Phòng bệnh mùa nắng nóng ở trẻ em

Những bệnh thường gặp

Thời tiết các tỉnh khu vực phía Nam, nhất là các tỉnh Đông Nam bộ đang mùa nắng nóng.  Mùa nắng nóng, độ ẩm trong không khí khá cao là những điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi… bùng phát. Trẻ em dễ mắc bệnh vì sức đề kháng còn yếu kém, đặc biệt ý thức tự phòng bệnh chưa cao khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài.

Những bệnh thường gặp

1. Tiêu chảy: nhất là tiêu chảy cấp. Mùa nóng là mùa bùng phát và dễ mắc bệnh tiêu chảy là do nắng nóng, thức ăn dễ bị hư thiu; môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy; trẻ hay khát nước nên dễ uống những loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh khi mùa nắng nóng.

2. Ngộ độc thức ăn: Thời tiết nắng nóng, nếu thức ăn không được bảo quản kỹ và việc chế biến không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn ở trẻ em, nhất là môi trường học đường.

3. Nhiễm siêu vi: Mùa nắng nóng cũng là thời điểm làm cho trẻ dễ bị nhiễm siêu vi khiến trẻ bị sốt, phát ban, quấy khóc, nôn ói, ăn uống khó khăn… Hiện có hơn 200 chủng siêu vi được phân lập, tuy nhiên hầu hết đều là siêu vi thông thường ít có hại cho trẻ, bệnh có thể tự khỏi trong 5 - 7 ngày nếu được theo dõi và chăm sóc tốt. Một số siêu vi nguy hiểm có thể gây hại cho trẻ, chúng ta cần phải chú ý để có cách phòng ngừa chủ động bằng các loại vaccine sẵn có như siêu vi cúm, siêu vi sởi, siêu vi gây bệnh thủy đậu, bệnh quai bị, bệnh sốt phát ban Rubella…

4. Viêm não Nhật Bản B: Mùa nắng nóng, theo ghi nhận của các chuyên gia y tế về bệnh truyền nhiễm thì tỷ lệ mắc bệnh viêm não Nhật Bản B ở trẻ em thường tăng cao hơn mùa mưa, là bệnh lý khá nguy hiểm nếu bệnh diễn tiến nặng mà không được phát hiện kịp thời.

5. Bệnh tay chân miệng: Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi, khả năng lây lan rất cao, bệnh liên quan đặc biệt đến vấn đề vệ sinh cá nhân và môi trường. Bệnh nguy hiểm thật sự nếu xuất hiện các biến chứng về thần kinh như run chi, co giật, gồng người, hốt hoảng, lơ mơ… nếu gặp những biểu hiện này phụ huynh nên khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời.

Phòng bệnh bằng cách nào?

Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt: Rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình.

Ăn uống hợp vệ sinh: Việc chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải tuân thủ chặt chẽ quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Tạo môi trường sống trong lành và an toàn: Giữ môi trường sống thông thoáng, trong lành nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết.

Tăng cường lượng dịch uống: Để bồi hoàn lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi nguội… giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và tăng cường sức khỏe để chống chọi với bệnh tật.

Tiêm ngừa đầy đủ: Tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vaccine sẵn có, giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất trong suốt mùa nắng nóng này.

Thạc sĩ - Bác sĩ ĐINH THẠC
(Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM)

Dị ứng trứng gà, có nên chích ngừa cúm?

Một số bạn đọc thắc mắc về việc con em mình bị dị ứng trứng gà (bị nổi ban sau khi ăn trứng gà luộc hoặc chiên), vậy có nên chích ngừa cúm - đặc biệt là vào thời điểm giao mùa - hay không, vì một trong những thành phần của vaccine cúm có chất albumin nằm trong lòng trắng trứng gà.

Theo bác sĩ - Chuyên khoa 1 Phạm Mai Đằng (Bệnh viện Nhi đồng 2), trong quá trình sản xuất vaccine cúm, người ta phải dùng phôi trứng gà để nuôi cấy virus, nên trong thành phần vaccine cúm có protein trứng gà. Tuy nhiên, các cháu bé ăn trứng chín, còn thành phần trứng trong vaccine cúm là trứng gà sống. Bên cạnh đó, khi trẻ bị dị ứng với vaccine cúm thì không phải lòng trắng trứng là thành phần duy nhất, trẻ có thể dị ứng với một trong rất nhiều thành phần khác của vaccine, như: protein còn sót lại, kháng sinh, chất bảo quản, ổn định, phức hợp bất hoạt virus…

Dầu vậy, để an toàn, khi trẻ bị dị ứng với trứng, phụ huynh nên hoãn cho trẻ chích ngừa cúm. Nếu vẫn muốn chích ngừa thì cần theo hướng dẫn của bác sĩ, để có kế hoạch chủng ngừa an toàn và hiệu quả. Tình trạng dị ứng trứng của trẻ có thể giảm dần theo tuổi. Do đó, phụ huynh có thể đợi khi nào bé hết dị ứng để tiêm phòng vaccine cúm cũng được.

N.NGỌC

Tin cùng chuyên mục