Phát triển thủy điện thiếu bền vững

Liên tiếp trong thời gian qua, một loạt công trình thủy điện ở miền Trung đã có “vấn đề” và gây ra mối lo lớn cho cộng đồng, khiến dư luận quan tâm. Theo các chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), đây chính là những hệ lụy do việc phát triển thủy điện ở Việt Nam “quá nóng”, thiếu tính bền vững trong một thời gian dài.

Liên tiếp trong thời gian qua, một loạt công trình thủy điện ở miền Trung đã có “vấn đề” và gây ra mối lo lớn cho cộng đồng, khiến dư luận quan tâm. Theo các chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), đây chính là những hệ lụy do việc phát triển thủy điện ở Việt Nam “quá nóng”, thiếu tính bền vững trong một thời gian dài.

Tiềm ẩn sự cố

Theo VRN, Việt Nam hiện có 2.372 sông có chiều dài hơn 10km, 13 con sông có diện tích lưu vực lớn hơn 10.000km2, gồm 9 sông chính là: Hồng, Thái Bình, Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Đồng Nai và Cửu Long và 4 sông nhánh lớn là sông Đà, Lô, Sê San và Srepok. Các lưu vực sông lớn đều là các sông liên tỉnh và có đến 10/13 là lưu vực sông quốc tế.

Trong những thập kỷ gần đây, với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, sự gia tăng dân số nhanh, kéo theo nhu cầu nước, năng lượng gia tăng để đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân.

Các đập lớn nhỏ đã đang và sẽ được xây dựng trên tất cả các lưu vực sông của Việt Nam để phục vụ mục đích tưới, cấp nước, phát điện. Bên cạnh những hiệu quả mang lại cho nền kinh tế, các công trình đập này đều có tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái, văn hóa xã hội và điều kiện sống của hàng triệu người dân sống trong cũng như ngoài vùng dự án và cả rủi ro thảm họa có thể gây ra khi đập gặp sự cố.

PGS-TS Lê Bắc Huỳnh (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) cho biết, hiện nay cả nước đã xây dựng hơn 2.100 hồ chứa có dung tích mỗi hồ từ 0,5 triệu m3 trở lên với tổng dung tích trữ nước gần 41 tỷ m3, bảo đảm nước tưới cho trên 500.000ha, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng cho đất nước.

Bên cạnh những lợi ích mang lại, thực tế cho thấy, do còn nhiều tồn tại, bất cập trong quy hoạch phát triển, trong xây dựng hồ chứa, trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nên hiệu quả tổng hợp các hồ chứa chưa được như mong muốn. Đặc biệt, còn tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra sự cố mất an toàn, gây lũ nhân tạo, gây hạn hán thiếu nước giả tạo, có khi dẫn tới thảm họa do vỡ đập, đã có trường hợp dẫn đến thiệt hại lớn về người và tài sản, hủy hoại tài nguyên và làm suy thoái môi trường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân vùng hạ du nói riêng và nhân dân vùng bị ảnh hưởng nói chung.

PGS-TS Lê Bắc Huỳnh cũng như nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó là do thiếu sự quan tâm đúng mức, đồng bộ từ giai đoạn quy hoạch đến thiết kế, thi công xây dựng và quản lý vận hành các hệ thống hồ thủy lợi, thủy điện. Khi quy hoạch và thiết kế chưa chú trọng phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, thiếu quan tâm đầy đủ đến quản lý tổng hợp tài nguyên nước và bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội mà chỉ dựa trên các quy hoạch thuần túy chuyên ngành thủy lợi hoặc thủy điện với bài toán kinh tế. Thậm chí nhiều nơi còn thiếu sự phối hợp giữa các địa phương và các bộ, ngành trong phê duyệt quy hoạch và xây dựng hồ chứa trên các sông quan trọng.

Mặt trái của thủy điện

Ông Nguyễn Tiến Long (Phó Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) cho biết, tính đến cuối năm 2011, nước ta có 34 công trình thủy điện vừa và lớn đang hoạt động với tổng công suất lắp đặt 8.740MW, điện năng sản suất trung bình khoảng 33 tỷ kWh/năm.

Bên cạnh đó có 86 nhà máy thủy điện nhỏ, công suất 475MW, điện năng khoảng 2 tỷ kWh/năm. Tổng sản sản lượng điện hàng năm của tất cả các nhà máy thủy điện chiếm khoảng 30% - 40% trong cơ cấu nguồn điện của cả nước. Ngoài hiệu quả cấp điện, một số công trình thủy điện đã tham gia phòng chống lũ cho hạ du, cung cấp nước, nhất là việc cắt lũ trên sông Hồng để bảo vệ cho vùng đồng bằng Bắc bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, hoạt động của các công trình thủy điện nhìn chung cũng đem lại những mặt trái như: nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt, tác động thay đổi môi trường sinh thái tự nhiên lớn... Những điều này bắt buộc cần có những điều chỉnh hợp lý hơn về mặt quy hoạch cũng như chiến lược phát triển hệ thống thủy điện ở Việt Nam trong thời gian tới, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, thích nghi với sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra.

PGS-TS Lê Bắc Huỳnh phân tích, việc buông lỏng quản lý các hồ chứa đã dẫn tới những vi phạm pháp luật về quản lý công trình, đất đai; về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, môi trường, gây lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước và nhân dân, gây khiếu kiện vượt cấp, kéo dài làm mất ổn định xã hội, giảm sút lòng tin của nhân dân như tình trạng “xẻ thịt” các lòng hồ Trị An, Đại Lải, Núi Cốc và nhiều hồ khác. Việc phát triển quá nóng và xây dựng thiếu quy hoạch thống nhất các hồ chứa thủy lợi và nhất là các hồ chứa thủy điện của các thành phần kinh tế phi nhà nước đang gây ra tình trạng hủy hoại nghiêm trọng tài nguyên đất, rừng đầu nguồn, khoáng sản, đa dạng sinh học và nhiều tài nguyên thiên nhiên khác, đồng thời gây hậu quả nghiêm trọng và lâu dài về môi trường, nhất là môi trường xã hội ở nhiều địa phương và vùng dân tộc ít người ở miền Trung.

7 kiến nghị của WCD

TS Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam, cho biết, Ủy ban Thế giới về đập (WCD) đã đưa ra 7 nguyên tắc (còn gọi là các khuyến nghị) được thế giới công nhận và thực hiện ở nhiều quốc gia. Đây được xem như một liệu pháp tốt giúp bảo vệ các dòng sông, bảo vệ nguồn tài nguyên thiết yếu không thể thay thế và bảo vệ quyền lợi của toàn cộng đồng khi tiến hành xây dựng các đập thủy điện.

Cụ thể: 1. Được sự chấp thuận của số đông công chúng; 2. Phải đánh giá toàn diện các phương án; 3. Tiến hành đánh giá sự hoạt động các đập hiện có; 4. Tính bền vững cho dòng sông và sinh kế của cộng đồng liên quan; 5. Công nhận quyền và chia sẻ lợi ích của người bị ảnh hưởng do công trình; 6. Cần đảm bảo sự tuân thủ những quy định, tiêu chí và hướng dẫn, những thỏa thuận đã thương lượng cho từng dự án cụ thể ở tất cả các giai đoạn quan trọng trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện dự án; 7. Sử dụng các dòng sông vì hòa bình, phát triển và an ninh.

Trần Lưu

Tin cùng chuyên mục