Trước mắt, các kế hoạch này sẽ được áp dụng tại 2 điểm nóng về kẹt xe trên địa bàn TPHCM là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái. Mọi cố gắng của chính quyền và sở ngành TPHCM mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt.
Công trình hoàn thành, ùn tắc vẫn xảy ra
Theo Sở GTVT, trong tổng số 37 điểm có khả năng ùn tắc giao thông cao và được lên kế hoạch giải quyết từ đầu năm 2017, đến nay có 26 điểm đã cải thiện đáng kể. Trong số những điểm còn lại thì 2 khu vực thường xuyên rơi vào trạng thái xung đột giao thông căng thẳng nhất là khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) và trước cảng Cát Lái (quận 2).
Trung tâm Điều khiển giao thông (thuộc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn) theo dõi các dấu hiệu về khả năng có thể xảy ra ùn ứ, sự cố để thông báo nhanh cho lực lượng chức năng
Tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, đầu tháng 7-2017, các cầu vượt bằng thép qua vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám (quận Gò Vấp) và trước sân bay Tân Sơn Nhất (trên đường Trường Sơn, quận Tân Bình) đã được đưa vào khai thác sớm hơn kế hoạch 2 tháng. Tuy nhiên, sau khi khánh thành, kỳ vọng về khả năng giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông ở khu vực sân bay quốc tế vẫn chưa như mong muốn. Dù đã có cầu vượt nhưng các tuyến đường quanh sân bay vẫn bị ùn tắc trong nhiều giờ. Có hôm, ùn tắc liên tục 4 giờ và hàng ngàn ô tô, xe gắn máy chỉ có thể nhích từng chút một giữa trưa nắng. Nhiều hành khách phải xuống xe kéo va ly chạy bộ vào sân bay vì sợ trễ giờ bay…
Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường nhận xét, khi đưa vào sử dụng 2 cầu vượt trên thì ùn tắc ở khu vực sân bay đã cải thiện. Dù vậy, các công trình này chưa thể góp phần giải quyết triệt để tình trạng kẹt xe ở đây. Bởi lẽ, lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất tăng trưởng nóng, vượt dự báo (dự kiến cuối năm 2017 đạt 36 triệu lượt khách, trong khi theo quy hoạch đến năm 2020, lượt khách qua sân bay chỉ 25 triệu khách).
“Để đảm bảo 25 triệu khách/năm theo quy hoạch đi lại thuận lợi, TPHCM phải đồng bộ đầu tư các công trình giao thông mới kết nối quanh sân bay. Tuy nhiên hiện nay, các dự án mở đường mới, cải tạo đường cũ (22 dự án) vẫn chưa được triển khai; dự án tàu điện ngầm đi qua sân bay đang ở giai đoạn giải phóng mặt bằng, trong khi lượng hành khách thực tế lại cao hơn nhiều. Vì vậy, hiện nay để xử lý triệt để tình trạng ùn tắc ở quanh sân bay Tân Sơn Nhất, trên lý thuyết là không thể mà chỉ có thể kéo giảm”, ông Bùi Xuân Cường bộc bạch.
Kịch bản ngăn ngừa, gỡ rối kẹt xe
Việc “chưa thể xử lý triệt để” như trên cũng xảy ra tại nhiều khu vực khác trên địa bàn TPHCM. Nghĩa là, trong thời gian chờ hoàn thiện các dự án công trình theo quy hoạch, cùng với việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân… thì chưa thể xóa được các điểm nóng về kẹt xe đó. Vì vậy, trong thời gian này, Sở GTVT cùng các đơn vị liên quan đã xây dựng cơ chế để giải quyết nhanh sự cố, tránh ùn tắc lan dây chuyền.
Theo ông Bùi Xuân Cường, cách làm tới đây được thực hiện là lắp đặt camera tại các điểm nóng và xây dựng cơ chế phối hợp với CSGT. Theo đó, khi phát hiện có sự cố hay khả năng ùn tắc có thể xảy ra thì lập tức điều phối lực lượng đến hiện trường xử lý.
