
Cách nay hơn 10 năm, vụ Nhà máy Bột ngọt Vedan đổ nước thải làm ô nhiễm làm hôi thối sông Thị Vải đã bị dư luận lên tiếng báo động về việc ô nhiễm môi trường do nước thải ở các nhà máy không được xử lý làm sạch thải ra. Lúc ấy có người cho rằng không sao, vì sông Thị Vải đổ ra biển Cần Giờ. Nhưng họ đã quên mất rằng gần 2 vạn ha rừng ngập mặn sinh quyển – lá phổi xanh của thành phố sẽ có thể bị xóa sổ vì nguồn nước ô nhiễm này.

Ảnh: minh họa.
Nước con sông Đồng Nai cũng vậy, khởi thủy khi lập các khu công nghiệp, khi mời gọi các nhà đầu tư, ban hành đủ thứ ưu đãi, trải thảm đỏ cho họ vào, nhiều nơi đã quên mất một điều cực kỳ quan trọng là các nhà đầu tư có cam kết xử lý nước thải và rác công nghiệp để bảo đảm môi trường sống trong lành cho chúng ta hay không? Cho đến nay thì cái vấn nạn về ô nhiễm môi trường nước của sông Đồng Nai đã lồ lộ ra rồi và đã đến mức báo động. Người dân rất quan tâm các giải pháp xử lý vấn đề này.
Về ô nhiễm không khí cũng ngày càng trở nên nghiêm trọng, trong khi nhiều quốc gia cấm sử dụng các loại động cơ xe hơi có chỉ số ô nhiễm môi trường cao, thì chúng ta lại hồ hởi liên doanh lắp ráp và tiêu thụ giúp các nhà đầu tư nước ngoài những loại động cơ xe ô tô đã lỗi thời này để làm những chiếc xe buýt chạy trong thành phố.
Thế là lẽ ra phải đi tắt đón đầu, nghĩa là phải tranh thủ trang bị cho mình những công nghệ tiên tiến nhất, chúng ta lại có không ít nơi làm ngược lại, rước những thứ lạc hậu về vừa tốn tiền, tốn công sức, làm tụt hậu thêm đất nước, gây hậu họa nghiêm trọng về môi trường, ảnh hưởng lâu dài cho sức khỏe và nòi giống của dân ta. Gần đây dư luận đã lên tiếng cảnh báo việc có nhiều xe máy ống pô lắp ghếch lên, phụt thẳng khí xả vào mặt người đi sau. Đây lại là một báo động nữa, một thách thức nữa đối với chúng ta trong việc bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Phát triển kinh tế nhưng phải bảo vệ được môi trường, đó mới là quy luật của phát triển bền vững.
KS TRẦN QUỐC KHẢI