Phim tiền tỷ, đâu là thước đo?

57 tỷ đồng đầu tư và 3 năm chờ đợi, tháng 10 tới phim Thái sư Trần Thủ Độ, phim được gắn mác kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sau khi được UBND TP Hà Nội tuyên bố “biếu không” các đài truyền hình mới có lịch lên sóng VTV. Điều này khiến dư luận không khỏi giật mình bởi đâu là thước đo giá trị của những bộ phim tiền tỷ này khi mà sản phẩm không thể tự tìm đường đến với công chúng hoặc bị công chúng thờ ơ?
Phim tiền tỷ, đâu là thước đo?

57 tỷ đồng đầu tư và 3 năm chờ đợi, tháng 10 tới phim Thái sư Trần Thủ Độ, phim được gắn mác kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sau khi được UBND TP Hà Nội tuyên bố “biếu không” các đài truyền hình mới có lịch lên sóng VTV. Điều này khiến dư luận không khỏi giật mình bởi đâu là thước đo giá trị của những bộ phim tiền tỷ này khi mà sản phẩm không thể tự tìm đường đến với công chúng hoặc bị công chúng thờ ơ?

Cảnh trong phim Những người viết huyền thoại.
Cảnh trong phim Những người viết huyền thoại.

        Tiền tỷ nằm kho

Với kinh phí đầu tư lên tới 57 tỷ đồng cho 30 tập, phim Thái sư Trần Thủ Độ, dự án UBND TP Hà Nội đặt Hãng phim Truyện I làm nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, được coi là một trong những phim có kinh phí “khủng” không chỉ ở thời điểm cách đây 3 năm và ngay tại thời điểm này đó cũng là ước mơ của người làm điện ảnh. Những tưởng dành được sự quan tâm lớn cả về sức người, sức của như vậy phim Thái sư Trần Thủ Độ sẽ ngay lập tức ra mắt khán giả trong những ngày cả nước rộn ràng kỷ niệm thủ đô Hà Nội 1.000 năm tuổi, song phim không thể ra rạp. Cùng chung số phận không thể lên sóng đúng thời điểm này là phim 100 tỷ đồng Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long.

Diễn viên Lã Thanh Huyền trong phim Thái sư Trần Thủ Độ.
Diễn viên Lã Thanh Huyền trong phim Thái sư Trần Thủ Độ.

Tính đến thời điểm này, những bộ phim lịch sử thành công đếm không đủ trên một bàn tay, vì vậy việc đổ tiền vào phim lịch sử tựa như đánh một canh bạc lớn. Tuy nhiên, phim Thái sư Trần Thủ Độ, Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long không phải là ví dụ hiếm hoi cho việc lãng phí. Rất nhiều bộ phim do nhà nước bỏ tiền đầu tư, từ vài tỷ đến cả chục tỷ đồng, bị lãng phí theo nhiều cách khác nhau. Lạc lối của đạo diễn Nhuệ Giang, cùng thuộc hàng những tác phẩm điện ảnh được đầu tư kinh phí khủng và khán giả cũng mới chỉ nghe tên mà chưa thấy mặt dù rằng tác phẩm đã ngay lập tức giành giải Cánh diều bạc của Hội Điện ảnh khi vừa mới hoàn thành. Tâm sự về việc đứa con tinh thần chưa kịp ra mắt đã bị cất kho, đạo diễn Nhuệ Giang cho biết phim không thuộc dòng giải trí, không có ngôi sao nên dù có giải thưởng nhưng cũng khó đơn vị phát hành tư nhân nào chịu liều. Thêm nữa, Lạc lối lại là dự án phim độc lập nên phim cũng không có may mắn được công chiếu tại các rạp phim của nhà nước. Vì thế, phim dù được làm kỹ, đầu tư tiền tỷ vẫn không tìm được đầu ra.

Cảnh trong phim Cát nóng.
Cảnh trong phim Cát nóng.

Cùng số phận bị quên lãng này, nhiều phim được nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất đã âm thầm ra rạp rồi nhanh chóng bị các chủ rạp đẩy khỏi lịch chiếu vì không có khán giả, điển hình là Cát nóng (đạo diễn: Lê Hoàng). Tâm hồn mẹ của đạo diễn Nhuệ Giang, phim Đam mê (đạo diễn Phi Tiến Sơn) do nhà nước đặt hàng cũng chỉ xuất hiện trong phạm vi hẹp của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội hay Giải Cánh diều 2012 mà chưa có bất cứ thông tin phát hành thương mại nào ngoài rạp.

