Trong dòng chảy thông tin sôi sục tuần qua có rất nhiều thông tin nóng liên quan đến môi trường, từ sự cố trực tiếp (như vỡ đập bùn đỏ của doanh nghiệp khai thác titan ở Bình Thuận, hàng loạt doanh nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường ở Bà Rịa - Vũng Tàu), cho đến các động thái quan trọng có liên quan (như Formosa, sau nghi vấn xả thải gây ô nhiễm biển, dẫn đến cá chết hàng loạt, vừa tuyên bố hoãn vô thời hạn ngày khởi động các lò số 1 thuộc khu liên hợp gang thép nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh - vốn được dự kiến là ngày 25-6)...
Hồ chứa nước của 14 doanh nghiệp chế biến hải sản ở xã Tân Hải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển thành màu tím
Rà soát lại “đầu nguồn” - khung khổ pháp lý về bảo vệ môi trường, các chuyên gia nhìn nhận, khi kinh tế - xã hội càng phát triển, các quy chuẩn về môi trường càng cần chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn để hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường nói chung và sức khỏe của con người nói riêng. Quan điểm này cần được thể hiện nhất quán trong mọi trường hợp, tránh trường hợp chỗ lỏng, chỗ chặt. Theo các chuyên gia trực tiếp thanh tra vụ việc Formosa, trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của doanh nghiệp này, tiêu chuẩn sinh - hóa của nước thải sau khi qua trạm xử lý ngặt nghèo hơn nhiều so với giấy phép xả nước thải (phải đáp ứng tới 32 thông số so với 12 thông số của giấy phép xả thải, trong đó có nhiều thông số nghiêm ngặt hơn).
Để phòng ngừa tái diễn sự cố, ngoài việc nhà nước đầu tư trạm quan trắc và tự động lấy mẫu nước thải của toàn khu như đang làm, các chuyên gia khuyến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh quy chuẩn về môi trường (trong trường hợp này là QCVN 52:2013/BTNMT) theo hướng chặt chẽ hơn, có lưu ý đến thải lượng theo hướng thải lượng càng lớn thì hàm lượng chất cho phép trong nước thải càng phải nhỏ. Đồng thời, cần thực hiện giám sát tự động chất lượng nước thải đầu ra của trạm xử lý sinh hóa trước khi xả vào trạm xử lý nước thải công nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả khi các trạm quan trắc tự động đảm bảo chất lượng thì việc thu thập, xử lý thông tin, ra quyết định... - những việc mà không một máy móc nào có thể làm thay con người - vẫn là những khâu không thể lơ là. Cho đến trước khi xảy ra hiện tượng cá chết, các thông số quan trắc chỉ được báo cáo 6 tháng một lần. Trước thời điểm xảy ra sự cố, một số dây chuyền của khu liên hợp đã hoạt động, nhiều hạng mục dây chuyền đang trong giai đoạn thử nghiệm, song thông tin về hoạt động xả thải trong thời gian này gần như không có.
Thực tế trên cho thấy, chiếc “phin lọc” môi trường cần phải “tinh” hơn nữa mới có thể đảm bảo phát triển bền vững đúng như đường hướng phát triển đã được Đảng và Nhà nước ta chỉ rõ.
ANH THƯ