Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 (Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI) có nói về vấn đề phát triển đô thị: “Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường gồm một số TP lớn, nhiều TP vừa và nhỏ liên kết, phân bố hợp lý trên các vùng…”.
Theo tôi, trong xu hướng toàn cầu hóa và tiến trình phát triển đô thị cần phát triển các vùng đô thị lớn nhằm tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập mạng lưới kinh tế toàn cầu. Các vùng đô thị lớn giữ vị trí then chốt trong hoạt động kinh tế quốc gia, tạo thành một đơn vị kinh tế liên kết trực tiếp với các đơn vị khác trong nước và các nước. Đây được coi là một điểm nút trong mạng lưới các dòng lưu chuyển hàng hóa, vốn và thông tin toàn cầu. Những điểm nút như vậy có thể nằm trong những nước công nghiệp phát triển, cũng như bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới có kết nối toàn cầu. Đó chính là xu hướng tiến tới TP toàn cầu. Điều này làm tốc độ tăng trưởng kinh tế của các vùng đó tăng cao, đồng thời cũng gây ra nhiều vấn đề môi trường và xã hội làm gia tăng sự chênh lệch trong từng quốc gia.
Thường ở các vùng đô thị lớn, không gian giao dịch phát triển tập trung nhất vào vốn, nhân lực xã hội và kinh tế, có cơ sở hạ tầng phát triển. Vì vậy, vùng đô thị lớn là môi trường thu hút vốn, cư dân trong nước và ngoài nước. Trong quá trình hội nhập, không gian giao dịch thông qua các chỉ số như lưu lượng giao thông, các điểm kết nối kinh tế (công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp) làm thị trường lao động, tình hình di dân ngày càng gia tăng nên phải mở rộng các đô thị thành vùng đô thị lớn.
Nước ta đã có quy hoạch cho vùng đô thị lớn của thủ đô Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, do chưa có hệ thống quản lý điều hành nên chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiện đã có đề xuất thành lập Hội đồng vùng đô thị lớn bao gồm chủ tịch UBND các tỉnh, thành trong vùng được đề cử luân phiên làm chủ tịch hội đồng hoặc do Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Hội đồng có các ban chuyên trách và các ban này sẽ đề xuất các vấn đề để hội đồng vùng để giải quyết.
Trên cơ sở rút kinh nghiệm triển khai hoạt động vùng đô thị lớn của Hà Nội và TPHCM, cần thiết lập quy hoạch vùng đô thị lớn của Đà Nẵng, Huế và Cần Thơ trong thời gian tới
NGUYỄN ĐĂNG SƠN
(Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng)