Phát triển xe buýt: Cần thêm sự hỗ trợ

Bức xúc về xe buýt tại TPHCM - đô thị lớn nhất nước - là chuyện thuộc loại “biết rồi, khổ lắm…”. Đó càng không phải vấn đề mới phát sinh cũng như không chỉ là nỗi niềm của người dân hay chính quyền mà là của tất cả các bên, từ giới nhà xe, hành khách cho tới phía quản lý nhà nước.

Phía “thượng đế” luôn bức xúc vì chất lượng phục vụ, vì xe buýt gần như không chịu dừng hẳn khi ghé trạm đón trả khách, giờ giấc vận hành nhiều khi không đúng như thời biểu… Phía nhà xe bức xúc vì thiếu vốn đầu tư thay thế mới phương tiện vốn đa phần đã cũ kỹ, xuống cấp. Quản lý nhà nước thì trăn trở muốn đẩy mạnh phát triển vận tải công cộng mà điển hình là xe buýt để kéo giảm ùn tắc giao thông cũng như cải thiện hình ảnh xô bồ của bức tranh giao thông đô thị.

Thậm chí khi ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về chương trình kéo giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020, chính quyền thành phố đã xác định phải tăng cường hơn nữa năng lực vận chuyển hành khách của xe buýt. Cụ thể, khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị bằng xe buýt đến năm 2015 của thành phố phải đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại và đến năm 2020 con số đó phải tăng lên gấp đôi, tức tối thiểu đáp ứng 30% nhu cầu đi lại.

Bức xúc có thật, mục tiêu đề ra của chính quyền thành phố cũng rất rõ ràng, vấn đề còn lại là cụ thể hóa kế hoạch phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt như thế nào và khả thi đến đâu mà thôi. Thật ra, ngay từ những năm đầu của thập niên đầu tiên trong thế kỷ 21, chính quyền thành phố đã quan tâm, triển khai thực hiện nhiều chương trình phát triển xe buýt trên địa bàn. Tiêu biểu là các dự án đầu tư 1.318 xe buýt; dự án đầu tư 400 xe buýt chuyên đưa rước đối tượng công nhân, học sinh sinh viên; và cuối cùng là động tác ban hành cơ chế hỗ trợ lãi vay theo Quyết định số 330/2003/QĐ-UB.

Giai đoạn 2003-2005, Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn được giao làm chủ đầu tư 1.318 xe buýt nhằm nâng cao chất lượng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Cơ chế hỗ trợ đầu tư cho chủ đầu tư lúc bấy giờ thật hấp dẫn khi chủ đầu tư thay mới xe buýt theo dự án được vay vốn tín dụng ưu đãi, lãi suất chỉ 3%/năm, phần chênh lệch lãi vay còn lại do ngân sách cấp bù đắp suốt trong thời hạn vay 10 năm.

Trong khi đó, dự án đầu tư 400 xe buýt đưa rước những đối tượng hành khách thường xuyên đi xe buýt trên các lộ trình cố định như công nhân, sinh viên, học sinh cũng nhanh chóng phát huy tác dụng. Dự án này đã góp phần tạo thói quen đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng cho một tầng lớp cư dân cụ thể, qua đó giảm việc sử dụng phương tiện cá nhân, tức giảm bớt một nguồn cơn gây ra ách tắc giao thông đô thị. Chưa kể là vào các dịp lễ tết, khi công nhân, sinh viên học sinh được nghỉ dài ngày, 400 xe buýt này lại trở thành đội ngũ “đóng thế”, sẵn sàng tham gia giải tỏa hành khách ứ đọng tại các bến xe liên tỉnh.

Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải đang trình UBND thành phố kế hoạch đầu tư 1.680 xe buýt mới, trong đó có 300 xe buýt chạy bằng khí nén thiên nhiên CNG, cho giai đoạn 2012-2015. Một lãnh đạo Phòng Quản lý Vận tải Công nghiệp thuộc Sở GTVT TPHCM cho biết, 1.680 xe buýt mới này bao gồm xe thay thế cho 1.520 xe buýt cũ đang hoạt động trên các tuyến buýt hiện hữu, còn lại 160 xe để chuẩn bị mở thêm 9 tuyến buýt tới các khu hành chính, khu dân cư mới.

Đề án này đang chờ UBND thành phố xem xét, trong đó mấu chốt là phê duyệt cơ chế hỗ trợ lãi suất để các chủ xe yên tâm xúc tiến đầu tư phương tiện mới.

TRUNG KHANH

Tin cùng chuyên mục