Phó Chủ tịch VASEP: Đầu tư công nghệ để nông thủy sản Việt vươn ra thế giới

Dự kiến năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp Việt Nam đạt khoảng 31 tỷ USD, trong đó, thủy sản đóng góp gần 1/4 doanh số. Một trong những chính sách quan trọng để phát triển của Chính phủ là làm cho thủy sản trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế  trên cơ sở phát huy lợi thế của một ngành sản xuất - khai thác tài nguyên tái tạo và đặc thù của khí hậu nhiệt đới.

Ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) 

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, khi cơ hội hội nhập luôn đi liền với thách thức cùng rất nhiều rào cản kỹ thuật đòi hỏi các nhà quản lý vĩ mô phải thực sự sâu sát và uyển chuyển. Những quy định trong nước hiện nay để các doanh nghiệp chế biến thủy sản tuân thủ cũng phải được thay đổi một cách phù hợp hơn trong bối cảnh hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.

Thực tế cho thấy, dù có nhiều lợi thế, song để đáp ứng yêu cầu phát triển trước ngưỡng cửa hội nhập, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và thủy sản Việt Nam nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục ngay thì mới đáp ứng được kỳ vọng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp chung vào GDP của đất nước.

Vượt mốc 7 tỷ USD 

Năm 2016 với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7 tỷ USD, thì hiện tại  tới thời điểm này con số đạt trên 7,2  tỷ USD và khả năng còn cao hơn nữa khi có số liệu chính xác. Con số tăng này có phải là tín hiệu tốt từ việc đột phá của ngành hay không thì lại là một câu chuyện khác khi mà ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều bất lợi trong năm nay trong đó thủy sản gánh chịu khá nặng cả về nuôi trồng, khai thác lẫn chế biến. Thời tiết khí hậu bất thường, độ mặn tăng cao, người dân “treo” ao. Lũ lụt nối tiếp ở miền Trung. Bão nọ chưa tan, bão kia đã đến rồi sự cố môi trường sông, hồ, biển chưa năm nào phức tạp như năm nay. Thiếu nguyên liệu đầu vào, nhiều xí nghiệp chế biến thủy sản hoạt động cầm chừng, có thời điểm chỉ chạy 40-50% công suất... Tuy nhiên, không thể phủ nhận ngành thủy sản Việt Nam đã tìm tòi thâm nhập được khá nhiều thị trường trên thế giới. Do vậy, xuất khẩu thủy sản không bị phụ thuộc bởi nhóm thị trường lớn (như: Mỹ, EU). Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chủ động tháo gỡ cái khó cho mình khi linh động thay đổi, “gõ cửa” các thị trường tìm đầu ra cho xuất khẩu. Nhưng, những trồi sụt thị trường, những rào cản kỹ thuật, thương mại khiến “đường bơi” cho con cá, con tôm ngày càng hẹp.

Đặc biệt, một trong những yếu tố khiến giá thành sản xuất ngày càng cao và bị chi phối không nhỏ là do hệ thống chính sách hiện nay. Nếu như có một thời, nhờ con cá, con tôm, những vựa cá, vựa tôm ĐBSCL sung túc với những địa danh “cù lao tỷ phú”, nhưng nay, không ít những hộ nuôi “treo ao”, những doanh nghiệp xuất khẩu lao đao… Và khi nhu cầu thị trường ấm lên trở lại thì rất nhiều những vùng nguyên liệu trù phú trước đây giờ chỉ  là quá khứ. Điều này cho thấy, hệ thống chính sách không chỉ giữ vai trò quan trọng mà đóng vai trò điều kiện tiên quyết trong định hướng, phát triển và tạo hành lang tăng cường tính cạnh tranh, ổn định cho xuất khẩu, đặc biệt, đối với xuất khẩu thủy sản - đặc thù vốn đã chịu quá nhiều ảnh hưởng không chỉ bởi thiên thời, địa lợi mà còn là các chính sách trong tiến trình hội nhập thị trường toàn cầu hóa.

Còn nhiều thách thức

Với mong muốn tìm hiểu về toàn cảnh ngành thủy sản trong năm qua với những thuận lợi, khó khăn cũng như những cơ hội sắp tới. Sau rất nhiều lần lỡ hẹn vì quá bận dịp cuối năm, chúng tôi cũng được gặp và trao đổi với ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đồng thời cũng là Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt để có cái nhìn thực tế từ người thực-việc thực.

