“Nhiệm vụ của đội chúng ta hôm nay là tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 tại khu vực Bãi Ngự - nơi có nhiều tàu cá neo đậu”. Sau tiếng hô “Rõ”, toàn đội nhanh chóng triển khai đội hình thành 2 tổ, lên đường…
Ngăn chặn từ xa
Khu vực Bãi Ngự mà đội của Trung úy Nguyễn Văn Tâm hôm nay đi tuần là nơi trú ngụ, neo đậu của hàng chục tàu cá từ khắp vùng biển tụ về. Cùng với đó là những hàng quán buôn bán phục vụ ngư dân, du khách đến tắm biển…, càng làm cho tình hình thêm phức tạp, khó khăn cho công tác quản lý, tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19.
Trung úy Nguyễn Văn Tâm bộc bạch với phóng viên, dù trời nắng hay mưa dông, bão gió gì, anh em đều phải đi tuần tra, rồi cắm chốt, theo tàu ngư dân ra biển kiểm tra, giám sát lượng tàu cá, tàu buôn các nơi và cả tàu nước ngoài ghé vào đảo tránh bão, tiếp tế xăng dầu. Lơi lỏng một chút là nguy cơ dịch Covid-19 lây lan ra đảo ngay.
Cũng theo Trung úy Nguyễn Văn Tâm, quần đảo Nam Du có 21 đảo, hơn 6.000 dân sinh sống chủ yếu trên 2 đảo thuộc xã An Sơn và Nam Du. Người dân sống chủ yếu bằng nghề đi biển, nay đây mai đó, sang tận vùng biển tiếp giáp với các nước láng giềng nên nguy cơ lây mắc Covid-19 rất lớn. Nhưng cũng chính những ngư dân này thường xuyên chia sẻ thông tin với lực lượng biên phòng. Có thông tin về tàu lạ, người lạ là ngư dân thông báo ngay cho các lực lượng trên đảo phối hợp kiểm tra, ngăn chặn kịp thời.
Tại đảo Hòn Khoai, chúng tôi gặp Đại úy Nguyễn Minh Mạng, Trạm trưởng rada 595, Vùng 5 Hải quân khi anh đang cùng đồng đội tuần tra trên đoạn đường dốc dài hơn 2km từ cầu cảng qua khu vực Đồn Biên phòng Hòn Khoai về tới trạm. Đảo không có dân sinh sống, cách xa đất liền hơn 70 hải lý, tàu bè qua lại tấp nập, nguy cơ ngư dân, thủy thủ tàu nước ngoài xâm nhập đảo rất cao.
Vì vậy, công tác tuần tra, nắm địa bàn, dựa vào tàu cá và ngư dân trên biển để kiểm soát tình hình được Trạm rada 595 và các lực lượng đóng quân trên đảo phối hợp thực hiện tốt. Cụ thể, khoảng 1 năm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, chưa có trường hợp người lạ, tàu lạ nào xâm nhập lên đảo mà không bị phát hiện, xử lý. Điều này góp phần quan trọng giữ được sự bình yên, an toàn cho các lực lượng đóng quân trên đảo an tâm thực hiện nhiệm vụ.
Cũng với phương châm ngăn chặn từ xa, trên các đảo Thổ Chu, Hòn Chuối, Hòn Đốc… tình hình luôn được giữ vững, gạt bỏ nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 từ biển xa vào đảo, bảo đảm cho đời sống, sinh hoạt và công tác của nhân dân cùng các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ đảo, giữ vững chủ quyền trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc. Trong đó, khu vực vùng biển quần đảo Hải Tặc - Hòn Đốc có hơn 1.000 dân sinh sống và chỉ cách nước bạn Campuchia hơn 1 hải lý, trong suốt năm qua vẫn nỗ lực giữ được bình yên trước dịch Covid-19.
Gắn kết quân - dân cùng vượt khó
Đặt chân lên một số đảo thuộc vùng biển Tây Nam, hình ảnh đầu tiên gây chú ý là chiếc lồng to được làm bằng lưới kẽm uốn gập theo hình thù con cá biển, với tấm bảng bên ngoài ghi dòng chữ: “Mô hình cá biển xin rác tiếp sức em đến trường”. Còn tại đảo Hòn Chuối, đầu con đường dốc dẫn lên Đồn Biên phòng Hòn Chuối có một nhà lồng nhỏ, lợp tôn, sơn màu xanh, trắng bên ngoài có tấm bảng đỏ ghi dòng chữ: “Mô hình ngôi nhà 100 đồng”.
