Phố hàng rong - Không chỉ tạo sinh kế cho người nghèo

Một số quận huyện tại TPHCM đã triển khai mô hình phố hàng rong trên các tuyến đường. Mô hình này vừa giúp người nghèo, buôn gánh, bán bưng ổn định cuộc sống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa góp phần lập lại trật tự, mỹ quan đô thị.
Khu vực thí điểm kinh doanh có thời gian ở đường Nguyễn Văn Chiêm, quận 1
Khu vực thí điểm kinh doanh có thời gian ở đường Nguyễn Văn Chiêm, quận 1

Tạo không gian buôn bán ổn định

Dọc các tuyến phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm, Công viên Bách Tùng Diệp (quận 1), đường Lê Bình (góc giao với đường Út Tịch, phường 4, quận Tân Bình), hàng quán buôn bán nền nếp, trật tự; tình trạng lấn chiếm lề đường, xả rác thải, phóng uế như trước đây không còn. Phố hàng rong trong Công viên Bách Tùng Diệp có khoảng 15 hộ kinh doanh, được chính quyền địa phương trang bị sẵn bàn ghế gỗ cho khách ngồi, bạt che, xe bán hàng, điện, nước mà người dân không phải trả phí (trừ tiền điện, nước). Phố hàng rong này được bố trí ngay cạnh đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, kế bên là Tòa án Nhân dân TPHCM nên lượng khách đến đây rất nhộn nhịp.

Cách đó không xa, phố hàng rong trên tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm được bố trí cho khoảng 20 hộ buôn bán chia thành 2 ca (sáng từ 6 giờ - 10 giờ và chiều từ 10 giờ - 15 giờ). Hầu hết các hộ đều kinh doanh ẩm thực vỉa hè, nước giải khát và luôn tấp nập khách. Anh Bùi Đức Lợi, một người buôn bán tại đây, chia sẻ: “Từ ngày chính quyền địa phương mở tuyến phố hàng rong thì người dân buôn bán ổn định và tốt hơn so với chỗ kinh doanh trước đây”.

Còn tại điểm bán hàng rong trên vỉa hè đường Lê Bình (góc giao với đường Út Tịch), từ năm 2018 đến nay, UBND phường 4, quận Tân Bình đã xây dựng mô hình kẻ vạch sơn, làm mái che để bố trí cho người dân có chỗ buôn bán trên vỉa hè giúp họ ổn định cuộc sống, tạo mỹ quan đô thị. Các trường hợp được bố trí buôn bán tại đây là những người buôn gánh, bán bưng và người buôn bán đã từng bị xử lý vì lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Sau khi vào bán ở đây, họ được địa phương cho đi học lớp tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chị Nguyễn Thị Hồng Ân, buôn bán tại đây không giấu niềm vui: “Phường bố trí chỗ kinh doanh cho người bán hàng rong giúp gia đình tôi có chỗ buôn bán ổn định và yên tâm hơn, chứ như trước đây bán dưới lòng đường phải chạy liên tục, không thể buôn bán được”.

Theo UBND phường Bến Nghé, quận 1, sau 3 năm triển khai, nhìn chung các hộ kinh doanh tại phố hàng rong ở đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp đều có doanh thu, cải thiện đời sống; góp phần mang lại hiệu quả giảm hộ nghèo và cận nghèo của phường. Qua đó, giúp chính quyền có thể kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, thu hút khách đến tham quan và ăn uống. Trong số 46 hộ nghèo, hộ cận nghèo được tham gia mô hình có 8 hộ nghèo, 36 hộ cận nghèo đã thực sự thoát nghèo. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả, các hộ kinh doanh mong chính quyền cho phép buôn bán cả ngày thay vì phải chia 2 ca như hiện nay.

Xem xét nhân rộng mô hình

Với những hiệu quả từ mô hình phố hàng rong nêu trên, một số ý kiến cho rằng, việc nhân rộng mô hình này trên địa bàn TPHCM là cần thiết để đảm bảo an sinh cho người dân, đảm bảo trật tự lòng lề đường. Tuy nhiên, muốn nhân rộng thì cần phải có quy hoạch bài bản.

Từ kinh nghiệm của địa phương đã triển khai mô hình phố hàng rong cho người nghèo, ông Nguyễn Như Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình phân tích: “Sau chiếc xe buôn bán hàng rong là nhiều miệng ăn, nên xử lý bằng cách ra quân dẹp trật tự, thu gom phương tiện là không căn cơ. Tuy nhiên, để làm được mô hình phố hàng rong cần có quỹ đất phù hợp để bố trí cho họ vào buôn bán và những vị trí này phải là nơi tập trung đông người qua lại. Vấn đề quan trọng nữa là khi bố trí người vào buôn bán ở các khu vực này phải tính toán và vận động để các hộ kinh doanh tránh buôn bán cùng 1 mặt hàng, gây khó khăn khi cạnh tranh. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ buôn bán tham gia tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Anh Bùi Đức Lợi, buôn bán ở đường Nguyễn Văn Chiêm, quận 1 cũng cho rằng: “Nếu các địa phương có vị trí thuận lợi triển khai mô hình này thì rất tốt cho người buôn bán hàng rong. Tuy nhiên, với những vị trí kinh doanh này cần tìm nơi tập trung đông dân cư, có chỗ giữ xe, có điện, nước thuận tiện”. Trong khi đó, theo đại diện UBND phường Bến Nghé, quận 1, để tiếp tục tạo điều kiện cho một số hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ đã thoát nghèo có địa điểm kinh doanh ổn định mà không gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn vệ sinh thực phẩm, UBND phường tiếp tục đề xuất một số địa điểm, khu vực tổ chức kinh doanh ăn uống có thời gian tại vỉa hè đường Chu Mạnh Trinh (phía sau Bệnh viện Nhi đồng 2; hẻm 17 Lê Duẩn, hẻm 34 Nguyễn Du); vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng (đối diện Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng); vỉa hè đầu đường Thái Văn Lung…

Như vậy, với cùng lúc đạt các mục tiêu giúp người dân thoát nghèo, bảo đảm an toàn thực phẩm, giữ gìn trật tự mỹ quan đô thị, mô hình phố hàng rong rất thiết thực mà các địa phương ở TPHCM cần nhân rộng.

Tin cùng chuyên mục