Hàng loạt các vấn đề đặt ra về việc gửi và quản lý tiền gửi của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tại chi nhánh của VietinBank đã được Hội đồng xét xử (HĐXX), luật sư chất vấn bị cáo và đại diện các đơn vị có liên quan trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án kinh tế xảy ra tại ACB và một số công ty trên địa bàn TPHCM và Hà Nội tiếp tục diễn ra hôm qua 24-5, tại Hà Nội.
Mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng phiên tòa vẫn tiếp tục thẩm vấn để làm rõ tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của các bị cáo trong vụ án. Đối với việc các bị cáo đã gây thiệt hại cho ACB khi ủy thác cho 19 nhân viên của ACB gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, trong đó có chi nhánh của VietinBank ở TPHCM và đã bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 718 tỷ đồng, sau phần xét hỏi của HĐXX, các luật sư đã được phép đặt câu hỏi.
Luật sư Vũ Xuân Nam bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã đưa ra nhiều câu hỏi với đại diện Ngân hàng Nhà nước như: Người dân đi gửi tiền có phải là hoạt động thuộc lĩnh vực hoạt động của ngân hàng, và phải được phép của Ngân hàng Nhà nước mới được đi gửi tiền không? Khi người dân đem tiền đi gửi, ngân hàng có xác định là nguồn tiền của ai không? Người dân đi gửi tiền, nộp tiền vào tài khoản, đối với người dân có phải là hoạt động của ngân hàng không?...
Trước các câu hỏi liên tiếp của luật sư, đại diện của Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp từ chối với lý do không thuộc lĩnh vực mình quản lý và “không nhớ hết”. Còn đại diện của VietinBank tiếp tục khẳng định VietinBank không có trách nhiệm trong việc để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt số tiền này. Trước câu hỏi của luật sư Nguyễn Minh Tâm về việc một người không phải chủ tài khoản, giả con dấu, chữ ký của tài khoản mà VietinBank vẫn thực hiện lệnh giải ngân thì trách nhiệm dân sự của VietinBank với chủ tài khoản thế nào? Trả lời câu hỏi này, đại diện VietinBank cho rằng, ai làm giả người đó phải chịu và trong trường hợp này Huyền Như đã nhận trách nhiệm.
Về phía ACB, bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB) cho biết, ACB đã đến VietinBank đòi số tiền hơn 718 tỉ đồng, nhưng phía VietinBank trả lời vụ án đang được điều tra. Tiếp đó ACB tới gặp cơ quan điều tra thì được trả lời đây là quan hệ dân sự. “Vì thế, chúng tôi đã nói các nhân viên được ủy thác đi khởi kiện chi nhánh của VietinBank để đòi tiền” - bị cáo Lý Xuân Hải cho biết. Trong khi đó, “bầu” Kiên tiếp tục đề nghị cơ quan điều tra cần tra soát lại phần mềm về các giao dịch của VietinBank xem giao dịch đó là do VietinBank hay cá nhân Huyền Như thực hiện.
Trước đó, đối với hành vi đầu tư cổ phiếu ACB gây thiệt hại cho ACB số tiền hơn 680 tỷ đồng, trả lời câu hỏi của HĐXX, ông Đỗ Minh Toàn (một thành viên trong hội đồng đầu tư công ty chứng khoán ACBS thuộc ngân hàng ACB) cho biết, nghị quyết việc mua cổ phiếu của Ngân hàng ACB có 3 người ký là “bầu” Kiên, ông Nguyễn Ngọc Chung (nguyên Tổng giám đốc ACBS) và ông Toàn. Ông Toàn là người ký sau cùng.
Còn bị cáo Trịnh Kim Quang (nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) khai, sau khi có nghị quyết của HĐQT, mọi việc mua bán và đầu tư cổ phiếu đều do “bầu” Kiên quyết định, nhằm đảm bảo bí mật kinh doanh vì nếu ACB hay ACBS đặt lệnh mua bán cổ phiếu thì cả thị trường đều biết sẽ không đạt được mục đích kinh doanh. Trong khi đó, bị cáo Phạm Trung Cang (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) thừa nhận nếu ACBS tự mua cổ phiếu ACB là không đúng luật.
NGUYỄN QUỐC
>> Phiên tòa xét xử vụ án “bầu” Kiên: Không phải tiền túi nên không quan tâm