Phía Đông bừng sáng

Khởi động năm 2015, hàng loạt công trình cầu đường ở TPHCM đang được gấp rút hoàn thành và đưa vào sử dụng, là bước đệm đột phá cho những vùng “trắng” về cơ sở hạ tầng trước đây.
Phía Đông bừng sáng

Khởi động năm 2015, hàng loạt công trình cầu đường ở TPHCM đang được gấp rút hoàn thành và đưa vào sử dụng, là bước đệm đột phá cho những vùng “trắng” về cơ sở hạ tầng trước đây.

Nhiều nút thắt đã mở

Những ngày này, người dân dọc hai bên tuyến đường kênh Tân Hóa - Lò Gốm (thuộc quận 11, 6, Tân Phú) khẩn trương chỉnh trang mặt tiền nhà để đón năm mới. Nhà cửa hai bên tuyến đường này, trước đây toàn là nhà tạm bợ, nay trở thành nhà mặt tiền mới bóng loáng. Tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm bắt đầu từ đường Âu Cơ, giáp ranh giữa quận Tân Bình và Tân Phú xuôi về hướng quận 11 rồi đổ ra quận 6. Đây từng là con kênh ô nhiễm bậc nhất ở vùng này hàng chục năm qua, giờ đây, với dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm được khởi động từ cuối năm 2011, bộ mặt có dòng kênh chảy qua đã hoàn toàn thay đổi. Đoạn kênh từ đường Âu Cơ (quận Tân Phú) đến đường Lũy Bán Bích (quận 11) dài 3km được lắp cống hộp và làm đường giao thông rộng 13m. Đoạn kênh còn lại từ đường Lũy Bán Bích đến kênh Tàu Hủ được làm hở giống như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có đường hai bên. Hiện các đơn vị thi công đang gấp rút hoàn chỉnh trong vài ngày tới.

Đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: CAO THĂNG

Theo ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP (chủ đầu tư dự án), công trình đã cải tạo 7,4km tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm và cảnh quan ven kênh; làm mới 12km đường dọc kênh, xây dựng 10 cầu nhỏ, hệ thống thu gom nước thải, giếng tách dòng, trạm bơm nâng áp, cống bao. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân từng nhấn mạnh khi kiểm tra công trình: Việc cải tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng và vệ sinh môi trường là vấn đề lãnh đạo TPHCM hết sức quan tâm. Thực hiện thành công dự án đã cải thiện đáng kể tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, từng bước nâng cao điều kiện, môi trường sống cho hàng triệu người dân các quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú. Ngoài ra, dự án còn tạo cảnh quan xanh, sạch, khang trang và hiện đại cho các quận Tân Phú, 6, 11 và TPHCM.

Năm qua, TPHCM cũng huy động vốn bằng nhiều hình thức để đầu tư hàng loạt công trình cầu đường đã đưa vào sử dụng, không chỉ giảm ùn tắc giao thông mà còn rút ngắn thời gian đi lại giữa các quận huyện. Đường Phạm Văn Đồng (đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài) đã thông xe, không chỉ mở thêm một tuyến đường quan trọng đến sân bay Tân Sơn Nhất mà còn giải quyết được nhu cầu giao thông ở các quận Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp và Thủ Đức. Đến thời điểm này, tuyến đường đã đưa vào khai thác gần 10km, hiện còn hơn 3km sẽ thông toàn bộ tuyến này. Tuyến đường bắt đầu từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đi qua quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, sau đó băng qua sông Sài Gòn kết nối vào quốc lộ 1 với 12 làn xe, rộng 60m. Đây là trục đường cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của TP và toàn vùng không chỉ giúp giải tỏa áp lực giao thông trong khu vực các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức mà còn kết nối TPHCM một cách thông suốt, thuận tiện với các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Năm qua, TPHCM cũng đưa vào sử dụng hàng loạt công trình trọng điểm giải quyết cơ bản những điểm kẹt xe thường xuyên như cầu kênh Thanh Đa, cầu Bông, cầu Lê Văn Sỹ, cầu Kiệu, Hậu Giang, nút giao quốc lộ 1 - tỉnh lộ 10 và quốc lộ 1 - tỉnh lộ 10B, cầu vượt nút giao hương lộ 2 - xa lộ Đại Hàn.

Giao thông liên hoàn, thông suốt

Những ngày này, trên công trường nút giao thông An Phú, quận 2, hàng chục công nhân đang miệt mài làm nốt những công đoạn còn lại để kịp đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2015. Đây là hạng mục quan trọng của đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và là điểm cuối của đường Lương Định Của giao cắt với đại lộ Đông Tây. Đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành các nhánh đường nối vào trục chính của tuyến cao tốc. Hiện nhà thầu thi công đang khẩn trương thảm nhựa đường lần cuối và lắp đặt hệ thống chiếu sáng, lan can trồng cây... Nút giao này hoàn thành cũng đồng nghĩa với việc kết nối thông suốt vào phần đường cao tốc phía bên kia quận 9. Đây là điểm kết nối từ đại lộ Đông Tây TPHCM vào đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Đây là điểm nhấn về sự phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị là tuyến đường huyết mạch nối giữa trung tâm TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ.

 Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hàng loạt công trình giao thông kết nối vào tuyến cao tốc nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Đỗ Xuân Hợp, Đồng Văn Cống... Cùng với đó, dự án đường Vành đai Đông, hạng mục nào hoàn thành là đưa vào sử dụng ngay nhằm giải tỏa tình trạng ùn tắc, kẹt xe ở cửa ngõ Đông Bắc TP. Khi tuyến đường Vành đai 2 xây dựng hoàn chỉnh (hiện nay còn một đoạn chưa thi công) lượng xe từ các tỉnh miền Trung, miền Đông đi về các tỉnh miền Tây phần lớn không phải chạy vòng như hiện nay. Xe đi hướng cầu Đồng Nai vào hướng TPHCM đến ngã tư Bình Thái qua cầu Rạch Chiếc, chạy tiếp, sau đó qua cầu Phú Mỹ thông suốt vào đường Nguyễn Văn Linh. Còn xe đi hướng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cũng thông ra đường Vành đai 2. Như vậy, đường Vành đai 2 là tuyến đường xương sống, nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nội đô, cũng đồng thời là tuyến đường quan trọng thứ hai lưu thông đi miền Trung - miền Đông - miền Tây và ngược lại. Tuyến đường này là một phần của đường Vành đai 1 và là một trong 4 đường vành đai theo quy hoạch giao thông của TPHCM đến năm 2020, nối hệ thống đường cao tốc, Vành đai ngoài, Vành đai 2 và các tuyến giao thông quan trọng khác tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục