(SGGPO).- Chiều 12-9, ông Hồ Kỳ Minh, PCT UBND TP Đà Nẵng tổ chức cuộc họp khẩn với các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4.
Tại cuộc họp, PCT UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền của thành phố, đồng thời phối hợp với các địa phương và Cảnh sát giao thông đường thủy, Chi cục Thủy sản thành phố tổ chức di dời tàu thuyền trên sông Hàn vào khu tránh bão Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang; nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu trên sông Hàn và hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu trên sông Hàn.
Bộ Chỉ huy BĐBP TP và Đài thông tin Duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh; thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, tìm nơi trú ẩn an toàn; yêu cầu phải liên lạc được với tất cả các tàu, thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển, đặc biệt là các phương tiện đang hoạt động trong khu vực Bắc Hoàng Sa, Tây Hoàng Sa, vùng biển Quảng Trị đến Đà Nẵng, ven bờ Đà Nẵng và Bình Định.
Cho phép học sinh trên toàn thành phố được nghỉ học bắt đầu từ sáng ngày 13-9-2016; và Giám đốc Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm treo dõi diễn biến mưa bão, quyết định thời điểm phù hợp cho học sinh đi học lại và báo cáo kết quả về UBND thành phố.
Các sở, ban, ngành quận huyện tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 10-5-2016 của Chủ tịch UBND thành phố về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016 và các công điện ứng phó với ATNĐ của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai– Tìm kiếm cứu nạn thành phố; khẩn trương triển khai phương án ứng phó ATNĐ, sơ tán đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
UBND quận huyện ven biển thông báo, yêu cầu các chủ phương tiện neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định, khẩn trương tổ chức kéo tàu thuyền nhỏ, thuyền thúng lên bờ; triển khai phương án phòng chống bão, ATNĐ; triển khai phương án sơ tán nhân dân các khu vực không đảm bảo an toàn, các khu dân cư nguy hiểm khi có bão, ATNĐ, mưa lớn, đến nơi an toàn; tổ chức chằng chống nhà cửa, nhất là các trạm chờ tái định cư; chuẩn bị lương thực, nước uống phòng mưa bão theo phương châm "4 tại chỗ"; chuẩn bị lực lượng phương tiện sẵn sàng sơ tán nhân dân và cứu nạn kịp thời ở các khu vực nguy hiểm. Sở Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng triển khai vận hành các trạm bơm chống ngập úng trên địa bàn thành phố. Sở Y tế sẵn sàng phương án cấp cứu nạn nhân và phương án cấp cứu lưu động. Chủ trì phối hợp Sở Tài nguyên – Môi trường chủ động xử lý môi trường sau thiên tai.
Ngư dân quận Sơn Trà (TPĐà Nẵng ) di chuyển tàu thuyền lên bờ trú bão.
Ảnh: Nguyên Khôi
Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, UBND các quận huyện và các Sở liên quan đến công tác xây dựng cần chỉ đạo các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khẩn trương tổ chức phòng, chống cho các công trình xây dựng; tổ chức rong tỉa cành cây có nguy cơ ngã đổ; triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng do mưa lớn cho các khui dân cư do công trình đang thi công dở dang.
Sở Du lịch yêu cầu các doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch triển khai phương án phòng chống lụt bão, phương án đảm bảo tính mạng an toàn cho du khách.
UBND Huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu và Công ty TNHH MTV khai thác Thủy lợi Đà Nẵng triển khai phương án phòng chống lụt bão hồ chứa, tổ chức trực 24/24h trên hồ chứa, đảm bảo thông tin liên lạc với địa phương, sẵn sàng ứng cứu hồ chưa và sơ tán nhân dân ở hạ du.
Công an thành phố, Sở GTVT triển khai công tác chốt chặn, không cho các phương tiện lưu thông trong gió bão, ATNĐ, vùng ngập.
Đề nghị các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn thành phố triển khai phương án ứng cứu, giúp đỡ nhân dân; Điện lực Đà Nẵng có phương án đảm bảo an toàn điện trong thời gian có bão, ATNĐ và nhanh chóng tổ chức khắc phục sự cố điện sao bão, NTNĐ; các cơ quan thông tin báo chí tăng cường phát tin để các các cơ quan, nhân dân biết, chủ động đối phó.
Phó Chủ tịch đồng thời yêu cầu các quận, huyện, các sở ban ngành nghiêm túc tổ chức trực ban 24/24 giờ, liên lạc thường xuyên với Ban Chỉ huy PCTT - TKCN thành phố, báo cáo UBND thành phố và theo dõi các bản tin khí tượng thủy văn để đảm bảo chủ động đối phó với ATNĐ này.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, tính đến 10h ngày 12-9-2016, Đà Nẵng có 1.538 phương tiện/6517 lao động. Trong đó: số phương tiện còn hoạt động trên biển là 161 phương tiện/1.332 lao động. Tất cả phương tiện này đều đã biết được vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ, chưa có thông tin gì về thiệt hại do ATNĐ gây ra.
Nguyên Khôi
>> Đêm nay bão vào vùng biển Quảng Nam-Bình Định