Trong tuần qua, bộ phim chiến tranh Những người viết huyền thoại của êkíp “bộ ba Dũng” - biên kịch Nguyễn Anh Dũng, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, quay phim Lý Thái Dũng từ Hãng phim truyện VN - đã ra mắt khán giả, mở đầu tuần phim chào mừng Liên hoan phim VN 18. Rất nhiều lời khen ngợi dành cho bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng này bởi tính chân thật trong câu chuyện, sự đầu tư kỹ lưỡng về mặt âm thanh, hình ảnh… Song bộ phim vẫn không thoát khỏi lo ngại rằng liệu có phát hành được không hay cũng vẫn rơi vào lối mòn, những giải thưởng bị ”đắp chiếu”, có phải các liên hoan phim trong nước chưa đủ tạo nên thương hiệu để quảng bá cho bộ phim, hay đây là cách làm phim lãng phí theo công thức: đầu tư sản xuất phim đi thi để có giải rồi... lưu kho?

        “Đấu thầu” - phương án cứu cánh của điện ảnh?

Nhiều người cho rằng những bộ phim tiền tỷ “đắp chiếu” chính là sản phẩm của cơ chế cấp tiền làm phim cho các hãng như đã xảy ra từ nhiều năm gần đây vì thế khi phương thức đấu thầu phim có sử dụng ngân sách nhà nước được đưa ra đã ngay lập tức xem như một hướng đi mới cho nền điện ảnh Việt Nam không còn tồn tại khái niệm bao cấp. Việc đấu thầu có sự tham gia của các thành phần làm phim khác nhau, trong đó có hãng phim tư nhân sẽ giúp xóa bỏ cách thức làm ăn xưa cũ đó.

Cảnh trong phim Đam mê.
Cảnh trong phim Đam mê.

Lúc ấy, các nhà quản lý kỳ vọng sẽ quản lý hiệu quả nguồn tiền của mình còn phía các nhà làm phim sẽ phải tăng cường trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình. Mặc dù đối tượng đấu thầu trong điện ảnh hướng đến các bộ phim do Nhà nước chỉ đạo, đầu tư sản xuất tập trung vào các mảng đề tài giàu tính nhân văn, phim phục vụ chính trị, phim về đề tài thiếu nhi, truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số, phim có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao... Song chắc chắn họ sẽ phải làm tốt và thậm chí tốt hơn những người khác nếu trong tương lai còn muốn tiếp tục sống được bằng nghề. Và như vậy thì mới có thể chắc rằng các tác phẩm điện ảnh ra đời do đấu thầu (tạm gọi là phim đấu thầu), sẽ không còn làm xong chiếu một lần dự thi rồi đem cất vào kho. Cuối cùng, khán giả không còn phải cám cảnh trước chất lượng của khá nhiều tác phẩm, vốn lâu nay hay được xếp vào dòng phim nghệ thuật của các đơn vị quốc doanh, vốn dĩ rất tẻ nhạt, cứng nhắc chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ là có nội dung đề tài phục vụ chính trị mà không cần phải thu hồi vốn và kiếm được lợi nhuận ngoài phòng vé.

Tuy nhiên, để chính sách này được ban hành một cách hợp lý, khoa học và hiệu quả, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và đương nhiên sẽ vấp phải không ít trở ngại mà trước hết nằm chính ở đối tượng được đem ra đấu thầu - bộ phim. Bởi lẽ điện ảnh là một ngành nghề đặc biệt, là nghệ thuật, là sự sáng tạo của cảm xúc đương nhiên không thể coi nó giống như một công trình xây dựng cứng nhắc nên không có barem chuẩn để chiếu theo. Thêm nữa, việc đấu thầu cũng đòi hỏi người quyết định phải có năng lực, chuyên môn, quyết đoán thì họ mới tìm được đúng nhà thầu có năng lực, có kiến thức, nói cách khác là tìm đúng người để giao phim. Nếu không giải quyết được những vấn đề này thì quá trình đấu thầu, xét cho cùng cũng chỉ mang tính hình thức và sẽ lại là câu chuyện chia phần nội bộ giữa các hãng phim Nhà nước với những phim vô thưởng, vô phạt mà thôi.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục