Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến đóng góp dự thảo Thông tư “Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện”. Theo dự kiến, kể từ ngày 1-1-2013 sẽ thu phí sử dụng đường bộ đối với ô tô và xe máy. Trước vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, để việc thu phí đảm bảo công bằng và chia sẻ khó khăn với người dân, cơ quan chức năng cần xem xét lại phương thức và thời gian thu phí sao cho hợp lý.
Chưa hợp lý
Theo luật sư Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, nội dung bản dự thảo Thông tư “Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện” lần này không có nhiều thay đổi, chưa hợp tình, hợp lý và khoa học.
Cụ thể, phương thức thu phí, dự thảo vẫn quy định phí bảo trì đường bộ được thu hàng năm trên “đầu phương tiện” theo kỳ đăng kiểm. Với quy định này, phí bảo trì đường bộ trở thành “loại phí cố định” đối với doanh nghiệp (DN) vận tải. Cho dù trong tháng đó, xe chạy ít hay nhiều, thậm chí không chạy do không có nguồn hàng hoặc tạm dừng hoạt động vì các lý do khác vẫn phải đóng phí (trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 điều 2 của dự thảo). Do hiện nay, DN vận tải đang chịu rất nhiều khoản phí cố định như: phí bảo hiểm xe, bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, phí đăng kiểm phương tiện…. nếu gánh thêm phí cố định nữa sẽ rất khó khăn.
Theo ông Chung, phí bảo trì đường bộ nên quy định là một loại phí lưu động, có sử dụng dịch vụ thì có đóng, sử dụng nhiều đóng nhiều, sử dụng ít đóng ít để bảo đảm tính công bằng và đúng bản chất của phí.
Ngoài ra, về đối tượng chịu phí, dự thảo thông tư quy định lại nội dung được quy định tại khoản 1 điều 5 Nghị Định số 18/2012/NĐ-CP là phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, gồm cả với rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô. Xét về bản chất, rơ- moóc, sơ mi rơ-moóc chỉ là tổ hợp cơ khí đơn giản, không gắn động cơ nên không thể tự hành trên đường bộ, hoàn toàn tách rời với đầu kéo. Chỉ khi nào sơ mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo mới tạo thành xe tổ hợp chuyên dụng tham gia giao thông trên đường bộ để vận chuyển hàng hóa.
Tại nghị định và bản dự thảo thông tư đã quy định máy kéo là đối tượng bị thu phí bảo trì đường bộ rồi, tức là đã đánh trên đầu phương tiện rồi thì không thể đánh phí tiếp lên phần đuôi là sơ mi rơ- moóc nữa. Chưa kể quy định tại dự thảo về mức thu phí đánh trên sơ mi rơ-moóc lại cao gần gấp 2 lần so với mức thu của đầu kéo. Nếu không khắc phục điều này, vô hình trung quy định về phí này sẽ là gánh nặng về phí cho nhiều DN vận tải và để lại nhiều hệ lụy cho xã hội như việc mua bán xe, sơ mi rơ-moóc nhưng không trước bạ sang tên hoặc không tham gia đăng kiểm sơ mi rơ-moóc mà chấp nhận chung chi trên đường…
Bên cạnh đó, dự thảo đưa ra phương thức thu phí theo kỳ đăng kiểm là chưa phù hợp. Hiện nay, kỳ đăng kiểm của phương tiện xe cơ giới là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng hoặc 30 tháng, tùy theo phương tiện cũ hay mới. Nếu phải đóng phí theo kỳ đăng kiểm nghĩa là buộc các DN vận tải phải nộp tiền trước sử dụng dịch vụ sau. Nghĩa là phải đi vay và trả lãi hai lần để cho phương tiện hoạt động (vay để đầu tư phương tiện và vay để nộp phí bảo trì đường bộ).
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, để các quy định tại thông tư vừa đảm bảo mục tiêu quản lý (tạo nguồn thu cho quỹ) vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng chịu sự điều chỉnh, dự thảo thông tư cần đảm bảo tính hợp lý. Cụ thể, về mức phí sử dụng đường bộ đối với ô tô quy định tại dự thảo thông tư là quá cao, nhất là khi áp dụng đối với các DN có hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa có sử dụng số lượng lớn phương tiện vận chuyển.
Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, việc hàng năm DN phải đóng thêm hàng chục tỷ đồng tiền phí sẽ gây khó khăn lớn đến hoạt động kinh doanh của DN. Hơn nữa, việc DN phải đóng phí lớn sẽ buộc các DN phải tính vào giá dịch vụ và vô hình trung người tiêu dùng sẽ chịu ảnh hưởng và sức tiêu dùng của người dân sẽ suy giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hành khách, tác động tiêu cực và gây khó khăn cho DN.
Nên lùi thời gian thu phí
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, trong tình hình kinh tế hiện nay, các DN vận tải đang đối mặt với nhiều áp lực nên việc dự thảo thông tư đưa ra thời điểm triển khai thu phí quỹ bảo trì đường bộ từ đầu năm 2013 sẽ khiến DN gặp khó. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nên xem xét tạm hoãn và chọn thời điểm thích hợp áp dụng. Bởi vì hiện tại, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh khó khăn chung của cả nền kinh tế.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13 để tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có nhiều biện pháp được đưa ra và chú trọng ở phần hỗ trợ tài chính như giảm, giãn thuế… Các quy định tại thông tư áp dụng sẽ tạo thêm gánh nặng tài chính cho DN và có thể càng làm suy giảm khả năng sản xuất, kinh doanh của DN, điều này dường như đang đi ngược lại chủ trương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN mà Chính phủ đang triển khai.
Bên hành lang kỳ họp Quốc hội lần này, một số đại biểu cho rằng, trong tình hình kinh tế còn khó khăn như hiện nay, để chia sẻ khó khăn với người dân, Nhà nước chưa nên áp dụng thu phí sử dụng đường bộ từ đầu năm 2013.
ĐÌNH LÝ