Không quá trông chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm như lần lấy phiếu tín nhiệm vào năm 2013, nhưng nhìn chung dư luận vẫn quan tâm và đón nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội với thái độ khá khách quan. Tựu trung, có mấy nhóm ý kiến chính:
Thứ nhất, mặc dù kết quả lấy phiếu tín nhiệm không có ý nghĩa ràng buộc trực tiếp đến việc phải từ chức, thôi chức, nhưng kết quả lấy phiếu tín nhiệm năm 2013 đã có tác động tích cực đến hầu hết các vị lãnh đạo thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm. Nhìn chung, các vị lãnh đạo đều cố gắng thể hiện năng lực, trách nhiệm, tâm huyết của mình để đạt được những kết quả tích cực hơn trong hoạt động thực tiễn và từ đó được đánh giá tín nhiệm tốt hơn. Do đó, có thể thấy việc lấy phiếu tín nhiệm là một “trắc nghiệm” thiết thực để các vị lãnh đạo điều chỉnh việc lãnh đạo, quản lý, điều hành của mình.
Thứ hai, một số vị lãnh đạo có phiếu tín nhiệm cao tăng hơn hoặc có tín nhiệm thấp giảm đi đều được dư luận đánh giá có những “tiến bộ” trong hoạt động thực tiễn. So với năm 2013, một số vị có sự thể hiện rất nổi bật thể hiện những quyết định quản lý có trách nhiệm, có hiệu quả; chẳng hạn Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã sâu sát, quyết liệt và tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong ngành…
Thứ ba, một số vị lãnh đạo có nhiều phiếu tín nhiệm thấp tuy có ý kiến phê phán nhưng nhìn chung dư luận không đồng nhất hoàn toàn giữa năng lực với kết quả điều hành thực tế. Nhiều vị được cho là lĩnh vực được phân công còn nhiều tồn tại do yêu cầu, đòi hỏi của người dân quá lớn và ngày càng cao, trong khi điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật của lĩnh vực đó còn nhiều hạn chế và có những yếu tố khách quan, lịch sử khác chứ chưa hẳn do không thể hiện trách nhiệm đầy đủ.
Thứ tư, như lần lấy phiếu trước, lần này vẫn có “lệch” nhất định khi lãnh đạo Quốc hội và Nhà nước có xu hướng đạt phiếu tín nhiệm cao nhiều hơn các thành viên Chính phủ. Điều này có thể chưa phản ánh đầy đủ năng lực, trách nhiệm, tâm huyết của tất cả các vị lãnh đạo, bởi trên thực tế, có một số lĩnh vực rất gai góc, rất khó chuyển biến rõ nét ngay lập tức mà đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, có nhiều sự phối hợp với nhiều ngành khác, có sự điều chỉnh sâu sắc ở tầm vĩ mô, chiến lược…
Thứ năm, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này tiếp tục khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn, do đó cần tiếp tục duy trì và phát huy. Trong đó, nên chăng có những thay đổi cần thiết về cách thức lấy phiếu (có bao nhiêu mức, tên từng mức cụ thể…), sử dụng kết quả của phiếu tín nhiệm (luân chuyển, sắp xếp lại những trường hợp không đáp ứng yêu cầu công tác hoặc nhiệm vụ chưa phù hợp…), định kỳ lấy phiếu (lấy mấy lần trong một nhiệm kỳ…).
VÂN TÂM