Đây là sáng kiến và cách làm của cán bộ, chiến sĩ biên phòng trên các đảo gây quỹ chăm lo việc học, bữa ăn, nếp nhà cho người dân trên đảo trong điều kiện cách trở đi lại do dịch Covid-19, không có tàu ra cung cấp hàng hóa, lương thực, thực phẩm.
Theo Đại úy chuyên nghiệp Trần Bình Phục, Đồn Biên phòng đảo Hòn Chuối, “Ngôi nhà 100 đồng” tiếp nhận đủ thứ, từ ký gạo, tấm áo, con cá, ký thịt, bó rau, đến những khoản tiền từ vài ba trăm ngàn đồng góp lại để chăm lo cho đời sống của 42 hộ dân trên đảo. Nhà nào hết gạo ăn, đứt bữa, nhà nào không đủ bữa sáng cho các em đến trường, mái nhà hộ nào xiêu vẹo, hở vách, mưa dột… đều được anh em trong đồn và các lực lượng trên đảo đến hỗ trợ, bất kể mưa dông, bão gió, đêm tối.
Hình ảnh những chiến sĩ biên phòng, hải quân trong đêm tối, mưa gió, lần dò trên từng bậc đá dốc đứng, đến từng căn nhà nằm cheo leo bên vách đá giữa con sóng gầm, gió rít để hỏi thăm, động viên giúp đỡ người dân, càng làm ấm lòng giữa cuộc sống khó nhọc nơi đảo xa.
Một hình ảnh khác thắm tình quân - dân được nhiều người dân trên đảo Thổ Chu, xã Thổ Châu, TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) kể lại với phóng viên trong những ngày ngăn cách với đất liền vì dịch Covid-19 và bão gió, khi những chiến sĩ của Trung đoàn 152 hàng ngày chia nhau đến thăm, động viên, cùng ăn, cùng ở tại các gia đình khó khăn, neo đơn, bệnh tật. Từ việc nấu ăn, dọn dẹp, lau chùi nhà cửa đến chăm bón từng muỗng cơm, chén nước cho những người già, em nhỏ là các anh làm.
Chị Diệu Hà bày tỏ: “Các anh em không quản đêm hôm, mưa gió, hễ nhà nào khó khăn là có mặt. Những ngày dông tháng gió, cách ly hoàn toàn với đất liền giữa đại dịch, chính những người lính bộ đội Cụ Hồ đã tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho người dân trên đảo vững tâm vượt qua khó khăn”.
Vùng biển đảo Tây Nam trải rộng trên diện tích hàng ngàn kilômét vuông, tiếp giáp với vùng biển của nhiều nước trong khu vực - nơi đó có hàng ngàn người dân, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng sinh sống, làm nhiệm vụ trên các hòn đảo tiền tiêu: Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du, Hòn Đốc. Giữa bão tố, dịch Covid-19, những con người kiên gan ấy vẫn đứng vững, cùng nắm tay nhau giữ sự bình yên, an toàn để bảo vệ vững chắc vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc nơi cuối trời Tây Nam.
Chúng tôi thường xuyên nắm bắt được thông tin hoạt động của tàu thuyền trên biển và tình hình dịch bệnh để có biện pháp đối phó kịp thời. Các lực lượng làm nhiệm vụ trên các đảo cũng có nhiều hỗ trợ người dân về đời sống, sinh hoạt và những khó khăn để bà con yên tâm bám biển, bám đảo, phòng chống dịch Covid-19 cũng như giữ vững sự bình yên, bảo vệ vững chắc chủ quyền trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Đặc biệt là thời gian qua, các lực lượng làm nhiệm vụ trên các đảo đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều trường hợp là lao động người Việt Nam từ các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia vượt biển về Việt Nam tới vùng biển quốc tế gọi điện cho người thân ở Cà Mau, Kiên Giang thuê tàu cá ra đón về. Trong tháng 1 vừa qua, lực lượng trên các đảo đã phát hiện, bắt giữ hàng chục người vượt biển trái phép về Việt Nam, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 cho đất liền Đại tá NGUYỄN HỮU THOAN, Phó Chính ủy Vùng 5 Hải quân |