Phòng chống cháy rừng ở Đà Nẵng: Tăng cường phòng chống, nỗ lực chữa cháy kịp thời

Đốt xử lý thực bì hay đốt lửa cắm trại là hoạt động tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng. Vì vậy, tại TP Đà Nẵng, lực lượng địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân và chủ rừng có hướng xử lý đúng cách, tổ chức lực lượng ứng trực để hạn chế những trường hợp cháy rừng đáng tiếc.
Lực lượng kiểm lâm huyện Hòa Vang trao đổi thông tin về thời tiết nắng nóng thất thường đối với chủ rừng trong những ngày tới. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Lực lượng kiểm lâm huyện Hòa Vang trao đổi thông tin về thời tiết nắng nóng thất thường đối với chủ rừng trong những ngày tới. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Cảnh giác với giặc lửa

Khu vực rừng phòng hộ thôn Phú Túc (xã Hoà Phú, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng) là một trong những điểm nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng trong mùa nắng nóng. Nhận thức rõ về những nguy cơ cháy rừng, ông Võ Sơ, người dân trú thôn Phú Hải (xã Hoà Phú, huyện Hoà Vang) cho biết, gia đình ông đang trồng 16ha cây keo lá tràm vì vậy ông khá cẩn thận khi đến giai đoạn đốt thực bì, nhất là thời điểm nắng nóng.

“Trước khi thực hiện, chúng tôi thông báo với UBND xã Hòa Phú, cán bộ kiểm lâm trên địa bàn để họ nắm thông tin. Sau khi được chấp nhận, khi đến đợt, kiểm lâm địa bàn thông báo qua zalo thì chúng tôi mới thực hiện. Khi đốt thực bì, chúng tôi phân định ranh giới từ 6m-10m để đảm bảo và sẽ có sự kiểm tra đã dập tàn lửa đúng cách sau khi thực hiện”, ông Sơ cho biết.

Nhân viên kiểm lâm huyện Hòa Vang cùng thành viên tổ phản ứng nhanh về phòng chống cháy rừng đi thực tế khu vực bìa rừng tại xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang). Ảnh: XUÂN QUỲNH

Nhân viên kiểm lâm huyện Hòa Vang cùng thành viên tổ phản ứng nhanh về phòng chống cháy rừng đi thực tế khu vực bìa rừng tại xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang). Ảnh: XUÂN QUỲNH

Những ngày này, nắng nóng kéo dài khiến những cánh rừng tại đây có nhiều cỏ khô, lau sậy dễ gây ra cháy. Là thành viên tổ phản ứng nhanh về phòng chống cháy rừng xã Hoà Phú, ông Nguyễn Tiến Hạnh kể rằng, bản thân ông thường xuyên đi dọc ở các vị trí xung yếu, đường mòn vào rừng để phát hiện các khu vực dễ phát lửa; ngăn chặn hành vi đốt thực bì chưa xin phép; thông tin nhanh đến lực lượng chức năng khi có sự cố cháy rừng. Không chỉ vậy, khi có sự cố cháy rừng, ông vận động nhân công tại chỗ kịp thời phát ranh cản lửa, sau đó thông báo lực lượng chức năng để nhanh chóng có đội chuyên trách đến dập lửa.

“Điều quan trọng của những tổ phản ứng nhanh chính là xác định rõ vị trí đám cháy và là người dẫn đường giúp lực lượng chức năng tìm đến đám cháy một cách nhanh nhất. Vì là người địa phương nên tôi cũng là một trong thành viên tuyên truyền về phòng chống cháy rừng cho người dân qua các cuộc họp, loa truyền thanh,…”, ông Hạnh nói.

Tổ chức ứng trực

Ngay từ đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm huyện Hoà Vang đã phối hợp với UBND các xã có rừng thực hiện nghiêm công tác phòng cháy chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”.

Lực lượng kiểm lâm huyện Hoà Vang dùng máy thổi gió hút thực bì hạn chế cháy rừng xảy ra

Lực lượng kiểm lâm huyện Hoà Vang dùng máy thổi gió hút thực bì hạn chế cháy rừng xảy ra

Ông Lê Đình Thám, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoà Vang cho biết, huyện Hoà Vang có hơn 50.000ha rừng, chiếm 2/3 diện tích rừng của TP Đà Nẵng. Trước tình hình nắng nóng gay gắt liên tục diễn ra, đơn vị phân công lực lượng trực 24/24 giờ, tăng cường tuyên truyền lưu động cho người dân, nhất là việc xử lý thực bì trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp.

