Phía sau những đứa trẻ “không gia đình”

Phía sau những đứa trẻ “không gia đình”

Ngày 31-8-2007, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Tọa đàm Khoa học chăm sóc – giáo dục trẻ em đường phố trên địa bàn thành phố với sự tham gia của các tổ chức quốc tế do Viện Nghiên cứu Xã hội TPHCM tổ chức. Tọa đàm đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu về lĩnh vực này, qua đó công bố các kết quả nghiên cứu mới về đối tượng trẻ em lang thang tại TPHCM.

Có bao nhiêu trẻ em lang thang?

Phía sau những đứa trẻ “không gia đình” ảnh 1

Chương đang ngồi đọc truyện tranh trong thư viện của Mái ấm Tre Xanh. Ảnh: TRẦN NGUYỄN ANH

Đây là một câu hỏi rất khó trả lời. Số lượng trẻ em lang thang trên đường phố TPHCM thường xuyên biến động bởi nhiều lý do, trong khi đó kinh phí cho việc điều tra và cập nhật số liệu lại không có.

Ông Trần Công Bình, điều phối viên của UNICEF, một người am hiểu về lĩnh vực này, than phiền: “Số liệu thường dùng cho đến nay là con số điều tra năm 2003 nhân SEA Games tổ chức tại Việt Nam!”. Thiếu con số cụ thể thì việc triển khai các chương trình giúp đỡ mang tính quốc tế diễn ra rất khó khăn.

Ông Bình cho biết thêm: “Nguồn kinh phí giúp đỡ trẻ em lang thang không hề thiếu. Nếu được tổ chức tốt, có hệ thống, các mái ấm tình thương và lớp học tình thương chắc chắn sẽ nhận được nhiều nguồn tài trợ”.
 
Ông Lê Quang Nguyên, điều phối viên của chương trình Save the Children Sweden, phát biểu tại hội thảo: “Trẻ em lang thang rất sợ thu gom. Giờ đây các em không lêu lổng ngoài đường phố như trước mà thường núp dưới danh nghĩa hành nghề gì đó như bán vé số, đánh giày nhưng thực chất vẫn là trẻ lang thang”. Một số địa phương cũng báo cáo con số trẻ lang thang trên địa bàn ít đi vì… “bệnh thành tích” - một phường tốt thì làm sao có nhiều trẻ lang thang được!

Trong tham luận “Xây dựng mô hình chăm sóc và giáo dục trẻ em đường phố hiệu quả với sự hợp tác của tổ chức quốc tế tại TPHCM”, tác giả Lê Thị Ngọc Dung nêu: “Hiện nay thành phố có hơn 10.350 trẻ em lang thang kiếm sống và bị lạm dụng sức lao động”. PGS-TS Võ Xuân Đàn với tham luận “Phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng xã hội trong việc chăm sóc – giáo dục “trẻ em đường phố” ở TPHCM” thì đưa ra con số 10.063. Tham luận “Hiện trạng trẻ em lang thang đường phố ở TPHCM” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Vân lại cho biết: “Ước tính đến năm 2007, tại thành phố Hồ Chí Minh có hơn 10.000 trẻ em lang thang”.

Như vậy, so với con số trẻ em lang thang tại TPHCM được thống kê vào năm 2003 là 8.507 – theo Nguyễn Thanh Vân (tham luận đã dẫn), số trẻ lang thang tại TPHCM hiện nay không giảm mà còn tăng thêm.

Theo PSG-TS Võ Xuân Đàn (tham luận đã dẫn): “Chỉ trong mười năm, từ 1997 đến 2007, số trẻ em đường phố tăng bình quân 6% mỗi năm, trong đó có tới 70% trẻ em từ các tỉnh thành khác đến”. 30% trẻ em lang thang là con cái các gia đình trong thành phố. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại về cấu kết gia đình đô thị (theo con số mà nhà nghiên cứu Lê Thị Ngọc Dung đưa ra thì số trẻ em đường phố có “nguồn gốc” từ chính thành phố Hồ Chí Minh chiếm đến 48,62%).

Với hàng vạn trẻ em không gia đình, nhiều vấn đề cần phải được tìm hiểu thấu đáo hơn.

Phía sau những đứa trẻ “không gia đình” ảnh 2

Biểu đồ lý do tác động khiến trẻ bỏ đi lang thang(Nguồn: Đề tài nghiên cứu của Thạc sĩ Giáo dục học Thạch Ngọc Yến)

Vì sao bọn trẻ lại “không gia đình”?

Chiều chiều, Chương lại vào thư viện của Mái ấm Tre Xanh (quận 1, TPHCM) để đọc sách. Nó không nói chuyện với bạn bè, chỉ ngồi đọc sách rất say sưa, khuôn mặt lầm lì. Cán bộ ở mái ấm này cho biết nó thường bỏ đi, đôi khi ngủ trong ống cống hàng tuần, phải đi tìm nó về. Tôi hỏi nó bằng một câu rất “cổ điển”: “Vì sao con lại bỏ đi?”. Nó không trả lời. “Con không thích đi học phải không?”, tôi lại hỏi. Nó gật đầu. Tôi hỏi tiếp: “Nếu không phải đi học, con có ở lại mái ấm không?”. Nó đáp: “Con không muốn ở đây nữa”. Chương muốn mọi người nghĩ nó là đứa trẻ ngoan. Nó muốn điều đó lắm, nhưng vì sao nó vẫn thích lang thang? Câu hỏi này không dễ trả lời một cách cặn kẽ.

