Lần đầu của các đạo diễn
Không hẹn mà gặp, trong số 6 bộ phim đã chính thức công bố lịch phát hành trong tháng 11 có đến 4 tác phẩm “đầu tay”. Nếu Huỳnh Lập, Lương Mạnh Hải và Lê Nhã Huy lần đầu tiên thử sức ở vai trò đạo diễn thì với Vũ Ngọc Phượng, đây là lần đầu tiên anh thực hiện một bộ phim remake (làm lại).
Không xa lạ với khán giả qua loạt web drama thu hút hàng chục triệu lượt xem trên YouTube, nhưng lần này Huỳnh Lập quyết định thử sức trong vai trò đồng đạo diễn (cùng Lý Minh Thắng) cho bộ phim Pháp sư mù. Phim được quảng bá là “mang thế giới tâm linh kỳ ảo chưa từng có ở điện ảnh Việt” chọn thể loại rất lạ: phim linh dị (tâm lý và kỳ dị). “Huỳnh Lập muốn xây dựng một thế giới riêng biệt với những nguyên tắc và con người khác biệt, dù siêu thực nhưng lại rất gần gũi. Tôi đã xem rất nhiều phim ma quỷ, tâm linh chỉ để xây dựng một bộ phim không trùng lặp với những tác phẩm trước đó. Ở đó, những góc nhìn hoàn toàn mới sẽ được hé lộ, thậm chí có cả những góc khuất tăm tối thực tế hơn mà không cần hù dọa khán giả”, anh tiết lộ.
Trong khi đó, đã thành công ở vai trò diễn viên và sau này là nhà sản xuất của một số dự án điện ảnh, Lương Mạnh Hải quyết định thử sức mình ở 3 vai trò khác nhau trong dự án Hoa hậu giang hồ, đó là biên kịch, nhà sản xuất kiêm đạo diễn. Riêng với Vũ Ngọc Phượng, sau 2 dự án đầu tay, việc làm phim remake cũng khiến anh có chút lo ngại. Tuy nhiên, anh thừa nhận, sau khi làm phim xong anh lại thích được mọi người so sánh nhiều hơn bởi đây sẽ là 2 dạng phim khác nhau. “Tôi nghĩ đây là bộ phim chuyển thể chứ không hẳn là làm lại”, anh nhấn mạnh. Còn dự án Thiên sứ không phép màu là sự đánh dấu màn chào sân trong vai trò đạo diễn của biên kịch Lê Nhã Huy.
Tháng 11 này còn 2 bộ phim đã lên lịch công chiếu: Ngốc ơi tuổi 17 (đạo diễn Chu Thiện - Đinh Tuấn Vũ) chuyển thể từ tiểu thuyết Mang thai tuổi 17 của tác giả trẻ Võ Anh Thơ, đề cập đến vấn đề mang thai tuổi vị thành niên; Hợp đồng bán mình (đạo diễn Trần Ngọc Phong) đánh dấu sự trở lại của dòng phim nhà nước sau thời gian dài vắng bóng, do Công ty CP Phim Giải Phóng (tiền thân là Hãng phim Giải Phóng) sản xuất.
Có gì để chờ đợi?
Thực tế, trong số 6 phim Việt đã lên lịch phát hành có 3 đại diện được chú ý hơn, đó là Hoa hậu giang hồ, Anh trai yêu quái và Pháp sư mù.
Là bộ phim đầu tiên xoay quanh hậu trường cuộc thi nhan sắc, theo Lương Mạnh Hải, anh dựa trên những chất liệu, những câu chuyện góp nhặt được về các cuộc thi hoa hậu trong suốt hơn 10 năm làm báo. Anh tự tin sẽ mang đến sự chân thật cho bộ phim. Diễn viên Minh Tú, người đảm nhận vai kép trong dự án này, cũng chia sẻ: “Không dám chắc mọi chi tiết trong phim có đúng hết không, nhưng những chuyện đấu đá, chơi xấu nhau không chỉ có ở Việt Nam mà cả ở các cuộc thi tầm quốc tế”.
Với Pháp sư mù, điều khiến ê kíp tự tin nhất là thông điệp phim muốn truyền tải. Đạo diễn Lý Minh Thắng khẳng định: “Pháp sư mù chia sẻ những lan tỏa tốt đẹp về lòng tin vào những điều thiện, lên án những việc làm mê tín. Cá nhân tôi cũng tin (và rút kinh nghiệm từ các phim trước đã từng phổ biến) phim sẽ nhận được sự đồng cảm về những giá trị tích cực. Và nếu như con người có thể nhìn thấy được những điều thuộc về thế giới tâm linh, tôi mong là thế giới đó cũng sẽ mang màu sắc vui vẻ tích cực như phim Pháp sư mù”. Riêng với Anh trai yêu quái, dù là tác phẩm chuyển thể nhưng đạo diễn Vũ Ngọc Phượng tự tin nó sẽ gần gũi với văn hóa Việt, đặc biệt là câu chuyện gia đình cảm động về tình anh em. Sau các buổi công chiếu trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Busan đầu tháng 10 vừa qua, sự đón nhận của khán giả Hàn Quốc với những bình luận tích cực khiến ê kíp vững tâm hơn.
Những sự tự tin nói trên không hẳn không có căn cứ, bởi các ê kíp đã cho thấy sự cầu toàn, chỉn chu. Bản thảo đầu tiên của Hoa hậu giang hồ được Lương Mạnh Hải hoàn thành trong 6 tháng và mất thêm 7 tháng với 25 lần chỉnh sửa để có được kịch bản ưng ý nhất. Anh khẳng định mỗi ngày quay là một câu chuyện, một trải nghiệm khác nhau. Ê kíp Pháp sư mù tự tin đây là bộ phim có nhiều kỹ xảo nhất màn ảnh rộng Việt, với tổng cộng 800 cảnh khác nhau, hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả “bộ phim kỳ ảo nhưng sống động, nhiều màu sắc và hấp dẫn nhất, khiến ai cũng thỏa mãn”. Với Anh trai yêu quái, nỗ lực tập judo đến bầm giập của Isaac, những phân cảnh khóc nguyên một đêm đến mức kiệt sức của Kiều Minh Tuấn, hay ngâm mình trong nước biển cả ngày chỉ để có vài giây ngắn ngủi trên màn ảnh rộng, đã chứng minh cho sự tâm huyết và hy sinh của ê kíp.
Ngoài 3 dự án nói trên, các bộ phim còn lại vẫn là dấu hỏi về chất lượng như trường hợp của Ngốc ơi tuổi 17, Hợp đồng bán mình hay sự nuối tiếc cho Thiên sứ không phép màu, dù có câu chuyện, có chất liệu nhưng đáng tiếc là sự non tay của ê kíp và dàn diễn viên đã không thể truyền tải hết thông điệp. Trước mắt, sự sôi động trở lại trên đường đua phim Việt đã là tín hiệu đáng mừng.