Phim đề tài chiến tranh - Bao giờ thoát khỏi bóng quá khứ?

Sau hai năm vắng bóng, những ngày gần đây, liên tiếp hai bộ phim có đề tài chiến tranh, một tác phẩm điện ảnh Sống cùng lịch sử, một phim truyền hình Đường lên Điện Biên đã được trình chiếu ra mắt khán giả. Hình ảnh đẹp, diễn viên trẻ và nguồn kinh phí dành cho hai tác phẩm cũng lớn, song người xem vẫn cảm thấy chưa được như kỳ vọng. Khán giả vẫn đang chờ đợi những tác phẩm như Cánh đồng hoang; Bao giờ cho đến tháng mười… từng lay động hàng triệu con tim của khán giả.
Phim đề tài chiến tranh - Bao giờ thoát khỏi bóng quá khứ?

Sau hai năm vắng bóng, những ngày gần đây, liên tiếp hai bộ phim có đề tài chiến tranh, một tác phẩm điện ảnh Sống cùng lịch sử, một phim truyền hình Đường lên Điện Biên đã được trình chiếu ra mắt khán giả. Hình ảnh đẹp, diễn viên trẻ và nguồn kinh phí dành cho hai tác phẩm cũng lớn, song người xem vẫn cảm thấy chưa được như kỳ vọng. Khán giả vẫn đang chờ đợi những tác phẩm như Cánh đồng hoang; Bao giờ cho đến tháng mười… từng lay động hàng triệu con tim của khán giả.

        Chưa thoát khỏi rào cản khuôn mẫu?

Kể từ khi bộ phim truyện nhựa đầu tiên Chung một dòng sông ra đời (1959) đến thời kỳ đỉnh cao của phim chiến tranh Việt Nam (1965-1975), trong vòng 5 năm, điện ảnh Việt Nam cho ra đời 18 tác phẩm. Con số đó không nhiều nhưng nếu so với hiện nay, 5 năm chúng ta cũng chỉ có 2 - 3 bộ phim đề cập đến đề tài này thì xem ra, thời hoàng kim của phim chiến tranh đã qua. Có nhiều người cho rằng, hiện nay giữa thời bình, phim đề tài chiến tranh không còn cần thiết. Suy nghĩ đó có phần phiến diện. Bởi thực tế cho thấy, nhiều bộ phim chiến tranh nổi tiếng thế giới lại được làm giữa thời bình và mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc và có sức lay động lòng người. Hơn nữa, phim chiến tranh đặc biệt đề cao lòng yêu nước, ý chí quyết hy sinh tất cả để giành độc lập tự do cho dân tộc, sẽ là bài học lịch sử quý giá cho thế hệ tương lai. Giữa thời bình, không thể làm mãi phim về thời chiến nhưng rõ ràng, phim chiến tranh vẫn là cần thiết đối với dân tộc, nhất là trong mỗi dịp kỷ niệm những dấu mốc trọng đại của lịch sử. Song vì sao, phim chiến tranh hiện nay thiếu và yếu, câu trả lời cho vấn đề này không đơn giản.

Phim về đề tài chiến tranh còn nặng về mô tả, kể lại lịch sử.

Phim về đề tài chiến tranh còn nặng về mô tả, kể lại lịch sử.

Phân tích về điều này, Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc, tác giả kịch bản bộ phim chiến tranh Cao hơn bầu trời, chia sẻ: “Phim chiến tranh khó làm. Trong đó, khó nhất vẫn là viết sao cho thật hay, thật mới mẻ và đầy xúc cảm, làm sao để các nhà làm phim có thể thực hiện được. Nhân vật thì người viết có thể hư cấu, song bối cảnh phải thực. Đặc biệt, lời thoại trong phim phải ngắn gọn, ngôn ngữ phải bật lên được tính cách nhân vật. Nếu anh dễ dãi theo đường mòn lối cũ, hiện đại hóa ngôn từ, hoặc lai kiểu cách của Tây, Tàu, đều hỏng”. Bên cạnh đó, để phim hấp dẫn, nhà văn cũng khẳng định: “Phim chiến tranh không đơn thuần chỉ kể lại diễn biến các trận đánh theo kiểu ùng oàng, ta thắng địch thua, vì nếu vậy chắc chẳng có ma nào xem”.