Nghiên cứu của thạc sĩ Thạch Ngọc Yến ở Ủy ban Dân số Kế hoạch hóa gia đình TPHCM (dẫn theo PGS-TS Võ Xuân Đàn – tham luận đã dẫn)  khi khảo sát 548 trẻ em lang thang, chỉ có 11,5% trẻ mồ côi cha và 4,8% mồ côi mẹ.  Trong khi đó, có tới  49,9% (274 trường hợp) các em có cha mẹ làm thuê, bán hàng rong. Phải chăng chính cuộc mưu sinh nay đây mai đó của cha mẹ đã ảnh hưởng rất nhiều đến thói quen và cách sống của các em? Nghiên cứu này cũng cho thấy chỉ 5,6% trẻ lang thang muốn tự lập thực sự. Ngoài ra, cũng chỉ 6,4% trẻ em muốn đi làm vì mục đích kiếm tiền tiêu. Nhưng thực tế, trong thời gian lang thang, 41,2% (453 trường hợp) đã phải đi bán vé số, vé dò số; 18,9% phụ bán hàng; 8,8% lượm phế liệu; 2,5% đi xin ăn. Nghiên cứu trên cũng cho thấy trẻ em lang thang kiếm sống vì đói chỉ chiếm 9,50%.  Tỷ lệ các trẻ lang thang để kiếm sống vì gia đình chiếm tới 54,20%. (Số trẻ lang thang chơi bời chỉ chiếm 4%).
 
Hướng nào cho tương lai?

Theo nghiên cứu của Lê Thị Ngọc Dung (tham luận đã dẫn), hiện Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM có 6 trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em lang thang cơ nhỡ. Toàn thành phố có 34 mái ấm tình thương, 21 lớp học tình thương. Nhiều dự án giúp đỡ trẻ em lang thang đang được triển khai tại thành phố, chủ yếu kinh phí từ các tổ chức quốc tế. TPHCM đang phấn đấu ngăn ngừa và trợ giúp trẻ em lang thang kiếm sống để đến năm 2010 giảm 90% số trẻ em này, trong đó có 70% trẻ em được trợ giúp tạo dựng cuộc sống hòa nhập với gia đình.

Theo Hồ Thị Luấn trong tham luận “Tâm lý và trình độ học vấn của trẻ em đường phố tại thành phố Hồ Chí Minh”,  26,1% trẻ lang thang trong thành phố không biết chữ và 12,9% mới có trình độ văn hóa lớp 1. Tuy nhiên, các em lại có một đặc điểm tâm lý là  biết phục thiện. Tác giả này cho biết: “Mặc dầu cuộc sống của các em luôn gặp những điều rủi ro như bị mọi người xa lánh hoặc đối xử không công bằng, bị đánh đập, song thường các em rất dễ phục thiện khi được đối xử nhân ái, khi nhận được sự giúp đỡ về vật chất hoặc tinh thần, được bênh vực, che chở...”. Ngoài ra, trẻ em lang thang thường có khát khao vươn tới tương lai.  “Chính vì cuộc sống tạm bợ đầu đường xó chợ, sống ngày nào biết ngày ấy đã tạo cho trẻ niềm khát khao mạnh mẽ về một cuộc sống ổn định trong tương lai”. Những nét tâm lý ấy thể hiện qua con số của dự án “Tương lai” kéo dài từ năm 2002-2005 nhằm hỗ trợ công ăn việc làm cho trẻ lang thang. Tỷ lệ trẻ bỏ việc năm 2002 là 50%, năm 2003 là 39%, năm 2004 là 16%, năm 2005 là 35%, năm 2006 là 20%.

Trở lại với câu chuyện của Chương (em bảo tôi gọi như vậy trong khi người trong Mái ấm lại gọi em là Trương), những người trong Mái ấm Tre Xanh kể với tôi rằng họ tìm mọi cách để giúp Chương đi học nhưng khi có người sơ ý nổi nóng quát mắng thì em lấy dao đòi đâm. Mọi người đều sợ hãi nhưng vẫn thương cậu bé. Mẹ Chương đã mất, bố đi biệt tích, người  anh đi bụi bị nhiễm HIV. Không ai biết em đang nghĩ gì và vì sao lại bỏ mái ấm sạch sẽ để chui vào cống ngủ? Sở thích của Chương là đọc truyện tranh. Nó nói với tôi: “Em đọc xong, em ngủ luôn ở thư viện”. Tôi nghĩ Chương vốn là một đứa trẻ ngoan nhưng mái ấm có giữ nổi cậu bé hay không thì câu chuyện vẫn còn tiếp tục với Chương, với Mái ấm Tre Xanh và với cả cuộc đời rộng lớn này.

Theo thạc sĩ Thạch Ngọc Yến trong tham luận “Chăm sóc – giáo dục trẻ em đường phố trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và sự tham gia của các tổ chức quốc tế”, số trẻ em trai và gái lang thang không chênh lệch nhau nhiều: trai 59%, nữ 51% (khảo sát 550 em).

Cũng theo Th.s Thạch Ngọc Yến, nếu chia theo độ tuổi, trẻ từ 11 - 13 tuổi chiếm tới 44,9%; Trẻ  14 - 16 tuổi chiếm 38,9%; Các bé 6 - 10 tuổi chiếm 16,2%.  

TRẦN NGUYỄN ANH   

Tin cùng chuyên mục