Phát triển kiến trúc xanh tại TPHCM - Nhiều cản ngại

Thế nào là kiến trúc xanh?
Phát triển kiến trúc xanh tại TPHCM - Nhiều cản ngại

Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM nhận định, phát triển kiến trúc xanh là xu hướng, là mong muốn của đại bộ phận các kiến trúc sư, các kỹ sư xây dựng ở TPHCM. Tuy nhiên, điều kiện để thực hiện lại còn khá nhiều cản ngại. Trước hết hệ thống chính sách, cơ sở để hiện thực hóa xu hướng này chưa hoàn thiện.

Cây xanh trồng tại một cao ốc ở quận 7. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Cây xanh trồng tại một cao ốc ở quận 7. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Chi phí để xây dựng một công trình xanh thường tốn kém hơn các công trình bình thường khác song định mức, tiêu chuẩn xây dựng của Nhà nước, nhiều chỗ, nhiều nơi còn chưa theo kịp. Điều này vô hình trung đã “đẩy” nhiều công trình xây dựng dùng vốn ngân sách vào hoàn cảnh rất khó khăn nếu muốn xây dựng theo tiêu chí xanh. Trong bối cảnh ấy, chủ đầu tư các công trình xây dựng không dùng vốn ngân sách ít nhiều cũng ngại ngần khi quyết định có xây công trình theo hướng xanh hay không vì sợ công trình của mình khi xây dựng xong không thể cạnh tranh được với các công trình khác. 

 Thế nào là kiến trúc xanh?

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Dũng, Chủ nhiệm khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Chủ tịch Hội Công trình Xanh Việt Nam, kiến trúc xanh là các công trình xây dựng được quy hoạch và thiết kế để khi sử dụng, vận hành tiết kiệm được tài nguyên, bao gồm TKNL, đất, nước và vật liệu xây dựng, một cách hiệu quả nhất, hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe người sử dụng và công đồng. Kiến trúc xanh còn phải được tổ chức không gian hợp lý, hiệu quả và đảm bảo được mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Cản ngại thứ hai là nhiều người dân - chủ đầu tư và cũng là chủ sở hữu các công trình xây dựng chưa nhận thức sâu sắc về lợi ích của việc xây dựng theo tiêu chí xanh. Trong khi đó vẫn còn một bộ phận không nhỏ kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng chưa hiểu hết về công nghệ và kỹ thuật xây dựng các công trình xanh. Không phải mà ngẫu nhiên mà trong nhiều đồ án quy hoạch các khu dân cư, việc tính toán mật độ xây dựng, khoảng cách giữa các nhà, khoảng lùi so với lộ giới… chưa được xem xét đúng mức.

Thêm một cản ngại nữa, ngành công nghiệp sản xuất ra các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng vẫn chưa được tạo điều kiện cho phát triển đúng mức. Thị trường vật liệu này vẫn chưa đa dạng và đặc biệt chưa có nhiều sản phẩm giá rẻ, phục vụ cho nhu cầu xây dựng công trình xanh của đại bộ phận người dân. 

Theo Hội Công trình Xanh Việt Nam, khu vực các công trình xây dựng tiêu thụ khoảng 40% năng lượng/tổng nguồn năng lượng dùng cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của toàn xã hội và phát thải ra khoảng 30% khí thải carbon/tổng lượng carbon phát thải ra môi trường. Điều này cực kỳ đáng lo ngại khi mà tình trạng đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ không những ở TPHCM mà ở hầu hết các tỉnh thành trên đất nước. Rất nhiều công trình xây dựng sẽ mọc lên và nếu không triển khai ngay việc xây dựng các công trình xanh thì hậu quả cho môi trường sẽ là khôn lường.

TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục