Ngành phim truyện của Việt Nam đã dành sự chú ý tới đề tài lịch sử từ rất sớm. Ngay sau phim “Chung một dòng sông” - bộ phim truyện đầu tiên, các phim khác như “Vật kỷ niệm của người đã mất”, “Lửa trung tuyến”, “Chiến sĩ trẻ”, “Chị Tư Hậu”… liên tiếp ra đời, kể về người và việc của 9 năm kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1975, chúng ta bắt tay làm những bộ phim truyện đề cập tới những thời kỳ lịch sử xa hơn như các phim “Đề Thám”, “Đêm hội Long Trì”, “Hà Nội mùa đông năm 1946”… Vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, phim truyện lịch sử rộ nở với “Long thành cầm giả ca”, “Thái sư Trần Thủ Độ”, “Khát vọng Thăng Long”… Năm nay, trong dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và tiến tới kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 40 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, một loạt phim lịch sử đã và sẽ ra mắt khán giả.
Mức độ thành công của các bộ phim khác nhau. Lời khen và tiếng phàn nàn không hiếm. Cũng cần nói ngay, làm phim lịch sử nói chung và phim chiến tranh trong những điều kiện điện ảnh nước nhà hiện nay là một thử thách khá cam go, vất vả. Chúng ta cần ghi nhận những nỗ lực, cố gắng, sự lao tâm khổ tứ của những ai đã và đang bắt tay làm ra những bộ phim lịch sử.
Nhưng gần đây, quanh thực tế làm phim lịch sử nổi lên một số quan niệm nên được trao đổi. Một số nhà biên kịch, đạo diễn trẻ tuyên bố họ làm phim lịch sử theo cách cảm, cách nghĩ của họ. Điều quan trọng hơn, phim của họ phải nhắm tới số đông là những khán giả trẻ.
Cả hai ý kiến này xét về tổng thể là hoàn toàn không có gì đáng phản bác.
Một tác phẩm nghệ thuật đương nhiên là cách nhìn thế giới theo con mắt, cách cảm, cách nghĩ riêng của những chủ thể sáng tạo. Đối tượng người xem đông đảo nhất (đồng thời cũng là khách hàng chủ yếu hiện nay của phim ảnh) là giới trẻ. Phải trù liệu ra sao để phim hấp dẫn, lôi cuốn, phù hợp với sở thích và lối sống của giới trẻ là lẽ đương nhiên. Ghé mắt nhìn qua lĩnh vực giáo dục, vì cách biên soạn sách giáo khoa chưa hay, vì cách dạy khô cứng khiến các em học sinh không thích học môn sử là một điều đã nhãn tiền.
Khẳng định như vậy rồi, nhìn vào mảng phim lịch sử ra mắt thời gian vừa qua người xem dễ dàng nhặt ra rất nhiều “hạt sạn”. Xe tải chạy trên đường Trường Sơn thời kỳ bom rơi, đạn nổ mà đàng hoàng chạy ban ngày, lá ngụy trang trên xe xanh tươi, sạch sẽ như vừa được rửa nước. Máy bay trực thăng Mỹ thỏa sức quần đảo trên khúc đường Trường Sơn có đường ống dẫn dầu đi qua; biệt kích Sài Gòn nhung nhúc và ngang nhiên nổ súng, đấu võ cùng chiến sĩ giao liên. Chiến sĩ Điện Biên gọt tóc trắng mai kiểu hiện đại, đầu đội mũ chào mào của anh Vệ quốc đoàn giai đoạn kháng chiến 1946 - 1947. Kỹ xảo làm được khá hiệu quả cảnh bom rơi, đạn nổ, sao những khẩu pháo khiêng trên vai anh bộ đội lại nhẹ hều, tựa như làm bằng một khúc tre sơn phết nhựa đường? Những ví dụ như vậy rất nhiều, rất nhiều… Chuyện nhỏ, chắp nhặt quá ư?
Điện ảnh, hơn mọi ngành nghệ thuật khác là những sự giả, sự quấy quá, tạm bợ không thể lọt qua con mắt hết sức tinh tường của ống kính máy quay. Mà một sự bất tín vạn sự bất tin. Khi người xem ngồi trước màn hình mà chê bai, bình phẩm, cất tiếng cười giễu cợt thì hiệu quả những gì màn ảnh muốn chuyển tải sẽ phai lợt rất nhiều.
Chưa có “những hạt sạn lớn” của những sai phạm về quan điểm, về cách nhìn nhận, đánh giá những sự kiện đã thuộc về quá khứ. Nhưng nếu theo thời gian “những hạt sạn nhỏ” kia cứ tích tụ dần, liệu đến một ngày nào đó ngay cả những nhân chứng còn sống của giai đoạn lịch sử này, giai đoạn lịch sử kia cũng ngơ ngác với những gì mình đã sống đang diễn ra trên màn ảnh thì sao?
Chưa nói đến cái quan niệm “tôi phản ánh quá khứ theo cách cảm, cách nghĩ của riêng tôi” - nếu cái “tôi” kia lười lĩnh, qua quýt, chỉ chạy theo đồng tiền thù lao hoặc “cái tôi” ấy với phông nền văn hóa tầm tầm, đứa con mang tên tác phẩm ra đời sẽ sao đây? Đã có chuyện ai đó nôm na hóa “Truyện Kiều” của thi hào Nguyễn Du. Đã có chuyện một nhà biên kịch nào đó chào hàng một kịch bản chuyển thể “Truyện Kiều” với lời hứa hẹn nàng Kiều của anh ta sẽ như nàng Scarlet trong “Cuốn theo chiều gió”(!?).
Thành thử, nói tới phim truyện về đề tài lịch sử, yêu cầu hàng đầu vẫn là tính chân thật. Chúng ta tin rằng, khán giả - ngay cả lớp người trẻ cũng sẽ biết bồi hồi, rung động, trước hết phải bắt đầu từ cái đúng, độ chính xác, cái thật, tức là những gì tạo nên diện mạo tinh thần của thời đại, của con người và sự kiện mà cha ông họ đã trải qua.
TÔ HOÀNG