Phố hàng rong: Nhân văn nhưng có bền vững?

Lập phố hàng rong ở đường Nguyễn Văn Chiêm, Công viên Bách Tùng Diệp để những người buôn bán lấn chiếm vỉa hè có nơi kinh doanh ổn định, hợp pháp, là chủ trương đầy tính nhân văn của TPHCM, mà cụ thể là của UBND quận 1 trong việc lập lại trật tự lòng, lề đường; tạo việc làm cho người lao động. 
Tuy vậy, để tuyến phố thực sự tạo điểm nhấn mới lạ, có thể thu hút du khách, cần sự nỗ lực từ nhiều phía.
Phố hàng rong: Nhân văn nhưng có bền vững? ảnh 1 Khách tham quan, mua hàng tại phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm (quận 1, TPHCM)
Kinh doanh nhìn… ngày làm việc
Buổi sáng nếu có dịp đi ngang tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm (khai trương 28-8), Công viên Bách Tùng Diệp (khai trương 2-10) chỉ cần nhắm mắt cũng ngửi thấy mùi cá viên chiên, chả giò, thịt, rau… Những người bán hàng rong ở phố này luôn ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, thái độ niềm nở, trái ngược với cảm nhận thường thấy về những quán hàng rong nhếch nhác, mất vệ sinh.
“Đồ ăn vặt có giá bình dân. Bánh mì thịt từ 10.000 - 15.000 đồng/cái, bánh canh cua có giá từ 20.000 - 25.000 đồng/tô… Thức ăn được để trong tủ kính ngăn nắp. Bánh mì nóng hổi, giòn tan. Món nào cũng sạch sẽ, hấp dẫn”, chị Ngô Hương Lan, khách hàng, ngụ tại quận 1 nhận xét. 
Vài ngày đầu, số lượng khách đến tham quan, mua đồ ăn ở cả hai tuyến phố hàng rong khá đông. Riêng Công viên Bách Tùng Diệp, mới khai trương nhưng sức mua rất tốt. Hộ kinh doanh ca sáng tại quầy số 15 chia sẻ: “Buôn bán vỉa hè luôn trong cảnh phập phồng lo sợ bị đuổi. Còn ở đây, địa phương tạo điều kiện có chỗ buôn bán sạch sẽ, khách đến khá đông nên tụi tui mừng lắm”. 
Trở lại tuyến phố Nguyễn Văn Chiêm, hơn 1 tháng qua, bà con kinh doanh nơi đây cho biết, vẫn đang dò dẫm, theo dõi sức mua của thị trường. Gần đây, các hộ kinh doanh phản ánh có dấu hiệu sụt giảm, nhất là các hộ buôn bán vào ca sáng (40 hộ luân phiên kinh doanh 2 ca/ngày). Khoảng 60% các hộ được khảo sát cho biết, doanh thu giảm từ 250.000 đồng/ca xuống còn khoảng 150.000 đồng/ca, 15% hộ có doanh thu buôn bán ổn định ở mức 200.000 - 250.000 đồng/ca và 25% hộ có doanh thu tăng nhưng tăng không đáng kể, trung bình khoảng 300.000 - 350.000 đồng/ca. 
Phố hàng rong: Nhân văn nhưng có bền vững? ảnh 2 Khách tham quan, mua hàng tại phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm
Riêng 2 ngày cuối tuần, đặc biệt là chủ nhật, khoảng 50% các quầy hàng tại tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm buôn bán chập chờn, có người nghỉ bán do vắng khách.
Chị Đặng Thị Kim Thủy, kinh doanh tại quầy 16 cho hay, khách ở đây chủ yếu là dân văn phòng từ các tòa nhà, cao ốc bên cạnh đến mua, lượng khách ca 1 (từ 6-10 giờ) tập trung mua đông vào khoảng từ 8-9 giờ. Thời điểm ca 2 (từ 10-14 giờ), lượng khách mua đông tập trung từ 11 giờ 30 - 12 giờ 30. Sau hoặc trước khoảng thời gian trên, rất vắng khách. “Vào cuối tuần, nhân viên không đi làm, chúng tôi có bán cũng không lời được bao nhiêu”, chị Đặng Thị Kim Thủy tâm sự.