Ngoài ra, đơn vị cũng đã đầu tư trang bị chữa cháy như máy thổi, máy cưa, bàn dập lửa, rựa cán dài. Đồng thời, sửa chữa các đường mòn vào rừng, phát quang các khu vực dễ phát lửa, làm các bảng tuyên truyền bảo vệ rừng, cấm lửa.

“Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, chúng tôi tham mưu UBND huyện Hoà Vang chỉ đạo UBND các xã và các chủ rừng phải có lực lượng ứng trực 100%”, ông Thám nhấn mạnh.

Tại Bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà), việc tổ chức ăn uống, đốt lửa cắm trại qua đêm là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cháy rừng.

Nếu không dập tàn lửa hẳn thì đó là một trong nguyên nhân dễ xảy ra cháy. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Nếu không dập tàn lửa hẳn thì đó là một trong nguyên nhân dễ xảy ra cháy. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Ngô Trường Chinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho biết, sau Tết 2023, lực lượng kiểm lâm phối hợp với UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) thực hiện tuyên truyền đến các tổ dân cư có rừng; tổ chức cho các hộ gia đình, cá nhân và đơn vị có hoạt động ở trong rừng, gần rừng và ven rừng ký cam kết chấp hành nghiêm quy định phòng cháy chữa cháy trong quá trình sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc thường xuyên phát bản tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng trong những ngày tới, trên tất cả các tuyến đường của Sơn Trà đều có số điện thoại của cơ quan chức năng để người dân, du khách có thể tiếp cận thông tin và thông báo ngay đến cơ quan chức năng khi có cháy.

Không chỉ vậy, đơn vị cũng tham mưu Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng ký hợp đồng thành lập đội phản ứng nhanh đóng quân trên địa bàn quận Sơn Trà với 6 thành viên. Đội phản ứng nhanh này sẽ thực hiện nhiệm vụ 6 tháng mùa khô cao điểm hằng năm (từ tháng 4 đến tháng 9). Đây cũng là lực lượng ứng trực cao điểm nắng nóng, nhất là thời gian lễ- thời điểm Sơn Trà đón rất đông lượng du khách đến tham quan, du lịch.

“Mới đây, đơn vị đã tổ chức thực tập một tình huống xảy ra cháy ở khu vực hồ xanh của Sơn Trà. Qua đó sẽ rút kinh nghiệm trong việc huy động lực lượng, sử dụng thiết bị chữa cháy khi có tin báo cháy”, ông Chinh thông tin.

Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn lập tổ ứng trực về phòng chống cháy rừng thường xuyên đi xuyên rừng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn lập tổ ứng trực về phòng chống cháy rừng thường xuyên đi xuyên rừng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Từ đầu năm đến nay, TP Đà Nẵng chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi Cục kiểm lâm TP Đà Nẵng nhìn nhận, từ đầu mùa khô, lực lượng kiểm lâm các địa phương đã phối hợp với UBND các phường, xã có rừng rà soát công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ. Chi Cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng cũng thành lập Đội phản ứng nhanh phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn với 40 người chia làm 3 tổ công tác hoạt động trên địa bàn trọng điểm. Cụ thể như, rừng Nam Hải Vân, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Những khu rừng này ở sát khu dân cư, có các khu du lịch do đó dễ xảy ra cháy rừng.

“Quan điểm của đơn vị vẫn là "phòng là chính, chữa cháy là phải kịp thời". Chúng tôi đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra các hoạt động trong rừng để sớm phát hiện những nơi có thể gây cháy rừng. Ngoài lực lượng của kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn chính là lực lượng nòng cốt tham mưu cho tổ, đội phản ứng nhanh, tổ phòng cháy chữa cháy rừng ở địa phương nếu có cháy rừng xảy ra lực lượng tại chỗ có mặt kịp thời”, ông Hùng cho hay.

Tin cùng chuyên mục