 Tiếp chúng tôi vào cái giờ mà cả thành phố đã bắt đầu đi ngủ, hơn 22h tối. Người đàn ông đậm chất tính cách miền Tây thể hiện qua gương mặt phóng khoáng nhưng từng trải này vừa bước qua tuổi 60 - nhìn ông không thấy gì là mệt mỏi, vẫn tràn đầy năng lượng và sức làm việc hừng hực tuổi đôi mươi khi trao đổi với chúng tôi về ngành thủy sản, ngành chăn nuôi với nhiều trăn trở, hoài bão cũng như những kế hoạch định hướng cho sự phát triển trong những năm tới....

Thưa ông, đến thời điểm này, bức tranh toàn cảnh xuất khẩu thủy sản 2016 đã đạt các mốc kim ngạch như thế nào và tiềm năng của thủy sản Việt Nam?

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản dự kiến trong năm 2016 là 7 tỷ USD, tới thời điểm này đã hoàn thành và sẽ vượt mức kế hoạch. Việc tăng trưởng này có 2 nguyên nhân: giá xuất khẩu tăng vào dịp cuối năm và sản lượng bán cũng tăng. Góp sức nhiều nhất vào doanh số xuất khẩu trên phải kể đến con tôm, dự kiến đạt trên 3 tỷ USD, chiếm gần 45% kim ngạch xuất khẩu của cả mặt hàng thủy sản, duy trì vị trí số 1 của nó. Kế đến là con cá tra với dự kiến giá trị xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD - Tăng về mặt sản lượng là 7% và về giá là 5%.

Như vậy, trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nông nghiệp Việt Nam (khoảng 31 tỷ USD) thì thủy sản chiếm gần 1/4 doanh số. Điều đó cho thấy tiềm năng của thủy sản Việt Nam trong thời gian tới rất khả quan. Nếu có định hướng trong quy hoạch và chính sách thì xuất khẩu thủy sản tới năm 2020 đạt mức 9 tỷ USD hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Thủy sản xuất khẩu Việt Nam trong mối tương quan với các nước xuất khẩu thủy sản trong khu vực và trên thế giới?

Sản phẩm chủ lực của xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiện nay là tôm và cá. Nói về con tôm, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong khu vực và kể cả một số nước châu Á. Sự phát triển đó thể hiện: Tay nghề, công nghệ và giá trị gia tăng (quy mô trong chế biến). Chúng ta còn phải nhập khẩu tôm từ Ấn Độ, Indonesia, Ecuado để chế biến xuất khẩu (do các nước này không cơ sở hạ tầng về chế biến và tay nghề).  Do đó,  tiềm năng con tôm là rất lớn nếu Nhà nước ngay từ bây giờ tham gia mạnh mẽ vào việc quy hoạch vùng nuôi trồng. Riêng về con cá tra thì bấp bênh và mắc cạn đã 3 năm qua (từ năm 2014-2016) liên quan đến thị trường xuất khẩu lớn, những rào cản kỹ thuật và khó khăn ngay từ trong chính sách. Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa năm 2016, thị trường xuất khẩu bắt đầu ổn định lại và phát triển do một số nước cung cấp nguyên liệu trong khu vực giảm về sản lượng. Lượng cá nuôi Trung Quốc như cá chép, cá rô phi đều giảm. Mặt khác, chất lượng của con cá chép nuôi Trung Quốc không được đánh giá cao như chất lượng cá tra. Từ các yếu tố thị trường cho thấy kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc, Hồng Kông từ tháng 10/2016 đã vượt qua Mỹ. Tương lai sản lượng đáp ứng nhu cầu này của thị trường Trung Quốc, Hồng Kông sẽ không chỉ dừng lại ở con số 1,2 triệu tấn nguyên liệu. Nếu chúng ta quản lý chặt chẽ về mặt chất lượng, kiểm soát kháng sinh, quy hoạch nuôi trồng thì hoàn toàn cá tra còn có tiềm năng phát triển tại thị trường 1,3 tỷ dân này.

Ông đang nói đến thị trường Trung Quốc - phải chăng đây là một thị trường chủ lực hứa hẹn nhiều tiềm năng trong những năm tới?

Đúng. Tại sao thị trường này phát triển nhanh, nó xuất phát từ sản phẩm cá tra Việt Nam nếu xuất khẩu sang các thị trường truyền thống thì chỉ có chế biến một món là  filê, trong khi đó xuất sang thị trường Trung Quốc chế biến được rất nhiều món cho người tiêu dùng (nước, lẩu, thát lát, miếng…)  vì vậy, các nhà nhập khẩu đa dạng hóa cỡ của con cá tra. Điều này lý giải, lúc thì Trung Quốc nhập khẩu cá nhỏ, lúc thì cá to, lúc thì cá vừa. Tuy nhiên, do chúng ta thiếu thông tin thị trường này, lại chưa nắm rõ được nhu cầu thực nên thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu loay hoay với những thông tin chưa chính xác dẫn đến rối loạn thị trường.

