Mới đây, sự việc một trường tiểu học ở Hà Nội cho phép tất cả học sinh nghỉ học trong hai ngày để lấy chỗ trống ở sân trường làm nơi giữ xe có thu phí cho lễ hội đã khiến nhiều người bất bình, phẫn nộ.
Sự việc hiện đã được UBND quận Nam Từ Liêm giao cho Phòng Nội vụ tìm hiểu nguyên nhân và xem xét hình thức xử lý phù hợp. Đây không phải lần đầu tiên báo chí phản ảnh tình trạng hiệu trưởng một trường học tự ý cho học sinh nghỉ học vì những nguyên nhân “trời ơi” như lấy sân trường tổ chức đám cưới cho người quen, giữ xe tiệc tùng, ban giám hiệu bận đi ăn hỏi… Điều đáng nói là tất cả mọi việc đều diễn ra giữa ban ngày, liên quan đến quyền lợi hàng trăm học sinh nhưng không phụ huynh nào dám lên tiếng khiếu nại ngay khi nhà trường vừa ra thông báo. Chỉ khi sự việc đã diễn ra, báo chí vào cuộc phản ánh, các cấp lãnh đạo mở cuộc điều tra thì hiệu trưởng các trường mới đứng ra nhận trách nhiệm, gửi lời xin lỗi đến phụ huynh học sinh.
Không biết từ khi nào chuyện hiệu trưởng toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến học sinh, hay ra một quy định nào đó buộc tất cả học sinh phải thực hiện xong mới báo cáo phòng GD-ĐT đã trở thành tiền lệ xấu của ngành giáo dục. Phụ huynh muốn yên chuyện dặn con cứ chấp hành, người không đồng ý thì lên các diễn đàn mạng than thở, số ít phẫn nộ mới tìm đến các cơ quan báo chí phản ảnh nhưng đa số đều trong tình trạng “sự đã rồi”. Ngạc nhiên hơn là trong tất cả các vụ, sau khi nhận được thông tin, cơ quan quản lý đều bày tỏ thái độ không đồng tình, xen lẫn ngạc nhiên và luôn “giơ cao đánh khẽ” trong các quyết định xử lý. Phải chăng xã hội đã quay trở lại thời phong kiến, nơi “phép vua” luôn đi sau và thường không qua nổi “lệ làng”? Hay chính căn bệnh hình thức, yếu kém trong quản lý giáo dục đã tạo ra quá nhiều lỗ hổng khiến lãnh đạo các đơn vị biết sai nhưng vẫn dám làm? Chúng ta đã nói nhiều về đường dây nóng trong các lĩnh vực giao thông, y tế nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đến đường dây nóng trong ngành giáo dục, nơi đã và đang tồn tại, dung túng quá nhiều sai phạm nhưng thiếu hành lang quản lý phù hợp.
Quay trở lại hàng loạt vụ giáo viên đánh học sinh, hiệu trưởng tham nhũng, sai phạm trong thời gian gần đây mới thấy trường học, vốn là nơi rao giảng các vấn đề về đạo đức, trật tự xã hội, đang bộc lộ quá nhiều điều cần thay đổi, chấn chỉnh. Chúng ta cứ mãi hô hào đổi mới toàn diện nền giáo dục nhưng ngay từ việc nhỏ nhất là thiết lập lại trật tự, chỉnh đốn đội ngũ nhân sự vẫn chưa làm được thì mọi viễn cảnh về sự phát triển vẫn chỉ là kỳ vọng.
THU MINH