Trước khi ra mắt khán giả trong nước từ ngày 17-5, bộ phim đã tham gia hàng chục liên hoan phim (LHP), giải thưởng điện ảnh quốc tế lớn nhỏ, trong đó phải kể đến: Giải thưởng dành cho Phim châu Á xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Toronto (Canada, 2018); Giải Phim truyện xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Kolkata (Ấn Độ, 2018)… Sự công nhận ấy là một bằng chứng thuyết phục về chất lượng tác phẩm.
Phim lấy bối cảnh vùng thôn quê Việt Nam cuối thế kỷ 19 xoay quanh câu chuyện về cô gái tên Mây (Nguyễn Phương Trà My thủ vai) được gả làm vợ ba cho một gia đình giàu có. Tưởng như bắt đầu một cuộc sống sung túc, không ngờ cô gái trẻ bị lôi vào một cuộc chiến ngầm với những bước ngoặt không ngờ.
Sau buổi công chiếu đầu tiên, nhiều ý kiến cho rằng Vợ ba dễ khiến người ta nhớ đến những: Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng… của đạo diễn Trần Anh Hùng - người đảm nhận vai trò cố vấn nghệ thuật cho phim này. Sự so sánh ấy không phải không có căn cứ: không khí phim cũng chầm chậm, màu sắc trầm buồn, mờ ảo và đặc biệt là những cảnh đặc tả sắc nét, đầy tính ẩn dụ như hình ảnh con tằm cựa quậy trong chiếc kén chật chội, đóa hoa lá ngón vàng mong manh… không chỉ đẹp mà còn đầy ám ảnh.
Từng khung hình trong phim được trau chuốt tỉ mỉ để đạt đến sự duy mỹ, khiến tác phẩm trở nên khác biệt so với các phim của điện ảnh Việt thời gian gần đây. Nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh thực sự mang đến cho khán giả một bữa tiệc thị giác. Khi hình ảnh đã hoàn thành sứ mệnh kể chuyện, phần âm nhạc chắt lọc, thì lời thoại phim khá kiệm cũng là điều dễ hiểu. Phần hình ảnh đã dẫn dụ khán giả vào một câu chuyện tưởng chừng êm đềm nhưng thực tế như lớp sóng ngầm chực bùng nổ.
Theo nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, thông điệp bộ phim không chỉ là sự khắc họa về thân phận của những phụ nữ trong xã hội xưa, mà còn bị ảnh hưởng nặng tư tưởng: đa thê, trọng nam khinh nữ... Ở đó, ngay cả những người đàn ông càng cố thoát lại càng lún sâu hơn vào sự quẩn quanh, bế tắc bởi những lề thói xã hội - nhân vật con trai của mợ cả là điển hình. Mây - từ một cô bé non nớt như giọt sương trên lá, có chút e dè, sợ hãi ngày theo chiếc thuyền đám cưới về nhà chồng, đã nhanh chóng bị trói buộc, thích nghi với bổn phận một người vợ.
Điểm thú vị ở chỗ, phim không khai thác những đấu đá, tranh sủng giữa các bà vợ mà thể hiện những toan tính, đấu tranh nội tại trong mỗi nhân vật, đặc biệt là Mây, khiến cô dần rơi vào vực thẳm bế tắc. Hai nút thắt từ giữa đến cuối phim tạo không ít bất ngờ cho khán giả. Nỗi ám ảnh tưởng chừng mơ hồ, man mác nhưng đau đáu. Chỉn chu và kỹ lưỡng, nhưng tác phẩm độc lập đầu tay của đạo diễn Nguyễn Phương Anh vẫn chưa hoàn hảo. Bộ phim để lửng kết thúc về số phận của mẹ con Mây cũng như danh tính người cha thật sự của bé Bồ Câu (con gái thứ ba của mợ hai Xuân)… Bộ phim phần nào đánh đố khán giả và sẽ khó tiếp cận số đông. Bên cạnh đó, phim cũng tạo nên những ý kiến trái chiều về các phân cảnh nóng. Đặc biệt, thời điểm quay phim, nữ diễn viên chính Trà My chỉ mới 13 tuổi. Dù các phân cảnh nóng trong phim không mang tính chất dung tục nhưng việc một diễn viên tuổi teen đảm nhận vai diễn kiểu này khó tránh khỏi phán xét từ dư luận.
Phim được thực hiện với kinh phí 28 tỷ đồng, phần lớn dành cho phục trang, thiết kế bối cảnh (Ninh Bình, Cao Bằng) và đạo cụ. Thêm vào đó, giai đoạn tiền kỳ cho phim cũng tốn gần 2 năm. Nhân vật trong phim chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, ê kíp sản xuất phim chủ yếu là nữ nên số ngày quay cũng dài hơn bình thường để đảm bảo sức khỏe cho cả đoàn phim. Đặc biệt, để giúp diễn viên chuẩn bị tâm lý, lịch quay cũng được xếp theo tiến trình kịch bản, thay vì theo bối cảnh như những phim khác.
Ngoài phát hành tại Việt Nam, phim đã bán bản quyền chiếu ở: Tây Ban Nha, lãnh thổ Đài Loan, Mexico, Hồng Công, Anh, Ireland, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nhật, Australia, New Zealand, Singapore, các quốc gia nói tiếng Ả Rập. |