Tiểu đường đang ngày càng trở thành gánh nặng về kinh tế xã hội, làm giảm chất lượng cuộc sống. Tiểu đường type 2 chiếm đa số, là căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được.
Tiểu đường đang được xem là đại dịch toàn cầu, có dấu hiệu gia tăng từng ngày và trở thành mối hiểm họa đe dọa tính mạng hàng trăm triệu người trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2010 dân số thế giới có đến 6,6% mắc bệnh tiểu đường và 7,9% rối loạn dung nạp đường. Tại Việt Nam, năm 2002 chỉ có 2,7% người mắc nhưng đến năm 2012 là 5,7% người mắc tiểu đường và 12,8% rối loạn dung nạp đường. Như vậy, sau 10 năm, bệnh tiểu đường tại Việt Nam có tốc độ gia tăng cực nhanh so với trung bình của thế giới.
Các loại tiểu đường
Tiểu đường type 1: thường gặp ở người trẻ tuổi do tuyến tụy không sản xuất insulin được. Biểu hiện bệnh khá “rầm rộ” với ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều và nhanh, mệt mỏi.
Tiểu đường type 2: thường gặp nhất (>90%), bệnh có liên quan di truyền, thừa cân – béo phì, ít vận động... Bệnh thường tiến triển thầm lặng, tình cờ phát hiện bệnh do khám sức khỏe hay vì biến chứng của cao huyết áp, mờ mắt, vết thương lâu lành...
Các yếu tố nguy cơ tiểu đường type 2:
- Thừa cân, béo phì (BMI ≥ 23).
- Tăng huyết áp ( ≥140/90mmHg).
- Trong gia đình có người thân mắc bệnh tiểu đường.
- Phụ nữ sinh con ≥4kg hoặc ≤2,5 kg.
- Được chẩn đoán rối loạn dung nạp đường.
- Được chẩn đoán rối loạn chuyển hóa lipid.
- Người gốc Châu Á, Châu Phi sống ở các nước công nghiệp phát triển hoặc dân cư có sự thay đổi nhanh chóng lối sống như chế độ dinh dưỡng dư thừa, ít vận động.
Tiểu đường thai kỳ: tình trạng rối loạn đường huyết khi mang thai, thường phát hiện từ tháng thứ 4 của thai kỳ. Bệnh thường khỏi sau khi sinh con, nhưng cũng có thể phát triển thành tiểu đường type 2 sau 10-15 năm.
Tiểu đường thứ phát: hiếm gặp, thường do tổn thương tụy hoặc do sử dụng thuốc.
Tiền tiểu đường
Biện pháp điều trị chính yếu của tiền tiểu đường là giảm cân và tăng cường vận động thể lực. |
Lượng glucose (đường) bình thường trong máu khi đói (nhịn ăn ít nhất là 8 giờ) từ 70-100mg/dL; bệnh tiểu đường được chẩn đoán khi lượng glucose trong máu khi đói cao hơn 126mg/dL. Khi lượng glucose trong máu khi đói từ 100-125mg/dL thì bạn bị rối loạn dung nạp đường hay còn gọi là tiền tiểu đường, có nghĩa lượng glucose trong máu cao hơn mức bình thường nhưng chưa đến mức để chẩn đoán là bệnh tiểu đường. Hầu hết người bệnh tiểu đường type 2 đều trải qua giai đoạn tiền tiểu đường.
Có thể ngăn chặn tiểu đường type 2
Tiền tiểu đường không gây ra bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng gì. Cách duy nhất để có thể xác định là xét nghiệm máu, thử lượng glucose trong máu lúc đói. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ như quá cân, ít vận động thể lực, lớn hơn 50 tuổi, tiền căn trong gia đình có người bị tiểu đường type 2, phụ nữ từng bị tiểu đường thai kỳ... thì nên xét nghiệm đường máu định kỳ và cần sự tư vấn của bác sĩ.
