Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không để học sinh “phải tự nguyện” xin học thêm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành giáo dục tiếp tục rà soát thực chất các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra, sử dụng sách tham khảo,… không để học sinh "phải tự nguyện" xin học thêm, xin tổ chức lớp học, xin mua sách tham khảo…
Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023
Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023

Ngày 12-8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.

Đánh giá trong năm học 2021-2022 tiếp tục là "năm học vượt khó", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng nỗ lực của toàn thể đội ngũ giáo viên, các em học sinh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Giáo dục Việt Nam tiếp tục duy trì được thứ hạng quốc tế; thực hiện lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; xử lý vấn đề về biên chế.

Phó Thủ tướng cũng chia sẻ những khó khăn của ngành giáo dục trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục (trường lớp, giáo viên), cùng với đó là sự quan tâm, yêu cầu rất cao của người dân, xã hội.

“Tại sao chúng ta cứ loay hoay chuyện thi cử, không chỉ là thi THPT, mà còn là thi cử ở bậc phổ thông, chuyện học thêm, dạy thêm, sách tham khảo”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Phó Thủ tướng cho rằng, ngành giáo dục cũng đã nhìn thẳng hơn vào những bất cập, yếu kém do chủ quan, thuộc trách nhiệm của ngành. Đơn cử như nguyên nhân của những bức xúc trong thi cử, kiểm tra, đánh giá, dạy thêm - học thêm, sách tham khảo,… là do có lúc, có nơi, có một số giáo viên còn thiếu trung thực, khách quan.

Trong năm học 2022-2023, Phó Thủ tướng nêu 10 đầu việc cụ thể đối với ngành giáo dục.

Trong đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục cần tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước. Bộ phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn thế chúng ta phải đổi mới từ quản lý nhà nước, đổi mới về quản trị trong cả trường phổ thông và trường đại học. Phải xây dựng được môi trường văn hóa, dân chủ trong trường học. Thực hiện thực chất hơn việc dạy và học theo hướng phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ cho học sinh, trong đó cần đẩy mạnh hơn nữa việc giảng dạy các môn nghệ thuật trong trường học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không để học sinh “phải tự nguyện” xin học thêm ảnh 1 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm học 

Bộ GD-ĐT phải rà soát, chủ động đề xuất các cơ chế học phí, về thực hiện tự chủ nhằm có tỷ lệ thích hợp các trường. Ở những vị trí, địa bàn thích hợp có thể lo lương cho giáo viên để dành biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cho những vùng nông thôn, khó khăn. Mục tiêu là có đủ giáo viên, trường lớp, để học sinh học 2 buổi/ngày thuận lợi với sĩ số của một lớp theo đúng hướng dẫn của bộ.

Về học phí THCS, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, để bảo đảm chất lượng giáo dục thì học phí phải tính đúng, tính đủ và theo xu thế phát triển thì học phí phải tăng lên. Tuy nhiên, phần học phí do phụ huynh đóng sẽ không tăng, đồng thời, căn cứ điều kiện cụ thể để đẩy nhanh lộ trình giảm, miễn phần học phí do gia đình học sinh đóng góp. Ngân sách địa phương, hoặc ngân sách Trung ương (đối với những địa phương chưa cân đối được ngân sách) sẽ cấp bù phần học phí được miễn, giảm hoặc tăng thêm nhằm bảo đảm nguồn thu cho các trường phổ thông.

Bộ GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc để có phương án tổ chức học cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo hướng các cháu "ở nội trú, bán trú nhưng học hòa đồng", nâng chất lượng học tập của học sinh dân tộc thiểu số, miền núi. "Việc này phải làm kiên trì 15-20 năm và rất cần sự quan tâm thực sự sâu sát của chính quyền địa phương", Phó Thủ tướng đề nghị.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GD-ĐT rà soát rất nghiêm túc tất cả các tiêu chuẩn, tiêu chí thi đua, khen thưởng trong ngành giáo dục thực chất, phù hợp với điều kiện từng vùng miền, địa bàn.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, bổ sung các quy định về việc huy động các nguồn đóng góp của cộng đồng cho trường học công khai, minh bạch.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát thực chất các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra, sử dụng sách tham khảo,… không để học sinh "phải tự nguyện" xin học thêm, xin tổ chức lớp học, xin mua sách tham khảo… "Tình trạng này đã được chấn chỉnh. Nhiều nơi làm rất tốt nhưng cá biệt vẫn còn. Chúng ta phải kiên quyết rà soát, xử lý nghiêm", Phó Thủ tướng lưu ý.

Về vấn đều thiếu giáo viên, Phó Thủ tướng chia sẻ, ngành giáo dục không có thẩm quyền quyết định về biên chế giáo viên, lương nhà giáo mà là liên quan tới nhiều bộ ngành khác. “Hiện nay, nhân dân yêu cầu về giáo dục rất cao. Giáo dục cần gắn với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước. Giáo dục là lĩnh vực luôn luôn được xã hội quan tâm. Đây vừa là điều may mắn nhưng cũng là áp lực không nhỏ với ngành giáo dục", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng mong muốn và chúc ngành giáo dục, toàn thể giáo viên tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn, vất vả để xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi tới toàn thể đội ngũ giáo viên, bộ quản lý sự ghi nhận, sự biểu dương và lời cảm ơn bởi những nỗ lực vượt bậc, những cố gắng phi thường trong năm học vừa qua. Cảm ơn sự đồng hành, ủng hộ, hỗ trợ đối với sự nghiệp giáo dục của các bậc phụ huynh học sinh. Bộ trưởng ghi nhận sự cố gắng của gần 24 triệu học sinh, sinh viên đã vượt qua khó khăn để học tập, trưởng thành trong một năm đầy gian khó.

Năm học 2022 - 2023, Bộ GD-ĐT xác định việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách là khâu đột phá, là việc ưu tiên trước hết. Trong đó triển khai rà soát các quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc chồng chéo, ban hành thêm cơ chế chính sách nhằm mở đường, tạo điều kiện cho tự chủ và đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, coi củng cố, phát triển đội ngũ giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non, phổ thông và lực lượng khoa học của các trường đại học là yếu tố mang tính quyết định. Đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng giáo dục, chuyển đổi số; tăng cường tự chủ trong giáo dục, dân chủ trong môi trường học đường, yếu tố văn hóa trong môi trường học đường, thu hút các nguồn lực cho giáo dục…

Tin cùng chuyên mục