Hiện nay, một số tác phẩm được Nhà nước đầu tư với số tiền không nhỏ thì mới chỉ dừng ở việc minh họa lịch sử, như một phim tài liệu được dựng lại chứ chưa tạo được sức hút với khán giả như một phim truyện điện ảnh, đa dạng số phận con người trong cuộc chiến, giàu tính nhân văn. Đây cũng chính là cái yếu mà TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh từng nhận định về phim Việt: “Thói quen của nhiều nhà làm phim lịch sử là đặt ra quá nhiều ý tưởng lớn lao và vấn đề quan trọng nhất trong một tác phẩm khiến cho nhiều nhà làm phim không đủ sức khai thác sâu sắc một vấn đề nổi bật nào, không gây được ấn tượng mạnh và không thuyết phục được người xem.”.

        Gánh nặng kinh phí

Theo phân tích của GS-TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: Hai năm trở lại đây chúng ta không có kinh phí làm phim chiến tranh. Nhưng nhìn lại, giữa thời gian đặc biệt, trong chiến tranh lửa đạn, giai đoạn 1964 - 1975, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã làm nên kỳ tích: phát triển mạnh cả về số lượng lẫn thành tựu sáng tác trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn toàn diện. Còn hiện nay, phim Việt đều do các hãng tư nhân sản xuất là chính, tư nhân đặt lợi nhuận lên trên nên không thể làm phim chiến tranh, vừa tốn kém, vừa khó thu hút khán giả.

Đoàn làm phim Mùi cỏ cháy cũng từng than thở buộc phải “cắt” kịch bản, thu nhỏ quy mô phim. Nhiều cảnh ấn tượng trong kịch bản buộc phải thay đổi như: Cảnh tàu hỏa chuyển thư, đoàn phim phải thay thế bằng cảnh ô tô nổ tung khi chuyển thư... Bởi nếu thực hiện cảnh quay trên, ê-kíp thực hiện phải có trên một tỷ đồng để giải tỏa toàn bộ ki-ốt trong phạm vi bối cảnh. Cùng quan điểm, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, “cha đẻ” của các bộ phim chiến tranh như Đường thư, Những người viết huyền thoại và mới đây là Đường lên Điện Biên, chia sẻ: “Làm phim về chiến tranh phải có tiền và thời gian. Nếu phim Đường lên Điện Biên được đặt hàng từ ba năm trước, tôi cũng không thể làm được. Hiện nay, kỹ thuật mới, máy móc hiện đại mới giúp làm được bộ phim. Phim được sử dụng rất nhiều kỹ xảo. Phải tái tạo lại mọi thứ. Cả một cánh rừng gai góc với dây leo chằng chịt. Làm phim chiến tranh, muốn thật và hay thì phải tốn kém.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng: “Làm sao có được một tác phẩm mang tính trường tồn nếu trong con người nghệ sĩ chỉ toàn những điều lo lắng vụn vặt riêng tư, không mang nỗi lo của thời đại đang sống?”. Còn theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thì một trong những khó khăn lớn vẫn là vấn đề kinh phí. Có lần anh chia sẻ rằng: “Người ta cứ đổ tiền vào cái gì ấy chứ, thậm chí vào những bộ phim vô thưởng vô phạt chứ không phải là phim chiến tranh. Theo tôi, kể cả một bộ phim chiến tranh cũng có thể làm hấp dẫn như phim thị trường, chỉ có điều chúng ta hãy cởi bỏ tất cả những quan điểm cũ để làm những bộ phim chiến tranh mang tư tưởng mới, bộ mặt mới”.

Khi mà các nhà làm phim chỉ trông chờ kinh phí nhà nước để làm phim chiến tranh. Và phim chiến tranh chỉ sản xuất vào mỗi dịp kỷ niệm thì rõ ràng, để có những tác phẩm sánh vai cùng các đỉnh cao một thời như Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng mười vẫn là câu chuyện xa vời.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục