Phối hợp, chia sẻ dữ liệu là cốt lõi trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu

Theo ông Bùi Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (Sở TN-MT TPHCM), hiện dữ liệu không gian địa lý rất rời rạc. TPHCM đang có chiến lược quy tụ những dữ liệu đó về để người dân khai thác. Vấn đề cốt lõi không phải là công nghệ mà là cơ chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ban, ngành, giữa kho dữ liệu dùng chung của thành phố.

Sáng 4-4, UBND TP Thủ Đức tổ chức hội thảo Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung trên nền tảng dùng chung để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư và các lĩnh vực khác trên địa bàn TP Thủ Đức.

Khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, hiện nay, TP Thủ Đức đang thực hiện chính sách phát triển theo hướng công nghệ, định hướng xây dựng và phát triển thành phố thông minh và sáng tạo. Để đạt được kết quả tốt, đúng hướng thì việc phát triển hệ sinh thái số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, thường xuyên của thành phố.

UBND TP Thủ Đức được giao triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung trên nền tảng GIS dùng chung để quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư và các lĩnh vực khác trên địa bàn thành phố Thủ Đức”.

Với mong muốn tạo thành hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất, xây dựng nền tảng ứng dụng đồng bộ, kết nối, liên thông nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ nhanh chóng cho người dân và doanh nghiệp.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Từ gợi mở của GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, các đại biểu đã tập trung đánh giá hiện trạng dữ liệu không gian địa lý tại TPHCM và kinh nghiệm triển khai nền tảng chia sẻ dữ liệu không gian địa lý tài nguyên môi trường. Cùng với đó, thảo luận và đề xuất giải pháp, mô hình kiến trúc tổng thể, tích hợp chia sẻ dữ liệu hệ thống thông tin địa lý và hệ sinh thái dữ liệu mở, hình thành kho dữ liệu đô thị tập trung trên địa bàn TP Thủ Đức.

Theo ông Bùi Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (Sở TN-MT TPHCM), trên 80% dữ liệu đều có thể là dữ liệu không gian địa lý. Tuy nhiên, thực tế dữ liệu không gian địa lý chưa được chú trọng trong các cơ quan nhà nước.

Ông Bùi Hồng Sơn cũng nhìn nhận, tất cả các dữ liệu đều có giá trị nhưng không phải ai cũng thấy được giá trị hoặc chưa có cơ hội để khai thác giá trị của dữ liệu. Bên cạnh đó, việc thiếu phương pháp luận và giải pháp công nghệ để chia sẻ dữ liệu giữa các bộ phận trong 1 tổ chức và giữa các tổ chức khác nhau. Do đó, cần phải tạo ra nhiều giá trị hơn cho dữ liệu; kiến tạo một mô hình chia sẻ dữ liệu không gian địa lý trong tổ chức và bên ngoài tổ chức một cách nhất quán.

Chia sẻ thêm, ông Sơn cho biết, chúng ta có rất nhiều bản đồ cơ sở dữ liệu do nhiều sở, ban, ngành quản lý. Trong khi đó, hiện dữ liệu không gian địa lý rất rời rạc. TPHCM đang có chiến lược quy tụ những dữ liệu đó về để người dân khai thác.

Ông Sơn cũng cho rằng, vấn đề cốt lõi không phải là công nghệ mà là cơ chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ban, ngành, giữa kho dữ liệu dùng chung của thành phố.

“Thời gian thì không chờ đợi trong khi nhu cầu của người dân và nhu cầu quản lý vẫn đang đợi. Do đó, TP Thủ Đức cần rà soát lại xem nơi nào cần dữ liệu nào để mạnh dạn đẩy mạnh số hoá dữ liệu đó, xây dựng cơ chế dữ liệu dùng chung từ các sở, ban, ngành. Đồng thời, chủ động xây dựng dữ liệu thuộc thẩm quyền của mình để cải thiện được bộ mặt bản đồ của TP Thủ Đức, nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, ông Sơn đề xuất.

Chuyên gia góp ý tại hội thảo

Chuyên gia góp ý tại hội thảo

Ngoài ra, theo ông Sơn, công nghệ phát triển rất nhanh nên TP Thủ Đức có thể chọn công nghệ nào là phù hợp, có thể là công nghệ tiên tiến nhưng không cần quá hiện đại có thể đem lại hiệu quả nhanh. Và quan trọng nhất là sự lan toả. Theo ông, khi có công nghệ, có ứng dụng thì cần có sự lan toả để cùng nhau khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu chúng ta đã đầu tư.

Còn ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp miền Nam, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel, cho rằng nội dung hội thảo với chủ đề nóng, đang rất được quan tâm.

Theo ông, hiện nay TP Thủ Đức nói riêng, TPHCM nói chung đã số hoá rất nhiều, song chúng ta chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung. Do đó, cần đồng bộ dữ liệu lên không gian địa lý.

Sắp tới, TPHCM sẽ có dữ liệu về y tế, giáo dục, TP Thủ Đức phải nhanh chóng đồng bộ, kết nối dữ liệu này. Tuy nhiên, không phải đồng bộ lên các nền tảng mà phải xây dựng các ứng dụng để tất cả người dân đều dùng được dữ liệu này. Ví dụ như khi đi khám chữa bệnh, tất cả người dân chỉ sử dụng một app. Giáo dục cũng vậy, cần làm trục kết nối dữ liệu.

“Hội thảo tầm nhìn rất lớn nhưng khi làm thì làm những việc nhỏ nhỏ, thiết thực, gắn chặt với mục tiêu phục vụ cuộc sống của người dân. Cùng với đó, làm từ những cái đã có sẵn, phát triển mở rộng lên. Mô hình phát triển sáng tạo phải lấy người dân làm trung tâm, người dân được gì từ những việc làm đó”, ông Nguyễn Hữu Tuấn góp ý.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng ghi nhận các ý kiến, hiến kế của chuyên gia. GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng cho biết, UBND TP Thủ Đức đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án và tiếp thu các ý kiến từ hội thảo để tiến hành hoàn thiện nội dung dự thảo Đề án và trình UBND TPHCM xem xét phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục