Câu chuyện về công trình thủy điện Sông Tranh 2 và dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A kéo dài thời gian qua cho thấy, vấn đề nghiên cứu đánh giá tác động môi trường cũng như các nghiên cứu liên quan đều bị xem thường, thậm chí là bỏ ngỏ khi thực hiện các dự án này. Và rồi, chỉ khi chuyện xảy ra, được báo động thì các bên liên quan mới chịu quan tâm đến vấn đề này.
Thiếu đánh giá tác động môi trường
PGS-TS Lê Bắc Huỳnh (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam) khẳng định, việc quy hoạch hồ chứa (bao gồm cả thủy lợi và thủy điện) hiện nay chưa thực hiện đánh giá môi trường chiến lược nên chưa đánh giá đầy đủ những tác động mà dự án gây ra, nhất là đến tài nguyên nước. Thậm chí, những năm gần đây, khi xây dựng các công trình thủy điện, đánh giá tác động môi trường mới được thực hiện, còn trước đây hầu như rất ít khi thực hiện. Theo ông Huỳnh, việc phân cấp quy hoạch hồ chứa vừa và nhỏ do UBND các tỉnh phê duyệt, thường thiếu sự phối hợp kiểm tra giám sát của các ngành ở Trung ương, dẫn tới tình trạng quy hoạch liên tục được điều chỉnh theo hướng tăng về số lượng các hồ chứa.
Đặc biệt, việc quy hoạch này lại do cấp có thẩm quyền quyết định mà không tham vấn ý kiến của địa phương nơi công trình được xây, chỉ khi xây người dân mới biết nên khó hài hòa được lợi ích, tăng nguy cơ tác động tới cộng đồng dân cư. Để rồi những công trình thủy điện vừa và nhỏ liên tục xảy ra sự cố không chỉ trong khi xây dựng mà còn cả lúc vận hành.
Ông Nguyễn Vũ Trung (Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Bộ TN-MT) cho biết, hầu hết các quy hoạch thủy điện tại Việt Nam đều làm trước năm 2005, khi Luật Bảo vệ môi trường 2005 chưa ra đời nên việc đánh giá môi trường chiến lược là không thể. Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 có đưa đánh giá môi trường chiến lược vào nhưng lại không đầy đủ các loại hình quy hoạch. Hiện nay, Bộ TN-MT đang đưa vấn đề phân định không gian bảo vệ môi trường, ngưỡng giới hạn khuyến cáo các quy hoạch phát triển... vào luật sửa đổi. Đây sẽ là công cụ chủ động của cơ quan quản lý môi trường, còn thẩm định đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược chỉ là việc thụ động khi thực hiện các dự án.
Theo TS Đào Trọng Tứ (nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy ban Sông Mekong Việt Nam), một nghiên cứu gần đây nhất của Trung Quốc về thủy điện cho biết, đánh giá tác động môi trường chỉ đánh giá được 0,5% những gì diễn ra trong thực tế. Chính vì vậy, sự bắt buộc có cả đánh giá tác động môi trường và đánh giá môi trường chiến lược cùng những nghiên cứu liên quan, nhất là về địa chất, môi trường, văn hóa... là điều hết sức cần thiết khi thực hiện các công trình thủy điện.
Cần chấn chỉnh
Các chuyên gia môi trường đều cho rằng, tính bền vững cho dòng sông và sinh kế của cộng đồng liên quan là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu khi tiến hành xây dựng các công trình thủy điện. Thế nhưng ở Việt Nam, điều này chưa được chú trọng. Đánh giá tác động môi trường và xã hội thủy điện Bình Điền (trên sông Hương, tỉnh Thừa Thiên - Huế) sau hơn 3 năm hoạt động của Trung tâm nghiên cứu phát triển xã hội (CSRD, thuộc Liên hiệp Các hội KH-KT Thừa Thiên - Huế) cho thấy: nguồn nước ô nhiễm do xây dựng thủy điện; nguồn thức ăn tự nhiên trên sông khan hiếm; nước ô nhiễm do vệ sinh lòng hồ không tốt... Điều đó dẫn đến sản lượng tôm cá đánh bắt trên sông Hương giảm từ 50 - 70 % so với thời điểm trước 2009; một số loài gần như biến mất như cá mõm, cá bọp, cá láu vảy; một số loài cá có giá trị kinh tế cao như cá xanh, cá lấu, cá chình giảm mạnh...
Theo TS Đào Trọng Tứ, các dòng sông, lưu vực và hệ sinh thái nước là những động cơ sinh học của hành tinh. Chúng là cơ sở của sự sống và điều kiện sống của các cộng đồng địa phương. Vì thế, phải hiểu biết, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái ở cấp lưu vực sông để thúc đẩy sự phát triển công bằng về con người và lợi ích của tất cả các loài. Cần hiểu biết sâu sắc về chức năng, giá trị và yêu cầu duy trì hệ sinh thái sông.
Khi tiến hành xây dựng công trình thủy điện, sinh thái và các vấn đề xã hội, sức khỏe con người như một phần hữu cơ của dự án, sự phát triển lưu vực sông. “Khi các tác động không thể tránh khỏi, cần phải áp dụng các biện pháp để hỗ trợ, bù đắp tại chỗ cho các loài đó ngay trong khu vực. Cần phải đảm bảo dòng chảy môi trường hạ lưu để duy trì hệ sinh thái và sinh kế cho cộng đồng người dân cũng như hệ động thực vật liên quan” - TS Đào Trọng Tứ khuyến cáo.
Trần Lưu