Những năm qua, hoạt động tổ chức, giao lưu, biểu diễn ca nhạc tại TPHCM và cả nước sôi nổi, đa sắc. Nhưng lý luận, phê bình âm nhạc - mảng học thuật quan trọng, có sự nối kết chặt chẽ với sự phát triển của âm nhạc trong nước, lại hoạt động lặng lẽ, chưa thể phát huy được khả năng định hướng cho nhạc Việt. Phó Giáo sư - nhạc sĩ Thế Bảo đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về quan điểm, sự lo lắng và cả những đề xuất hướng đi cho công tác lý luận, phê bình âm nhạc trong tương lai.
* Phóng viên: Thời gian qua, lĩnh vực lý luận, phê bình (LLPB) âm nhạc hoạt động rất khiêm tốn. Đội ngũ làm công tác LLPB gần như “mai danh ẩn tích”. Ông có suy nghĩ gì về tình trạng này?
* Phó Giáo sư - nhạc sĩ THẾ BẢO: Đây là thời buổi thông tin, truyền thông, văn hóa nghe nhìn chiếm phần lớn thị phần nên văn hóa đọc bị co cụm lại theo quy luật tất yếu. Điều này kéo theo hiện trạng không có thị phần dành cho người làm công tác LLPB nên LLPB không có điều kiện phát huy vai trò, nhiệm vụ, chức năng vốn có. Ngay trên các báo giấy - những tờ báo được người dân thường mua hàng ngày để theo dõi thông tin thời sự cũng không hề có những mẩu LLPB âm nhạc cần thiết, để góp phần định hướng cho công chúng trong việc tiếp nhận, chọn lọc thưởng thức các sản phẩm âm nhạc.
* Phải chăng chính sự cả nể nhau trong hoạt động nghề nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến công tác LLPB âm nhạc không có dấu ấn hay bước đột phá nào mới, thưa ông?
* Người Việt Nam vốn dĩ tính tình hiền lành, dễ bỏ qua. Bản thân không khí đất nước và tâm thức người Việt Nam “dĩ hòa vi quý” nên tính phê phán, phê bình không cao. Trong khi đó, ở các nước trên thế giới, tinh thần phê phán, không khí đấu tranh, lý luận văn học của họ rất mạnh mẽ nên họ có những nhà LLPB xuất sắc với các bài viết tạo được dấu ấn trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Ở nước ta, nhiều năm qua, đội ngũ làm LLPB không chỉ không có đất dụng võ mà còn thiếu cả sự nhiệt tâm, dũng khí. Thế nên, công tác LLPB, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc cứ tồn tại lây lất giữa môi trường hoạt động nghệ thuật sôi động.
* Vậy đội ngũ làm công tác LLPB hiện nay cần làm gì để phát huy năng lực, góp sức phát triển lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cả nước, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc?
* Tôi nghĩ nên có sự đánh giá của các cơ quan ngôn luận về âm nhạc. Trong đó, hàng tuần các tờ báo có thể dành cho các nhà LLPB văn hóa nghệ thuật nói chung và lĩnh vực âm nhạc nói riêng một mẩu “đất” trên báo để trình làng những bài viết LLPB (từ 500 - 700 chữ), giúp cho lĩnh vực học thuật này được hoạt động thường xuyên, thúc đẩy sự phát triển của LLPB trong đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà. Khi lý luận phê bình có đất dụng võ sẽ góp phần giúp độc giả, khán giả yêu nhạc tiếp cận nhiều hơn với những kiến thức cần thiết về văn hóa nghệ thuật. Mặt khác, hàng năm, các cơ quan ngôn luận, cơ quan quản lý văn hóa nên tổ chức bình bầu những tác phẩm âm nhạc tốt - xấu, bài hát hay - dở, để giới thiệu, công bố rộng rãi, nhằm cổ vũ tinh thần các tác giả có sáng tác tốt, hay, chất lượng và làm chùn tay những tác giả chuyên sáng tác những tác phẩm mang danh nghệ thuật nhưng lại kém chất, vô bổ, phản cảm, phi nghệ thuật. Ngoài ra, tôi nghĩ các đài truyền hình cũng cần quan tâm đầu tư xây dựng một kênh âm nhạc Việt Nam 24 giờ, phục vụ cho nhiều lứa tuổi, được phân định giờ giấc phù hợp cho từng đối tượng khán giả.
* Sau 2 năm miệt mài làm việc, tham khảo hơn 100 cuốn sách tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Hungary và nhiều tài liệu trên internet, đĩa hát…, ông vừa trình làng quyển sách “Cảm nhận mỹ học âm nhạc”. Ông muốn nhắn gửi điều gì trong tác phẩm đặc biệt này?
* Vấn đề mỹ học âm nhạc rất quan trọng và rất mới. Trước đây, có một số cuốn sách mỹ học nói chung, nhưng sách về mỹ học âm nhạc chưa có cuốn nào đề cập hoàn chỉnh, nhiều mặt, từ nhạc hát, nhạc đàn, giữa lời và nhạc, giữa Đông - Tây và Việt Nam, nhạc bác học và cả nhạc giải trí cho giới trẻ. Tôi rất muốn bằng kinh nghiệm của người từng làm nhạc công, thầy dạy nhạc, soạn nhạc, nhà lý luận, cùng trao đổi kinh nghiệm với độc giả, đồng nghiệp những vấn đề về âm nhạc. Sách có 5 phần, gồm: Nguyên lý mỹ học âm nhạc; Câu chuyện, giai thoại âm nhạc của các nhạc sĩ và danh nhân; Hương sắc âm nhạc phương Tây qua các thời đại; Thưởng thức nhạc giải trí; Nét đẹp nhạc Việt. Quyển sách này sẽ phần nào giúp người đọc bổ sung một lượng kiến thức nhất định về âm nhạc, đồng thời mở rộng, nâng cao kiến thức âm nhạc bằng những thông tin, sự kiện âm nhạc lịch sử và sự kiện âm nhạc thời đại mới. Khi viết sách, tôi chỉ mong muốn một điều là viết để độc giả, nhất là giới trẻ có thể tìm hiểu và định hình thẩm mỹ âm nhạc cho riêng mình.
* Xin cảm ơn ông!
THÚY BÌNH