Năm nay, số lượng phim truyền hình sản xuất để phát sóng trong những ngày Tết Nguyên đán không được rôm rả như các năm trước. Dù ít, nhưng các phim này đã thật sự mang không khí xuân đến từng gia đình, với những câu chuyện gần gũi và những tình huống hài nhẹ nhàng.
Cảnh trong phim Tết Tết Tết
Đề cao giá trị truyền thống
Hai bộ phim được phát sóng đúng những ngày tết, nghe cái tên đã thấy mùa xuân và không khí tết rồi: Cánh gió ngày xuân (4 tập, biên kịch: Chu Thị Hồng Vân, đạo diễn: Vũ Hồng Sơn, VFC sản xuất, phát sóng lúc 20 giờ trên VTV1 từ ngày 16-2); Tết Tết Tết (20 tập, biên kịch: Thạch Tuyền, đạo diễn: Lê Lộc, M&T Pictures sản xuất, phát sóng lúc 20 giờ 45 trên kênh SCTV14 từ thứ hai đến chủ nhật hàng tuần từ ngày 15-2). Cả hai bộ phim này đều tập trung phản ánh những nghi lễ, tập tục ngày tết của cha ông ta từ bao đời nay, cùng những mối quan hệ trong gia đình trước sự khác biệt về suy nghĩ, ý thức của người trẻ trong việc giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa đặc trưng vùng miền.
Cánh gió ngày xuân là câu chuyện về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong việc nên đón tết cổ truyền như thế nào và ở đâu?! Ngọc (Diệp Anh đóng) là một phụ nữ trẻ đã có gia đình và một con gái. Cô bất ngờ trúng thưởng vé máy bay đi Thái Lan. Ước mơ đi du lịch trong dịp tết bùng lên trong Ngọc với ý nghĩ thoát khỏi sự vất vả của cái tết suốt ngày nấu nướng, cúng lễ, thăm hỏi họ hàng... đầy mệt mỏi. Nhưng khi đề đạt ý định này, bà Nga (Huyền Thanh) - mẹ chồng Ngọc đã phản đối. Bố ruột cô cũng không đồng ý. Bà Nga đã nghĩ đủ cách để khiến Ngọc đổi ý định, vợ chồng Ngọc cũng căng thẳng với nhau. Việc này càng khiến Ngọc nung nấu ý định phải đi du lịch bằng được, kể cả việc đi du lịch chỉ có hai mẹ con cô.
Ngày 30 tết, khi Ngọc mang thuốc cho mẹ chồng Trang - bạn Ngọc, chứng kiến cảnh cô đơn của người mẹ già, Ngọc chợt hiểu lâu nay cô chỉ nghĩ đến cảm xúc, mong muốn của mình nhưng chưa thực sự hiểu suy nghĩ, mong muốn của mẹ chồng, của bố mẹ đẻ, những người có chung nỗi niềm như mẹ của Trang... Ngọc quyết định không đi du lịch nữa. Sau những nỗ lực để thoát khỏi cái tết truyền thống, cuối cùng Ngọc đã vui vẻ ở lại và tuy vẫn là những gì truyền thống, xưa cũ, nhưng cô thấm thía hơn giá trị mà cô và gia đình đang có.
Chuyện phim trong bộ phim Tết Tết Tết là chuỗi không khí sinh hoạt của một xóm vùng nông thôn đón tết với trung tâm là gia đình ông Tư Hiền (NSƯT Việt Anh), bên cạnh đôi bạn tri kỷ là ông Sáu Khỏe (Bảo Khương) và ông Mười Hai (Bảo Trí) - những gia đình thuần nông và luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Phim đưa người xem đến với vùng sông nước miền Tây Nam bộ với nhiều nghi lễ ngày Tết cổ truyền và một không khí xuân tưng bừng; đồng thời cũng phê phán một số thói hư, tật xấu thường xuất hiện trong mấy ngày xuân. Tất cả những chi tiết này tạo được thú vị và nhiều tiếng cười cho người xem, khi được đan cài tình huống hài.