Thứ nữa, cần phải vận dụng quy luật thị trường sòng phẳng, tức là bất cứ một quốc gia nào nếu tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam, nếu đáp ứng được các vấn đề về Luật pháp thì chúng ta nên khích lệ, khuyến khích chứ không phải ngăn cấm, lập hàng rào bảo vệ... Trong khi đó, năng lực của ngành, năng lực của nhà máy hiện tại của Việt Nam đang rơi vào việc khủng hoảng về tài chính do thị trường biến động từ năm 2012 đến nay. Vấn đề còn lại đó là sự phối hợp liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp để xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm bền vững, tồn tại và cùng phát triển.

Vậy để có một sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng, yếu tố quan trọng nhất hiện nay là gì thưa ông?

Công nghệ. Công nghệ là yếu tố cạnh tranh tiên quyết, tiếc thay, đó lại chính là điểm yếu cốt lõi của nông nghiệp Việt Nam. Công nghệ ở đây chính là chúng ta chưa tạo ra một con giống tốt để nuôi trồng trong khâu con giống, khâu bảo quản để chế biến, xuất khẩu. Thực ra, trước đây Nhà nước cũng đầu tư về đàn bố mẹ cá tra ở Viện 2 cho nhưng đến nay thì chưa có kết quả rõ ràng nào, trong khi đó, người làm ra con giống và cung cấp giống tôm, cá cho thị trường vẫn là người nông dân. Nhìn xa hơn nữa,  nói đến chăn nuôi là phải nói đến con giống heo, con giống gà. Hiện nay, chưa có một trại giống nào của Nhà nước để cung cấp con giống cho người chăn nuôi, trong khi đó Việt Nam là nước thứ ba trên thế giới về đàn heo. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi: tay nghề, môi trường, quy hoạch, kinh nghiệm nhưng đang phải mua con giống (bố, mẹ) của những nước và lãnh thổ láng giềng gần như  Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc. Người nông dân nuôi heo thịt rất giỏi, tuy nhiên giá thành lại cao do 90 % các công ty có vốn FDI nắm thị phần của thị trường này.

Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản nằm trong đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp xác định phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) phù hợp quy chuẩn quốc tế. Đồng thời, tiếp tục cải thiện giống các loại thủy sản nuôi trồng. Phải biết ngọn ngành các con giống đầu vào, chuyển mạnh sang giống có khả năng kháng bệnh thay vì sạch bệnh. Cần mạnh dạn mua sắm thiết bị, công nghệ hiện đại trong chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm, nghiên cứu và đầu tư ứng dụng công nghệ bảo quản trong và sau thu hoạch để giảm tỷ lệ thất thoát và xuất khẩu thủy sản sống có giá trị cao.

Tóm lại, muốn có sự đột phá và phát triển căn cơ thì ngay từ bây giờ phải định hướng quy hoạch mũi nhọn cho đến hết năm 2020 là đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ.

Là Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành, cũng là một doanh nhân hơn 30 năm gắn bó với ngành, ông chia sẻ và kiến nghị gì với tư cách một doanh nhân tâm huyết đang đeo đuổi sự nghiệp đưa các sản phẩm nông thủy  sản sạch Made in Việt Nam ra thị trường thế giới và chiếm lĩnh thị phần?

Những doanh nhân làm nông nghiệp phải là những người có tâm huyết, tâm huyết với ngành, với xã hội thì việc đầu tư mới đạt được hiệu quả cùng với mục đích tốt đẹp được đề ra. Tâm huyết ở đây còn là sự chấp nhận rủi ro và chấp nhận đột phá. Nếu thành công thì mới tạo được sự cạnh tranh với các công ty sừng sỏ thế giới đang có mặt tại Việt Nam như Công ty TNHH Cargill Việt Nam, De Heus Việt Nam; Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam... Nếu những doanh nhân không chấp nhận chất đột phá thì thị trường sẽ không có sự chuyển biến, giá thành vẫn phải phụ thuộc sự điều tiết từ các tập đoàn nước ngoài.

Muốn đột phá tận gốc trong vấn đề phát triển Nông nghiệp thì Nhà nước cần hỗ trợ mạnh mẽ những doanh nhân dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư vào lĩnh vực này - một lĩnh vực mà theo tôi rất cần phải có thời gian cũng như sự đầu tư bài bản. Theo đó, cần có chính sách ưu tiên về đất đai và chính sách vốn linh hoạt cho những doanh nhân thực sự làm nông nghiệp để họ có thể phát huy được sức mạnh nội lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế nước nhà.

SÔNG HƯƠNG- HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục