Phổ cập và nâng cao

Nói về chức năng, nhiệm vụ của văn nghệ và văn nghệ sĩ, chúng ta thường nhắc nhau về lời dạy của Bác Hồ: “Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Nhưng để văn nghệ đảm đương nổi trọng trách nặng nề, cao cả ấy, anh em văn nghệ sĩ xứng đáng với vị trí vinh quang ấy, Bác Hồ cũng nêu ra cho văn nghệ và văn nghệ sĩ nhiều mục tiêu cụ thể cần vươn tới. Một trong những mục tiêu ấy là văn nghệ cần giải quyết một cách hữu cơ, hiệu quả mối quan hệ giữa hai yêu cầu phổ cập và nâng cao.

Bác Hồ luôn luôn đặt yêu cầu cho văn nghệ và văn nghệ sĩ phải nâng cao sự hiểu biết các quy luật của việc phản ánh nghệ thuật, trình độ tay nghề của bản thân; nâng cao trình độ thưởng thức và cảm thụ nghệ thuật cho quảng đại quần chúng nhân dân. Chỉ có bằng con đường kết bện hai yêu cầu ấy mới xây dựng được một nền văn nghệ tiên tiến, hiện đại, trên cơ sở làm chủ tài sản văn minh văn hóa của nhân loại.

Ngày hôm nay, khi những quy luật của nền kinh tế thị trường chi phối gay gắt đời sống văn hóa nghệ thuật, hai yêu cầu phổ cập, nâng cao và mối quan hệ giữa chúng hình như bị xem nhẹ. Nhiều người tri hô lên rằng, một vở kịch, một bộ phim mới nếu không thu hút được đông đảo người xem tới rạp; một cuốn tiểu thuyết mới nếu không được nhiều người đọc - sản phẩm văn nghệ ấy coi như không có công năng xã hội. Quan niệm này có mặt đúng không thể phủ nhận; lại cũng có mặt gợi lên niềm hoài nghi, liệu đấy có phải thước đo của yêu cầu phổ cập không? Bởi ai cũng rõ, số người đọc người xem đông đảo kể trên phải là tầng lớp dư dả đồng tiền.

Trong cơ chế thị trường, hoạt động văn hóa văn nghệ vón cục ở các đô thị lớn, còn bà con miền núi, vùng sâu vùng xa dường như ngày càng bị các hoạt động ca nhạc, sân khấu, điện ảnh… bỏ đói. Phim truyện truyền hình Việt Nam ngập các kênh, các sóng, là khả năng duy nhất chuyển tải được tới những xóm làng xa xôi; nhưng vì để thu hút được nhiều quảng cáo, chuyện phim lại có khi hoàn toàn xa lạ với vui buồn hàng ngày, có thật của bà con nông dân. Nói tới yêu cầu nâng cao càng buồn hơn.

Nhiều người am tường cho hay, nhạc não tình, nhạc trẻ còn ủy mị, dễ dãi và lai căng hơn nhiều dòng nhạc sến ở các đô thị miền Nam trước kia. Vũ balê, nhạc giao hưởng ít tìm ra công chúng. Những “đại gia” nếu có móc túi bỏ tiền ra kinh doanh văn hóa, thường họ chỉ đầu tư cho những trò diễn nào thu được tiền lời nhanh chóng, gọn gàng nhất; hầu như ít thấy ai bỏ vốn đầu tư các trường đào tạo tài năng sân khấu, điện ảnh hoặc tài trợ học bổng cho các sinh viên theo học nghệ thuật ở nước ngoài...

Có hai điều rất đáng rung chuông S.O.S về sự “ tụt hạng” trong đời sống văn hóa văn nghệ hiện tại, xét dưới góc độ của mối quan hệ giữa hai yêu cầu phổ cập và nâng cao.

Lớp trẻ hôm nay là tương lai của đất nước, là chủ nhân thực sự và là người sáng tạo ra những tài sản văn hóa tinh thần ngày mai. Nhưng liệu có đáng quan ngại không khi khá đông đảo bạn trẻ đang bộc lộ rõ niềm say mê với thứ văn hóa “fast food”, ngày càng ngại ngần với văn hóa đọc, với cả những biểu hiện văn nghệ dân tộc lẫn văn nghệ hàn lâm.

Về phương diện hướng dẫn dư luận cũng đang có những điều đáng suy nghĩ. Hình như nhiều cây bút phê bình, nhiều người đã ít có lòng dũng cảm và bản lĩnh riêng, sự định giá riêng, không còn dám nêu rõ chính kiến khen chê của mình trước cái hay, cái dở của một vở diễn, một bộ phim mới; thậm chí lấy đồng doanh thu cao làm thước đo thay cho những giá trị nhân văn thẩm mỹ đích thực của tác phẩm...

Mối quan hệ hữu cơ giữa hai yêu cầu phổ cập và nâng cao vẫn là vấn đề nóng hổi, thiết thực và hữu ích cho đến tận hôm nay!  

T. HOÀNG

Tin cùng chuyên mục