
Sau 30 năm giải phóng, Gia Lai đang sát cánh cùng cả nước đi lên. Ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã trao đổi với PV Tuần san SGGP Thứ Bảy những vấn đề liên quan đến Gia Lai hôm nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Phạm Thế Dũng.
- Sau 30 năm, vùng đất này đã “đứng lên” tới đâu, thưa ông?
- Riêng quy mô kinh tế đã tăng 7,4 lần. Có thể hình dung như sau: nếu như năm 1976, tỷ trọng nông, lâm nghiệp chiếm 71,4% thì đến năm 2004 chỉ còn 49,5%, ngược lại tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng tăng từ 15,6% lên 23,2%; ngành dịch vụ tăng từ 13% lên 27,3% và hiện Gia Lai có trên 1.000 doanh nghiệp. Con số này tuy chưa cao so với nhiều nơi nhưng vô cùng ý nghĩa với Gia Lai cũng như Tây Nguyên.
Đường giao thông cũng kéo đến 100% xã, theo đó điện lưới quốc gia đã về hầu hết buôn làng. Chúng tôi có 80% số hộ dùng điện; 100% xã có trạm y tế, và trường học; mật độ điện thoại bình quân 5,36 máy/100 dân; 93% xã có báo đọc trong ngày, có cả báo SGGP của các bạn nữa đấy!
- Như vậy, đời sống bà con các dân tộc chắc chắn khá hơn nhiều?

- Chỉ tính 4 năm gần đây thôi, GDP tăng từ 2,9 triệu lên 4,29 triệu đồng/người/năm. Điều này có được là nhờ các chương trình lớn như: Chương trình 135, trong 6 năm qua đã đầu tư 270 tỷ làm cống thoát, cầu bê tông, cầu ngầm qua suối, xây phòng học, trạm xá, trạm biến áp điện, giếng nước… cho 78 xã và 113 làng đặc biệt khó khăn; Chương trình XĐGN và giải quyết việc làm trong 4 năm qua đã đầu tư 66,7 tỷ đồng, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 12,4%; Chương trình 132, trong 2 năm qua, giải quyết 3.973,22 ha đất sản xuất, đất ở cho đồng bào các dân tộc, đạt 62% kế hoạch.
Tỉnh đã thí điểm (2003-2004) cho bà con dân tộc có khó khăn về nhà ở (theo QĐ 154) vay tiền làm 204 căn nhà. Riêng ngân hàng chính sách xã hội cũng cho 518 hộ vay 3.626 triệu đồng làm nhà, trả chậm. Tôn hóa cũng là chương trình lớn, chúng tôi đã cấp 438.320 tấm tole cho 15.623 hộ làm nhà ở. Về nước sạch, đến cuối năm 2004, tỉnh đã đầu tư 4.210 giếng nước cho đồng bào, hiện giờ có 46% dân số nông thôn dùng nước sạch.
- Thưa ông, do vị trí địa lý, giữa miền núi và đồng bằng còn cách trở, vậy theo ông, làm thế nào để “phố núi” gần “phố thị”?

Đồng bào dân tộc tham dự lễ kỷ niệm 30 năm giải phóng tỉnh Gia Lai. Ảnh: THÁI BẰNG
- Có nhiều việc phải làm nhưng cụ thể là phải phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010. Cạnh đó, phải giảm tỷ lệ tăng dân số xuống dưới 1,7%/năm và phấn đấu để 60% các xã đều có bác sĩ, tiếp tục thực hiện tốt các chương trình đã làm được, tăng cường bảo đảm an ninh và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc… Những yếu tố này sẽ đưa Tây Nguyên và Gia Lai gần hơn với đồng bằng, với Hà Nội, Đà Nẵng và nhất là TPHCM.
- Năm 2003, tỉnh Gia Lai đã “mở chiến dịch” kêu gọi đầu tư ở TP.HCM, ông nghĩ gì về sự kiện đó?
- Từ sau Hội nghị hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Gia Lai và TP.HCM đến nay, chỉ hơn một năm thôi mà đã tạo cơ hội cho rất nhiều nhà đầu tư đến Gia Lai trên nhiều lĩnh vực, trên cơ sở phát huy thế mạnh, tiềm năng, đặc thù của tỉnh Gia Lai và TP.HCM. Thông qua đó, các sở ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện, các cơ quan thông tấn báo chí, đặc biệt là Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Công An TP.HCM, Đài Truyền hình TP.HCM… đã giúp cải thiện hình ảnh Gia Lai trong mắt các nhà đầu tư cả nước.
Tuy thế, vấn đề khó khăn hiện nay là công tác kêu gọi đầu tư trực tiếp các dự án có 100% vốn nước ngoài rất hạn chế, hàng năm ngân sách trung ương vẫn trợ cấp để bù chi nên chúng tôi chưa thành lập được “Quỹ hỗ trợ đầu tư” của tỉnh.
Qua Báo SGGP, chúng tôi muốn thông báo với các nhà đầu tư rằng, Gia Lai sẽ tạo mọi cơ hội và điều kiện thuận lợi nhất cho họ thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội và mong các bạn hướng về Gia Lai với những tình cảm thân thiện nhất để góp phần cùng chúng tôi phát triển kinh tế và nâng cao đời sống bà con các dân tộc vốn chịu nhiều thiệt thòi bởi hai cuộc chiến vừa qua.
- Xin cám ơn ông!
MINH ANH (thực hiện)