

Tuần qua, liên Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), Sở Tài chính, Cục Thuế và đại diện các quận, huyện đã có cuộc họp triển khai quyết định thu phí vệ sinh môi trường theo mức phí và hình thức mới do UBND TPHCM ban hành.
Nhiều giải pháp được đề xuất nhằm triển khai quyết định của thành phố. Chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở TN-MT TPHCM xung quanh quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của hầu hết người dân thành phố này.
Luôn cập nhật tình huống mới phát sinh để quyết định khả thi hơn
- Thưa ông, Sở TN-MT và các ban ngành liên quan đã có kế hoạch gì để triển khai quyết định của thành phố?
Trước hết, chúng tôi đã tiến hành phân loại thật cụ thể từng đối tượng phải nộp phí để đảm bảo cho người dân nộp đúng, nộp đủ và Nhà nước cũng thu đúng, thu đủ. Theo đó, khu vực nội thành được xác định rõ gồm 14 quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận. Các quận, huyện còn lại được xác định là vùng ven.
Người dân ở 2 khu vực này sẽ có mức phí vệ sinh môi trường khác nhau. Dân nội thành ở mặt tiền đường sẽ đóng 20.000 đồng/hộ/tháng. Dân nội thành nhưng ở trong hẻm sẽ đóng 15.000 đồng/hộ/tháng.
Dân tại quận, huyện ven đóng ít hơn: nếu ở mặt tiền đường đóng 15.000 đồng/hộ/tháng, nếu ở trong hẻm đóng 10.000 đồng/hộ/tháng.
Tất nhiên, tiêu chí ở mặt tiền đường và trong hẻm cũng được xác định: các hộ dân ở mặt tiền đường của tất cả các tuyến đường được đặt theo tên hoặc số thì gọi là người dân ở mặt tiền đường. Những hộ dân còn lại là những hộ dân ở trong hẻm. Chúng tôi buộc phải định nghĩa rõ những điều tưởng chừng như đơn giản ấy, vì hiện nay có không ít những con đường rất nhỏ - nhỏ hơn cả một con hẻm - trong khi đó có không ít hẻm thì lại rất to, to như một… con đường.
Mức thu phí tại các căn hộ chung cư cũng khác nhau, do vậy chúng tôi cũng buộc phải phân loại chung cư. Theo đó, những chung cư cao cấp được phân hạng theo Thông tư 14/2008/TT-BXD là loại 1, loại 2 thì đóng phí vệ sinh môi trường là 20.000 đồng/hộ/tháng; chung cư loại 3, loại 4 thì đóng mức phí 15.000 đồng/hộ/tháng, không phân biệt chung cư đó nằm trên địa bàn quận nội thành hay quận, huyện ngoại thành.
Tiếp đó, chúng tôi cũng xây dựng một vài tình huống giả định sẽ xảy ra trong thực tế để bàn cách thu phí. Ví dụ, người dân vừa sử dụng nhà để ở, vừa kinh doanh thì phí nộp sẽ bao gồm: phí cho từng hộ dân cộng với phí cho hình thức kinh doanh đó.
Chẳng hạn, một hộ dân ở ngoại thành-vùng ven vừa có nhà để ở, phía trước mặt tiền nhà cho thuê kinh doanh tạp hóa, phía sau nhà cho thuê làm phòng trọ thì mức phí đóng như sau: hộ dân sẽ phải đóng 15.000 đồng/tháng; lượng rác thải từ việc kinh doanh tạp hóa và phòng trọ nếu cộng lại nằm trong khoảng từ 250kg/tháng đến dưới 420 kg/tháng thì đóng phí 110.000 đồng/tháng. Tổng cộng hộ dân này sẽ phải đóng phí vệ sinh môi trường là 125.000 đồng/tháng.
- Quá chi tiết như vậy, liệu có bao quát hết các tình huống xảy ra trong thực tế? Ông có nghĩ rằng, một khi đã không bao quát hết các tình huống trong thực tế thì việc tính toán quá chi tiết rất có thể trở thành khó khăn cho những người trực tiếp thực thi quyết định?
Tôi không nghĩ như vậy, bởi Sở TN-MT cùng các ban ngành chức năng cố gắng “luật hóa” các tình huống có thể xảy ra trong thực tế để người thực thi dễ thực hiện, nhưng cũng để “mở” khả năng cập nhật thêm những tình huống mới phát sinh.
Tôi lấy ví dụ, khi xây dựng kế hoạch thu phí vệ sinh môi trường ở các chợ, ngành chức năng chưa tính đến khả năng khối lượng rác mà các tiểu thương ở chợ thải ra không nhiều trong khi rác từ các hộ “buôn thúng bán bưng” gần đó thải ra mới lớn. Tình huống ấy mà buộc các tiểu thương trong chợ nộp phí môi trường chung cho cả khu vực thì không đúng.
Thế nhưng, nếu tách riêng từng đối tượng thì căn cứ nào để tính vì rác thường để chung với nhau và nếu có tách được thì liệu có thể buộc các hộ “buôn thúng bán bưng” nộp phí, khi mà đây là hành động sai quy định và Nhà nước không quản lý được?
Chính các đơn vị trực tiếp đi thu phí đã phản ánh tình huống này và Sở TN-MT cùng các ban ngành khác đang xem xét hướng xử lý. Tất cả các đối tượng đóng phí sau khi được xác định và phân loại sẽ được công bố rộng rãi tại từng tổ dân phố (thông qua bản tin tổ dân phố).
Xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân không nộp phí bảo vệ môi trường

Người dân bỏ rác vào xe rác dân lập trên đường Võ Văn Tần. Ảnh: ĐỨC TRÍ
- Như ông đã nói trong bài trao đổi với báo Sài Gòn Giải Phóng lần trước xung quanh việc thu phí vệ sinh môi trường: “Áp dụng hình thức thu mới nhưng vẫn đảm bảo cho lực lượng rác dân lập có thu nhập không thấp hơn so với trước”. Điều gì sẽ đảm bảo cho việc này khi mà mức thu phí mới ở nhiều nơi, nhất là quận, huyện ven thấp hơn so với hiện nay?
Ở một vài nơi có mức thu phí mới thấp hơn hiện nay nhưng cũng có nhiều nơi có mức thu cao hơn.
Chúng tôi sẽ nghiên cứu, cân đối để đảm bảo quyền lợi cho lực lượng thu gom rác dân lập.
- Thống kê của chính Sở TN-MT cho thấy, có 91% hộ dân nội thành đóng phí vệ sinh môi trường, trong khi đó con số này ở các quận, huyện ngoại thành là 40%. Tính chung, mới có khoảng 85% hộ dân đóng phí vệ sinh môi trường. Các ban ngành chức năng đã có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Việc thất thu phí vệ sinh môi trường chủ yếu do lực lượng rác dân lập không thu được tiền từ các hộ dân. Theo cách thu mới thì chính quyền địa phương sẽ làm công tác này.
Với quyền lực của cơ quan Nhà nước, ai xả rác mà không chịu nộp phí sẽ bị xử lý nghiêm, tôi tin rằng sẽ hạn chế được tình trạng thất thu phí vệ sinh môi trường.
- Một câu hỏi cuối, bao giờ thành phố chính thức áp dụng quyết định mới về thu phí vệ sinh môi trường?
Liên sở và các quận, huyện đang cố gắng triển khai trong tháng 4-2009.
An Nhiên