Câu chuyện được dẫn dắt từ ngày 23 tháng Chạp đến ngày mùng 8 Tết với các câu chuyện hài như: đưa ông Táo về trời; quét dọn, sửa sang nhà cửa; cúng đưa rước ông bà;tảo mộ; nấu bánh tét; đón giao thừa; các gia đình có con em đi làm ăn xa, nay trở về sum họp... Bức tranh toàn cảnh ấy làm nổi bật tình cảm tương trợ giúp đỡ nhau rất đáng quý, giữa bà con trong thôn xóm. Bộ phim còn đưa vào một số tập tục trong tết truyền thống như: xông đất đầu năm, lì xì, lễ Tịch điền và phê phán nhiều thói hư, tật xấu nảy sinh trong những ngày đầu năm mới, như: bói toán mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn nhậu và những văn hóa ứng xử trong gia đình...
Hình ảnh sông nước với những chiếc ghe chở hoa xuôi ngược, đem lại cho người xem sự thư thái, thanh bình và cảm nhận hạnh phúc về một mùa xuân rực rỡ tươi vui.
Dàn diễn viên hài tham gia phim Tết Tết Tết
Chỉ sợ “hết vốn”!
Phim phát sóng dịp tết thường ít tập vì không thể kéo dài vài chục tập như những phim phát trong năm. Câu chuyện chủ yếu tập trung vào các mối quan hệ gia đình, tình yêu đôi lứa và phản ánh một số tập tục ngày Tết cổ truyền. Chính vì thời lượng và đề tài “bó hẹp”, nên tâm lý, cảm xúc của người sáng tác cũng vơi dần theo năm tháng. Vì thế có thể thấy, số lượng phim truyền hình sản xuất dành riêng cho dịp tết mỗi năm lại giảm đi.
“Làm riết rồi không biết sẽ phải làm nội dung gì. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ khai thác từng ấy vấn đề, phim chỉ phát giỏi lắm trong vòng 10 ngày thôi, ra tết mà phim còn chiếu là thấy “lạc nhịp”. Vì vậy những năm sau, khi nào có đề tài hay, độc đáo chúng tôi mới làm phim” - một nhà sản xuất cho biết.
Trong buổi chiếu ra mắt bộ phim Tết Tết Tết, bà Nguyễn Thị Trúc Mai - Giám đốc sản xuất của M&T Pictures đã chia sẻ: “Rất lâu rồi chúng tôi mới quay lại sản xuất một bộ phim phát sóng dịp tết. Hiện nay, để tìm được một kịch bản phù hợp cho một bộ phim chiếu tết rất khó. Kịch bản Tết Tết Tết được tác giả Thạch Tuyền ấp ủ cũng rất lâu, nay mới có thể hoàn chỉnh để làm phim. Chúng tôi chọn thể hiện một cái tết cổ truyền tại vùng sông nước miền Tây Nam bộ là muốn đem lại cho người xem hiểu rõ hơn về tết miền quê khác gì với tết nơi thành thị”. Tác giả Thạch Tuyền cho biết, ông đã đưa hầu hết các phong tục, tập quán ngày tết cổ truyền vào phim, nhằm cho người xem hình dung đầy đủ: “Người có tuổi nhớ về những tập tục này với những ký ức vui - buồn của cuộc đời; còn người trẻ hiểu và thêm yêu quý, trân trọng những giá trị truyền thống văn hóa đẹp đẽ của cha ông”.
Hiện nay, đề tài cho phim tết trên truyền hình không nhiều, nên cũng không có nhiều đơn vị sản xuất phim cho riêng mùa tết. Cái khó nhất vẫn là sợ trùng lặp ý tưởng và nếu muốn hay, muốn phim mới lạ, phải chịu khó đi quay xa, quay dài ngày - một vấn đề rất nan giải với nhà sản xuất vì diễn viên hiện nay đa số đều bận chạy show. Đạo diễn Lê Lộc cho biết, do ông có mối quan hệ khá thân thiết với các diễn viên, nên hầu hết các diễn viên chính trong phim Tết Tết Tết đã “nể tình” chấp nhận cùng đoàn phim rong ruổi hơn 2 tháng quay hình tại các tỉnh miền Tây.
Xem ra, làm phim phát sóng tết ngày một khó hơn. Chỉ sợ đến một lúc nào đó, người sáng tác, đơn vị sản xuất “cạn vốn” vì không biết khai thác câu chuyện ngày xuân thế nào ngoài việc đóng khung hoa đào, hoa mai, bánh trưng, bánh tét...!
Như Hoa