Để kiếm thêm thu nhập, nhiều bà con đã tranh thủ làm thêm hàng loạt công việc khác như lau dọn, rửa chén trong các nhà hàng, khách sạn, phụ bán tại các cửa hàng… 
Chị Ngọc Diễm, kinh doanh tại quầy 17 (đường Nguyễn Văn Chiêm) chia sẻ: “Không phải trả phí mặt bằng, phí quầy kệ… là ưu đãi khá lớn cho những người buôn bán hàng rong như chúng tôi. Tuy vậy, thời gian kinh doanh quá ngắn, chỉ gói gọn trong 4 giờ, nên nếu trừ đi lúc dọn hàng, thời gian còn lại thực sự buôn bán chỉ khoảng 3 tiếng”. Ngoài ra, địa điểm kinh doanh ở ngay góc khuất, cũng khiến thực khách ít chú ý, ảnh hưởng đến lợi thế kinh doanh của bà con.
Định hướng phát triển phù hợp 
Khi nhắc tới hàng rong, các “tín đồ” ẩm thực thường liên tưởng ngay đến các món ăn vặt. Tại TPHCM, nổi tiếng về đồ ăn vặt phải kể tới là tuyến đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3) với món bánh tráng trộn, chợ Phùng Hưng (quận 5) nức tiếng với bánh chuối chiên, khoai lang chiên giòn tan... Hoặc tuyến đường An Dương Vương (quận 5) có món bò bía, bánh tráng nướng.
Chị Daisy Cruiser (25 tuổi, đến từ Mỹ) cho biết, đã từng thử các món ăn vặt như bánh tráng trộn, bò bía tại TPHCM và “chết mê”! Theo chị Daisy, nếu phố hàng rong của quận 1 bán thêm các món ăn vặt, khách hàng sẽ tới ủng hộ rất nhiều. 
Dưới góc nhìn của một số chuyên gia ẩm thực, hàng rong ở nước ta thường rơi vào thực trạng “sạch thì không ngon, mà ngon chưa chắc đã sạch”. Phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm nói trên được sự quan tâm nhiệt tình của cộng đồng mạng xã hội nên những ngày đầu khách đến rất đông, sau đó mãi lực bình thường (riêng phố hàng rong Bách Tùng Diệp cần thêm thời gian để nhận xét).
Các chủ quầy hàng lý giải, sau khai trương là rằm tháng bảy, rằm Trung thu (nhiều người ăn chay)..., có thể do vậy, mãi lực bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến, đó là chất lượng các món ăn ở phố hàng rong chưa thực sự nổi bật; lại hoạt động theo giờ, không thuận tiện cho số đông người dân TP muốn đến thưởng ngoạn và khám phá. 
Nhìn chung, mô hình kinh doanh của phố hàng rong nhận được nhiều đánh giá tích cực, bà con kinh doanh cũng cảm thấy yên tâm khi được buôn bán trong môi trường sạch sẽ, gọn gàng. Thế nhưng, để việc kinh doanh ổn định, có doanh thu tốt, người bán và lãnh đạo địa phương nên ngồi lại để tìm hướng kinh doanh đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng; và xa hơn, tập trung vào thế mạnh hàng rong để biến nơi đây thành sản phẩm du lịch đón du khách quốc tế. Muốn vậy, cần tính toán lại thời gian buôn bán, cho phép hoạt động nhiều giờ hơn, bày biện đẹp mắt, món ăn đa dạng… để không chỉ phục vụ khách trong nước, còn là địa chỉ đón du khách quốc tế khám phá ẩm thực TPHCM.

Tin cùng chuyên mục