Tiểu đường được định nghĩa là tình trạng rối loạn chuyển hóa gây tăng đường huyết mẠn tính do thiếu hụt hoặc giảm hoạt động của insulin. |
Tiền tiểu đường là một dấu hiệu cho biết bạn đang có nguy cơ rất cao sẽ bị tiểu đường type 2. Đã có các nghiên cứu chứng minh rằng sự tiến triển đến bệnh tiểu đường type 2 có thể bị trì hoãn hay được ngăn ngừa vĩnh viễn nếu việc chữa trị được tiến hành ngay từ khi bị tiền tiểu đường.
Biện pháp điều trị chính yếu của tiền tiểu đường là giảm cân và tăng cường vận động thể lực. Chỉ cần giảm được 10% trọng lượng cơ thể thì đã đủ để ổn định được lượng glucose trong máu cùng với một chương trình luyện tập thể dục trung bình mỗi lần 30 phút, 3-4 lần một tuần. Điều này còn giúp cải thiện các vấn đề sức khỏe khác như tăng huyết áp, tăng cholesterol, các bệnh lý xương khớp…
Việc thay đổi lối sống bao gồm giảm cân và tăng vận động thể lực là có thể ngăn ngừa hay làm chậm tiến trình xuất hiện bệnh tiểu đường type 2. Giảm cân bằng cách xây dựng chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng và cân đối các thành phần dinh dưỡng, hạn chế các thức ăn làm tăng đường huyết nhanh như đường, bánh ngọt, kẹo mứt, cơm…; tăng cường các thức ăn giúp làm chậm hấp thụ đường như rau, củ, quả…; phân bố bữa ăn hợp lý, ăn đủ bữa, không bỏ bữa sáng.
BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt
Thành viên HĐQT Công ty NutiFood
*****
Món ngon cho bệnh nhân tiểu đường
Cá thu kho cà
* Nguyên liệu
- Cá thu 500g
- Cà chua chín 2 trái
- Dừa xiêm 1 trái
- Hành lá, tỏi
- Đường, muối, nước mắm, tiêu, dầu ăn
* Cách làm
- Cá làm sạch, khứa từng khứa dày, để ráo.
- Hành lá lặt rửa sạch, đầu hành giã nhuyễn, lá cắt khúc ngắn.
- Tỏi băm nhuyễn.
- Cà chua cắt múi xào qua.
- Dừa chặt lấy nước.
- Uớp cá với tiêu, tỏi băm, đầu hành giã, nước mắm.
- Bắc nồi lên bếp cho 2 muỗng dầu với 1 muỗng canh đường thắng cho có màu vàng cho cá vào thêm tiêu, đường, nước mắm, nước dừa và ít nước kho với lửa riu riu. Cá gần chín cho cà chua vào kho thêm một chút, nêm lại vừa ăn, thêm hành. Cá chín có màu vàng nhắc xuống.
- Cho cá ra dĩa, thêm tiêu.
Miến xào thập cẩm
* Nguyên liệu
- Miến 200g
- Thịt heo nạc 100g
- Tôm tươi 100g
- Cà rốt 1 củ nhỏ
- Giá 200g
- Hành tây 1 củ
- Ớt xanh Đà Lạt 1 quả
- Ớt sừng 1 quả
- Tỏi, ớt, đường, nước tương, dầu ăn
* Cách làm
- Miến trụng qua nước sôi, xả lại nước lạnh để ráo, cho vài giọt dầu ăn, xóc đều.
- Thịt luộc chín cắt sợi.
- Tôm luộc chín, bóc bỏ vỏ.
- Cà rốt, ớt sừng cắt sợi.
- Giá rửa sạch, để ráo.
- Ớt xanh Đà Lạt rửa sạch, cắt miếng mỏng.
- Hành tây cắt múi, tỏi băm nhuyễn.
- Bắc chảo phi hành tỏi thơm, xào cà rốt, rồi ớt xanh Đà Lạt, hành tây cho vừa chín. Cho giá và ớt sừng cắt sợi vào, miến trộn đều, cho thịt, tôm trộn đều, nêm vừa ăn, cho ra dĩa. Dùng với nước tương hoặc nước mắm pha.
*****
- Thông tin liên quan:
>> Chăm sóc người bệnh tiểu đường