Người đứng đầu ngành giao thông TP cũng dẫn chứng về sự cố xảy ra tại cầu vượt Lăng Cha Cả (quận Tân Bình) vào giờ cao điểm buổi chiều của một ngày gần cuối tháng 7-2017. Lúc này, bên dưới cầu, một chiếc xe buýt đụng vào khung giới hạn bảo vệ cầu, còn trên cầu thì xe taxi va chạm với ô tô con. Tuy nhiên, các sự cố này ngay lập tức được phát hiện và CSGT của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt TP (PC67), CSGT quận Tân Bình, Thanh tra giao thông… nhanh chóng có mặt nên chỉ sau 15 phút hiện trường được giải tỏa và ùn tắc không xảy ra.
“Nếu các sự cố này chậm phát hiện và không xử lý kịp thời thì có thể dẫn đến kẹt xe dây chuyền cho cả khu vực. Cho nên, vấn đề ở đây là có cơ chế phối hợp xử lý ngay các điểm ùn tắc, trong khi chờ thực hiện các giải pháp khác. Thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục phối hợp, theo dõi chặt chẽ ở các điểm nóng về kẹt xe, trong đó có khu vực sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Cường nói.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT, cho biết thêm, cơ chế phối hợp này được Sở GTVT áp dụng từ đầu tháng 8-2017. Trước các kết quả bước đầu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã chỉ đạo Sở GTVT xây dựng kế hoạch phối hợp, điều tiết giao thông, lên kịch bản xử lý sự cố tránh kẹt xe lây lan dây chuyền. Dự kiến trong tuần này, Sở GTVT sẽ trình UBND TP kế hoạch phối hợp, điều tiết giao thông để áp dụng trước ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái.
Xây dựng tình huống giả định, phân vai xử lý
Cuối năm 2016, tình hình giao thông trên địa bàn TPHCM trở nên phức tạp ở nhiều nơi. Cơ quan chức năng xác định có 37 điểm nóng. Đó là tại khu vực trung tâm thành phố (6 điểm), khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (6 điểm), khu vực cảng Cát Lái (3 điểm), khu vực cửa ngõ TP (8 điểm) và 14 điểm ở các khu vực khác.
Theo Sở GTVT, từ đầu năm 2017, Sở GTVT đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị triển khai chi tiết để xử lý những điểm nóng trên. Nhưng lần này, Sở GTVT xây dựng kế hoạch với các tình huống giả định như xảy ra tai nạn giao thông (ở nhiều cấp độ), xe chết máy, ngập nước… và lên kịch bản chi tiết để xử lý. Ở 2 điểm nóng cụ thể trên có 2 tổ với thành phần của Sở GTVT như Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm, các đơn vị quản lý địa bàn sân bay và cảng Cát Lái (các khu quản lý giao thông đô thị số 1 và số 2; Đội TTGT số 8 và số 5); CSGT thuộc PC67 (Đội CSGT Tân Sơn Nhất, Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn và Đội CSGT Cát Lái) và địa phương (CSGT các quận Tân Bình, quận 2).
Trong kịch bản này có phân định vai trò cụ thể của từng đơn vị. Trong đó, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn chịu trách nhiệm theo dõi hệ thống camera và phát đi thông tin khi có dấu hiệu ùn ứ hay sự cố. Từ đó, lực lượng chủ lực là CSGT sẽ có mặt ngay tại hiện trường để điều tiết, giải tỏa hiện trường; đồng thời tiến hành phân luồng từ xa, không để dòng xe tiếp tục đổ vào khu vực xảy ra sự cố. Riêng ở cảng Cát Lái, ông Đỗ Diệp Gia Hợp, Phó trưởng Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, cho biết nếu có dấu hiệu ùn ứ, thông tin còn được chuyển tải đến Tân Cảng Cát Lái để đơn vị này điều tiết, tạm thời không cho xe container từ trong cảng ra.