Phòng chống lụt bão, cháy rừng ở TPHCM: Không thể chủ quan

Phòng chống lụt bão, cháy rừng ở TPHCM: Không thể chủ quan

Phòng chống lụt bão (PCLB), tìm kiếm cứu nạn, cháy rừng là vấn đề ngày càng trở nên quan trọng đối với TPHCM, đô thị có dân số nhiều nhất cả nước.

Những kịch bản có thể xảy ra

Dù không nằm trong khu vực thường gặp nhiều bão lũ như khu vực ven biển Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ nhưng trước diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, xu hướng bão lũ ngày càng dịch chuyển vào các tỉnh phía Nam như năm 1997, 2006, 2007 mà huyện biển Cần Giờ đã từng gặp phải, người dân xã đảo Thạnh An phải di tản vào đất liền để tránh bão. TPHCM là vùng hạ du của nhiều con sông lớn như Đồng Nai, Sài Gòn mà trên đó nhiều công trình thủy điện và thủy lợi được xây dựng như Trị An, Thác Mơ, Dầu Tiếng… Có người ví, đây là những “túi nước khổng lồ” có thể gây ra những sự tàn phá và thiệt hại bất ngờ.

Bão Durian tàn phá Cần Giờ.

Bão Durian tàn phá Cần Giờ.

Một trong những lo ngại của lãnh đạo TPHCM chính là tổ hợp bất lợi có thể cùng lúc xảy ra, đó là bão lũ xảy ra ở vùng Đông Nam bộ, mưa lớn tại chỗ và xuất hiện vào thời điểm triều cường cao. 3 yếu tố này không loại trừ có lúc sẽ xảy ra, bởi khuynh hướng của bão lũ là càng về cuối năm càng di chuyển về phía Nam, lượng nước về các hồ sẽ nhiều hơn nên khả năng xả lũ đổ về phía hạ du TPHCM là rất lớn. Nếu mưa tại chỗ với lưu lượng lớn (điều này về cuối mùa mưa cũng hay xảy ra, năm 2010 có 82/168 trận mưa gây ngập) xảy ra vào thời điểm bão vùng thượng lưu cộng với triều cường về cuối năm ngày càng cao qua từng năm. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm, bởi dù đã cố gắng rất nhiều nhưng vấn đề giải quyết ngập ở TPHCM vẫn là bài toán nan giải. Nếu chủ quan trước diễn biến của thời tiết và thiên tai sẽ gây ra những hậu quả khó lường ở một TP trên 8 triệu người. Do vậy, ngay từ đầu những năm 2000, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP đã xây dựng bản đồ ngập lụt để có những phương án phù hợp khi xảy ra sự cố.

Nhưng chính sạt lở, triều cường mới ngày càng đe dọa đến cuộc sống và sự an toàn của người dân TP. Năm 2010 xảy ra 5 vụ sạt lở tại huyện Nhà Bè, Củ Chi, quận Thủ Đức và Bình Thạnh làm 11 căn nhà bị sụp xuống sông. Dù không gây thiệt hại về người nhưng đe dọa đến sự an toàn của người dân, trong quá khứ đã từng gây ra nhiều vụ chết người vì sạt lở. Những điểm nóng về sạt lở của TPHCM không bị thu hẹp mà có khuynh hướng lan rộng. Nếu trước đây tập trung nhiều ở bán đảo Thanh Đa, Thủ Đức thì nay xuất hiện thường xuyên hơn ở huyện Nhà Bè, Củ Chi và điểm nóng khác là Cần Giờ, nhưng do khu vực này dân cư thưa nên ít được chú ý so với khu vực khác. Năm 2010 xảy ra 5 đợt triều cường, trong đó đợt triều cường đầu tháng 11 với đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An (quận 1) là 1,55m, vượt mức báo động III 0,5m, gây vỡ 11 đoạn bờ bao tại quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức. Điều quan tâm là xu hướng đỉnh triều cường tăng dần qua từng năm làm cho việc úng ngập cục bộ xảy ra và bị động trong phòng chống.

Cháy rừng - đã từng xảy ra

Hơn 18,5% diện tích tự nhiên TPHCM là rừng, đất rừng và cây lâm nghiệp phân tán với 41.634 ha. Điều may mắn là phần lớn diện tích rừng của TPHCM tập trung ở huyện Cần Giờ lại là rừng ngập mặn nên ít phải lo cháy rừng nhờ chế độ bán nhật triều xảy ra hàng ngày. Nhưng trên địa bàn 19 xã, phường ở các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và quận 9 dù diện tích chưa phải là quá lớn nhưng cũng lên đến 11.726ha, trong đó, diện tích rừng là 1.662ha, 2.600ha cao su.

Đây lại là vùng trọng điểm về nguy cơ cháy rất cao, đặc biệt là cây phân tán 4.782ha xen cài với đồng cỏ và 2.644ha mía, trên địa bàn 19 xã, phường trong vùng trọng điểm luôn có nguy cơ gây cháy do chủ sở hữu diện tích cây phân tán chưa quan tâm đúng mức trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống cháy lan, gây khó khăn cho việc quản lý và phòng chống chữa cháy. Dù năm 2010 không xảy ra vụ cháy nào nhưng những năm trước đã từng xảy ra nhiều lần ở Bình Chánh, Hóc Môn… Nhưng điều khó khăn khác là phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại một số đơn vị chủ rừng tuy có đầu tư nhưng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nhất là máy bơm chữa cháy chuyên dùng. Phó Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP cho biết, TP vẫn còn thiếu thiết bị cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng như thiết bị dò tìm quan sát trong đống đổ nát, trong lòng đất, máy đo nồng độ phóng xạ, chống nhiễm xạ…

Phát biểu tại cuộc họp triển khai công tác PCLB, tìm kiếm cứu nạn và cháy rừng TPHCM năm 2011, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh các ngành, các cấp không được chủ quan, cần đề cao cảnh giác, luôn chủ động ứng phó các sự cố có thể xảy ra. Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP kiêm Trưởng ban Chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn TPHCM Nguyễn Trung Tín cho rằng, PCLB tìm kiếm cứu nạn và phòng chống cháy rừng là nhiệm vụ rất quan trọng của TP. TP giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập xây dựng kế hoạch cụ thể chương trình trọng điểm giảm ngập giai đoạn 2011-2015 (bao gồm chống ngập, thoát nước nội thị và ngoại thành); hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống hồ điều tiết nước, năm nay xây dựng trước 1-2 hồ để rút kinh nghiệm về kỹ thuật và tích nước; phối hợp các sở áp dụng công nghệ mới trong xây dựng hệ thống thoát nước, bảo vệ bờ sông như đê, kè, bờ bao…

Sở Giao thông Vận tải khảo sát và kiểm tra khu vực có nguy cơ bị sạt lở, phân loại mức độ để ưu tiên xử lý. Thường trực Ban Chỉ huy PCLBTP cần kiểm tra, rà soát các tiêu chí thiết yếu để đầu tư, xây dựng TP an toàn trước thiên tai ngay từ năm nay. Dựa vào cộng đồng để thực hiện đề án nâng cao nhận thức người dân và quản lý rủi ro thiên tai. Đầu tư trang bị bổ sung phương tiện, thiết bị tìm kiếm cứu nạn đảm bảo khả năng huy động ứng cứu. Bảo vệ và phòng chống cháy rừng, nêu cao vai trò trách nhiệm chủ rừng, đồng thời quan tâm chăm lo đời sống những hộ nhận khoán giữ rừng…

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục