“Phố Wall Sài Gòn” thời “đèn đỏ”

“Phố Wall Sài Gòn” thời “đèn đỏ”

Lâu nay, người ta ví đường Nguyễn Công Trứ, Q1, TPHCM là “phố Wall Sài Gòn” vì con đường này tập trung nhiều ngân hàng và sàn chứng khoán nhất thành phố. “Phố Wall Sài Gòn” càng nổi tiếng hơn khi chứng khoán lên ngôi. Lúc ấy, “phố Wall” như nghẹt thở, mọi thứ đều đắt giá, thậm chí sàn chứng khoán còn đuổi khéo nhà đầu tư (NĐT), điểm giữ xe thì không cần khách, các quán cà phê để mặc khách đứng uống... Còn bây giờ “phố Wall Sài Gòn” ra sao?

Xưa: chê cả “đại gia”

“Phố Wall Sài Gòn” thời “đèn đỏ” ảnh 1

“Phố Wall Sài Gòn” bây giờ không còn “nóng” như xưa. Ảnh: TẤN VIỆT

Anh Cường – NĐT ở sàn Phương Đông, cười khì, kể lại: “Hồi đó, thấy tôi trúng chứng khoán phà phà mà tự dưng chuyển từ đi xe SH sang đi Wave, có người nói tôi “làm màu”. Họ đâu biết rằng các loại xe càng cao cấp như Attila, @, SH, Dyland… càng khó gửi vì choán chỗ, nặng; còn các loại xe Wave, Dream… nhẹ, tiện, ít chiếm diện tích, dễ gửi hơn!”.

Còn nhớ, lúc đó, các bãi giữ xe không phép “chặt” khách tới 10.000đ/chiếc, vậy mà khách muốn gửi được xe vẫn phải cầu cạnh vì “Gửi xe nhanh, vào sàn sớm, đặt lệnh nhanh hơn, giao dịch mua bán được, đôi khi lời một ngày cả vài chục triệu đồng thì tiền gửi chiếc xe 10.000 đồng nhằm nhò gì!”, một NĐT nói. Hùng – nhân viên một bãi giữ xe không phép, cho biết, lúc đó, có ngày ông chủ của anh bị công an phạt cả triệu đồng nhưng so với tiền giữ xe thu vào thì “không đáng là bao”.

Trước và sau Tết, khách chơi chứng khoán ở “phố Wall Sài Gòn” đứng chật cứng trước mỗi sàn giao dịch, tràn ra cả lề đường. NĐT tập trung đông nhất tại sàn SSI (Công ty Chứng khoán Sài Gòn) ở số 180 – 182 Nguyễn Công Trứ vì so với các sàn khác, ngoài việc giao dịch cổ phiếu trên sàn thì ở bên ngoài SSI, “cò” và người mua bán cổ phiếu OTC (cổ phiếu chưa niêm yết) tập trung đông nhất. Để giảm quá tải, khi đó, SSI đã “tung” một quy định đuổi khéo khách bằng cách: Ai muốn chơi tại sàn SSI phải có tối thiểu 100 triệu đồng trong tài khoản. Thế nhưng, SSI vẫn đông nghẹt khách. Xôm tụ thứ hai là sàn BSC vì sàn này ra đời sớm, có nhiều người mua và bán. Còn ở các quán cóc hồi đó kêu một ly cà phê phải ngồi chờ, nhiều khi phải “uống cà phê đứng” bởi hiếm khi có ghế trống. Rồi bản tin, báo, tạp chí về chứng khoán luôn bán hết sạch trước 10 giờ sáng.

Nay: ai cũng là “đại ca”

Bây giờ đến “phố Wall Sài Gòn”, khách sẽ thấy sự thông thoáng. Từ bãi giữ xe, người bán nước cho đến công ty chứng khoán, sàn giao dịch đều “welcom” khách hàng. Mới đây, dù là thứ hai – ngày NĐT thường lên sàn đông nhất, nhưng khi tôi vừa rề xe đến “phố Wall”, mấy người giữ xe huơ tay nồng nhiệt: “Gửi xe, đại ca!”, “Vô, vô đại ca!” (cảnh này hồi xưa không có). Giá giữ xe hiện nay tại các bãi không phép chỉ còn 3.000đ/chiếc. Còn ở bãi giữ xe được cấp phép thì đề bảng giá hẳn hoi: xe gắn máy 2.000đ/chiếc, xe đạp 5.00đ/chiếc. Khách chỉ cần dựng xe lề đường, lấy thẻ là có người tận tình dắt vào bãi dựng ngay ngắn. Còn mấy chị bán hàng nước, quán ăn vỉa hè lúc nào cũng đon đả mời khách.

