Phát triển TPHCM thành trung tâm dịch vụ của Đông Nam Á

(SGGP).– Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 2631/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Mục tiêu của đề án là xây dựng TPHCM văn minh, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á, góp phần tích cực đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Phát triển TPHCM thành trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng và cả nước; bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường...

Về các mục tiêu kinh tế cụ thể, đề án đặt ra tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 10% - 10,5%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 9,5% - 10%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đến năm 2015 đạt 4.856 - 4.967 USD, đến năm 2020 đạt 8.430 - 8.822 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Đến năm 2020, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 58,16% - 60,07%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 39,19% - 41,07% và nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,74% - 0,78%. Về xã hội, quy mô dân số TPHCM đến năm 2015 đạt 8,2 triệu người, không kể khách vãng lai và người tạm trú dưới 6 tháng. Giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, đến năm 2016 nâng mức chuẩn nghèo của thành phố lên trên 16 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo tương đương 7% - 8% tổng hộ dân của TP.

Đề án cũng đặt những mục tiêu cụ thể về hạ tầng kỹ thuật, cấp điện, cấp nước, công nghệ thông tin... Đáng chú ý, đề án đặt mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015 giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa và triều cường tại lưu vực trung tâm; phấn đấu xóa các điểm ngập do mưa hiện hữu, kéo giảm tình trạng ngập nước lưu vực Bắc Tàu Hủ, Tân Hóa, Lò Gốm... Giai đoạn 2016 - 2020, giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa tại 5 vùng thoát nước và phần diện tích còn lại của TP vào năm 2020.

Về phương hướng phát triển ngành và lĩnh vực, đề án chỉ rõ TPHCM sẽ phát triển dịch vụ mang tính đột phá trên cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả các ngành dịch vụ và đầu tư phát triển mới các sản phẩm dịch vụ; phát triển TPHCM thành trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Nam Á. Tập trung phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; bưu chính - viễn thông và CNTT - truyền thông; kinh doanh tài sản - bất động sản; phát triển trung tâm tài chính mang tầm khu vực Đông Nam Á... Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ hiện đại, bao gồm hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối hàng hóa, cao ốc văn phòng, nhà hàng khách sạn cao cấp, thương mại điện tử, trung tâm y tế kỹ thuật cao, các trường đại học đạt chuẩn quốc tế; phát triển đồng bộ giữa hạ tầng dịch vụ hiện đại và hạ tầng dịch vụ truyền thống; phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao…

Về phương hướng tổ chức không gian phát triển, đề án chỉ rõ phát triển TP theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15km và 4 cực phát triển. Không phát triển đô thị tại vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ trong khu dự trữ sinh quyển ở Cần Giờ; các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi…

Về nhu cầu vốn đầu tư, đề án xác định giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 1,3 - 1,4 triệu tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 12%. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 2,7 - 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 10%... Chính phủ giao TPHCM căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm, chủ động xây dựng kế hoạch, phân kỳ đầu tư phù hợp, bảo đảm vốn cho công trình, dự án trọng điểm của địa phương. Huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, trong đó vốn từ thành phần kinh tế nhà nước chiếm 25% - 30% tổng vốn đầu tư, vốn từ thành phần kinh tế ngoài nhà nước chiếm từ 50% - 55% tổng vốn đầu tư, vốn khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 15% - 25% tổng vốn đầu tư.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục