác định được chỗ đứng quan trọng cũng như tầm ảnh hưởng sâu rộng vào việc hình thành và phát triển chất lượng giáo dục ĐH ở Việt Nam. Thông qua các kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đời sống của một bộ phận cán bộ, giảng viên có nhiều cải thiện, góp phần tích cực vào việc xây dựng văn hóa nghiên cứu ở sinh viên.
Mạnh dạn đầu tư
Năm 2007, lần đầu tiên tại Việt Nam, một phòng thí nghiệm (PTN) nghiên cứu các ứng dụng tế bào gốc trên cơ thể người với quy mô lớn đã được xây dựng tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM. Nhớ lại những ngày đầu tiên xây dựng PTN, TS Lâm Quang Vinh, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, cho biết: “Khoa học nghiên cứu về tế bào gốc trước năm 2010 còn là một lĩnh vực hết sức mới mẻ đối với các nhà khoa học trong nước. Bỏ ra số tiền hơn 40 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị cho một PTN chuyên nghiên cứu về lĩnh vực này thật sự là một bước đi mạo hiểm của lãnh đạo ĐHQG TPHCM”. Tuy nhiên cho đến nay, sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, PTN đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao như tái tạo mô giác mạc mắt cho bệnh nhân, dùng tế bào gốc da để ghép và tái tạo mô da cho bệnh nhân bị bỏng, biệt hóa thành công nhiều loại tế bào gốc, tế bào mầm, hỗ trợ điều trị một số bệnh nhân ung thư vú, đái tháo đường, thoái hóa khớp gối…
Sau 6 năm thành lập, PTN đã khẳng định vị trí của mình trong nước và quốc tế, đóng góp đáng kể cho việc phát triển ngành tế bào gốc của Việt Nam. Ngoài ra, cũng từ các kết quả nghiên cứu của PTN, mỗi năm các cán bộ, giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên đã đóng góp hơn 10 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế, đăng ký nhiều bằng phát minh sáng chế trong và ngoài nước. Đây được xem là một trong những tín hiệu bước đầu khả quan cho việc xây dựng và phát huy nguồn lực PTN trong các trường ĐH, vừa tạo được nguồn thu thông qua các ứng dụng chuyển giao công nghệ, vừa góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong nhà trường.
Ngoài PTN nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học tự nhiên hiện nay còn có 4 phòng thí nghiệm trọng điểm khác, phục vụ cho các lĩnh vực công nghệ sinh học phân tử, hóa lý ứng dụng, kỹ thuật hạt nhân. Tương tự, tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM, 2 PTN trọng điểm về vật liệu polymer và composite, công nghệ điều khiển số và kỹ thuật hệ thống, chỉ tính riêng trong năm 2012 đã đóng góp hơn 15 sản phẩm/ứng dụng công nghệ được đăng ký độc quyền sáng chế, 91 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Nói về lĩnh vực nghiên cứu khoa học, PGS-TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết: “Việc đầu tư xây dựng các PTN, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chính là một trong những bước chuẩn bị cho sự phát triển ĐH theo định hướng nghiên cứu”. Giai đoạn 2011 - 2015 được xem là giai đoạn đẩy mạnh kế hoạch phát triển nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH, hướng đến mục tiêu mỗi giảng viên đồng thời là một nhà nghiên cứu, công tác giảng dạy, đào tạo phải gắn liền với hoạt động nghiên cứu.
Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ
Trong điều kiện “bầu sữa” ngân sách có hạn, chính sách động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, giảng viên năng động tìm kiếm đề tài và các dự án đầu tư, sử dụng chính nguồn thu từ chuyển giao công nghệ để nuôi sống, kiện toàn bộ máy vận hành các trang thiết bị, máy móc của PTN thật sự là một hướng đi cần thiết và đúng đắn. Thông qua đó, đời sống của một bộ phận cán bộ, giảng viên được nâng cao rõ rệt.
PGS-TS Đỗ Hồng Lan Chi, Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ, ĐHQG TPHCM cho biết, từ năm 2011 đến nay, tổng doanh thu chuyển giao công nghệ của các trường ĐH thành viên, ĐHQG TPHCM đạt hơn 350 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2012, doanh thu từ hoạt động này chiếm hơn 168 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2011. Trong đó, một số đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng cao đã được chuyển giao thành công cho TPHCM và các tỉnh lân cận, như hệ thống giám sát hành trình ô tô và định vị tàu thuyền dựa trên công nghệ GPS, sử dụng công nghệ tự động tinh luyện cồn để sản xuất xăng pha cồn, chế tạo xe lăn điện thông minh, ăng-ten sóng radio dùng cho công nghệ nhận dạng tự động…
Qua đó cho thấy đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đang là một trong những hướng đi mới của phát triển giáo dục ĐH ở Việt Nam. Trong đó, vai trò của các chính sách đầu tư tài chính, đổi mới hành lang pháp lý theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chú trọng sản phẩm đầu ra đóng vai trò quyết định trong việc hình thành và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục ĐH, gắn đào tạo với nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp. Đây chính là một trong những giải pháp giúp giải quyết bài toán đầu ra cho ngành giáo dục, đồng thời góp phần vào kế hoạch phát triển khoa học công nghệ nói riêng, chất lượng đời sống nói chung của người dân trên địa bàn thành phố.
THU TÂM