Nhấm nháp ly “free coffee” – cà phê miễn phí nóng hổi tại sàn Phương Đông, NĐT tên Hùng nói vui: “Bây giờ mình mới thật sự là thượng đế. Cách đây mấy tháng thôi, làm gì có chuyện NĐT được uống cà phê, trà Lipton, ăn kẹo, có máy móc truy cập internet miễn phí như hiện nay”. Còn nhiều NĐT khác nói với tôi, họ cảm thấy “tức cười” vì bây giờ, vừa bước vào cửa của sàn giao dịch SSI đã thấy ngay bảng thông báo: “Miễn áp dụng hạn mức ký quỹ 100 triệu đồng khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán” với dấu mộc đỏ chót.

Chứng khoán lắng xuống, NĐT giao dịch cầm chừng hoặc thận trọng hơn, không khí ào ạt thời hoàng kim không còn nữa, “phố Wall Sài Gòn” cũng trầm theo. Một lý do nữa khiến “phố Wall Sài Gòn” giãn khách là do hiện nay tất cả các quận trung tâm đều có sàn giao dịch nên NĐT phân tán theo. Sàn SSI mở chi nhánh ở 82 Nguyễn Huệ cũng kéo một lượng khách lớn về đó. “Cậu không cần vô trong sàn, chỉ cần đi dọc con đường này là biết chứng khoán đang lên hay xuống”, bà Hồng – chủ xe bánh ướt đối diện sàn Phương Đông, nói. Theo bà, ngày nào sàn xanh thì lập tức đông người đến, còn sàn đỏ thì vắng khách, vì họ ở nhà theo dõi thông tin qua internet.

Không chỉ công ty chứng khoán “buồn”

Chứng khoán tụt dốc, người chơi giảm, các sàn – công ty chứng khoán thất thu, nhiều dịch vụ và người buôn bán ăn theo ở “phố Wall” cũng giảm thu nhập. Qua tìm hiểu riêng của chúng tôi, nếu chứng khoán “còn lửa” thì giá đất ở đường Nguyễn Công Trứ có thể qua mặt những “con đường vàng” ở TPHCM như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Lê Lợi… Thời đó, nếu có ngôi nhà nào rao bán là các công ty chứng khoán, ngân hàng “lượm” ngay. Phó Chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty chứng khoán mới vừa ra đời cho biết: “Nếu chứng khoán còn nóng như đầu năm thì khó có thể thuê được mặt bằng với giá như bây giờ. Một mặt bằng 3 tầng, ngang 4m, dài 20m bây giờ giá 2.500 USD/tháng, lúc trước phải trả không dưới 4.000 USD/tháng”.

Một điều lạ là những người chuyên bán bản tin, tạp chí chứng khoán (như bản tin Thị trường Chứng khoán của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, báo Đầu tư Chứng khoán, bản tin Thị trường…) bây giờ biến mất, chỉ còn lèo tèo mấy người bán báo dạo (lúc cao điểm, tôi đã thử đếm có trên 10 người). Huynh – sinh viên của Trường ĐH Kinh tế lúc trước bán bản tin chứng khoán, cho biết, lúc ấy mỗi ngày lời bèo nhất cũng được 50.000đ, còn nay thì rất khó bán nên giải nghệ. Còn bà Phan Thị Trang, bán xe nước giải khát, thuốc lá trước số nhà 146, cho biết: “Giảm  nhiều lắm, thu nhập hàng ngày chỉ còn bằng 1/10 hồi kia. Bây giờ chủ yếu bán cho cán bộ công nhân viên ở các ngân hàng, sàn giao dịch là chính”. Bà Trang cho biết thêm, hồi trước có ngày bán được 500.000 đồng.

Một điều khá thú vị mà chúng tôi phát hiện ở “phố Wall Sài Gòn”  là khi cơn nóng chứng khoán đi qua thì điều còn lại là rất nhiều người bán quầy nước, thuốc lá trở nên rành về chứng khoán. Như chị Lê Phan Như An - chủ quầy nước trong sàn giao dịch BSC, bây giờ vắng khách nên chị có thời gian tư vấn, chỉ cách đọc bảng điện tử, phương thức viết lệnh mua – bán… cho những người mới chơi. Còn những NĐT chơi ở sàn BSC lâu ngày trở nên thân quen, hôm nào không có thời gian lên sàn thì nhờ chị An theo dõi thông tin, có gì thông báo lại. “Dù sao đó cũng là niềm vui khi chứng khoán “đỏ đèn”, chị An nói.

NGUYỄN TẤN VIỆT

Phố Wall (Wall Street) là trung tâm tài chính lớn nhất nước Mỹ, nằm ở thành phố New York. Wall Street là nơi đặt trụ sở của Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE). Trong một ngày, NYSE có khoảng 1,5 tỷ cổ phiếu, trị giá khoảng 50 tỷ USD được giao dịch với khoảng 2.800 công ty hàng đầu thế giới niêm yết, tổng số vốn ước chừng 20.000 tỷ USD.

“Phố Wall Sài Gòn” chỉ chiếm 1/2 con đường Nguyễn Công Trứ, kéo dài từ chợ Bến Thành theo đường Phó Đức Chính xuống gặp ngã tư Phó Đức Chính – Nguyễn Công Trứ. 

Tin cùng chuyên mục