Có lẽ vai trò và mục đích của phê bình văn nghệ là điều không có gì phải bàn luận thêm. Điều ấy đã được khẳng định và xác lập ngay từ khi có hoạt động văn nghệ của loài người. Có người hát ắt có người nghe. Có người sáng tác văn học ắt có người đọc. Mọi hoạt động văn nghệ trong cộng đồng đều có tính xã hội. Mỗi tác phẩm văn nghệ đưa ra cộng đồng đều có những tác động không nhiều thì ít. Hay sẽ được lưu truyền. Dở không thể tồn tại. Khởi đầu cho phê bình văn nghệ chính là sự thẩm định hay dở. Bởi vậy, không hề ngoa ngôn khi nói rằng không có phê bình không có văn học nghệ thuật.
Các nội dung được giới văn nghệ sĩ mọi thời đại đều bàn luận, tranh cãi đôi khi đến gay gắt nằm ở phần giải mã hay, dở của phê bình. Xin được bàn thêm về vấn đề này.
Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, văn nghệ phát triển theo chiều từ giản đơn đến đa dạng. Nhu cầu thưởng thức văn nghệ dường như không có điểm dừng, không có hồi kết thúc. Kinh tế thay đổi, xã hội thay đổi, thị hiếu người thưởng thức văn nghệ cũng thay đổi theo. Tuổi tác, điều kiện kinh tế, học vấn, nghề nghiệp, giới tính cũng tác động rất nhiều tới thị hiếu. Chính vì vậy, thị hiếu luôn có xu hướng xê dịch, thay đổi. Lại nữa, thị hiếu có cái chung, cũng có cái riêng. Hoàn cảnh xã hội có tác động rõ rệt nhất tới sự hình thành thị hiếu chung. Ở góc độ khoa học, người ta phân chia thị hiếu thành hai cấp.
Cấp thị hiếu bản năng sinh học và cấp thị hiếu thẩm mỹ. Để giải mã được cái hay, cái dở trong văn nghệ, trước tiên phải hiểu rõ vấn đề thị hiếu. Các nhà phê bình văn nghệ luôn được coi là những người đại diện cho thị hiếu chung của xã hội. Thị hiếu chung ấy là gì? Đó là thị hiếu của người hướng tới sự phát triển, sự hoàn thiện và cao đẹp. Nói gọn lại, đấy là thị hiếu thẩm mỹ. Cho nên, chuẩn của phê bình văn nghệ cũng chính là cái chuẩn trong sáng tác văn nghệ. Không thể lấy cái lập trường chính trị đơn giản để chụp mũ hay, dở. Hơn ai hết, người phê bình phải dựa trên cái chuẩn của văn hóa dân tộc, của cái đẹp, của sự tân tiến thời đại, của tình yêu đất nước, quê hương… Và, nói một cách khái quát rõ ràng, phê bình tức là đánh giá, là thẩm định…
Giá trị của phê bình sẽ thiếu tầm cao, chiều sâu, bề rộng nếu nhà phê bình xa rời các chuẩn của lịch sử, xã hội và thẩm mỹ. Người ta thường nói đánh giá một tác phẩm đã khó. Đánh giá một con người hoạt động văn nghệ càng khó hơn. Không thể lấy cái tôi cá nhân với đầy rẫy các mối quan hệ và sự ràng buộc của lợi ích cá nhân để phán xét nhận định về một con người nghệ thuật. Cá nhân với cá nhân chỉ là phạm trù cá nhân. Nhưng với con người của công chúng đã thuộc về phạm trù xã hội, không thể tùy tiện phán xét được.
Xin các cây bút viết hồi ký khi đánh giá, phê bình về những người hoạt động văn nghệ hãy lưu ý điều này.
Vừa qua, Hội nghị phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc đã một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của phê bình trong đời sống văn nghệ. Hy vọng thời gian tới, đội ngũ phê bình văn nghệ của chúng ta sẽ chuyên nghiệp hơn, chắc chắn hơn, mạnh mẽ hơn. Bởi, phê bình văn nghệ còn có một chức năng cực kỳ quan trọng: hỗ trợ, tạo lực và tạo hướng cho sáng tác văn nghệ.
TRẦN VĂN