Kỹ thuật chẩn đoán nhanh

Phòng chống sốt rét toàn cầu

Phòng chống sốt rét toàn cầu

Đối với bệnh nhân mắc bệnh sốt rét, chẩn đoán chính xác và kịp thời vô cùng quan trọng vì bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và đe dọa tính mạng người bệnh. Kỹ thuật chẩn đoán nhanh bệnh sốt rét cho từng người bệnh hay cho cộng đồng còn là một vũ khí hữu hiệu trong công tác phòng chống sốt rét hiện nay.

  • Chẩn đoán lâm sàng dễ gây nhầm lẫn
Phòng chống sốt rét toàn cầu ảnh 1

Tại phòng xét nghiệm Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM.

Chẩn đoán lâm sàng là phương pháp trước đây thường được sử dụng đã tỏ ra không chính xác vì các triệu chứng của bệnh sốt rét như rét run, sốt, đổ mồ hôi, nhức đầu…không đặc thù - nghĩa là có nhiều bệnh khác cũng có thể gây ra những triệu chứng tương tự.

Chẩn đoán bằng cách dùng kính hiển vi để xác định ký sinh trùng sốt rét trong máu bệnh nhân là kỹ thuật rất chính xác, rẻ tiền và đã được sử dụng từ lâu.Tuy nhiên kỹ thuật này đòi hỏi trang bị như kính hiển vi, các hóa chất xét nghiệm và nhất là phải đào tạo kỹ thuật viên; những điều kiện như thế khó có được tại những vùng sâu vùng xa – nơi có sốt rét lưu hành.

Ngoài ra sự chậm trễ trong việc thông báo lại kết quả cho y bác sĩ thường không kịp thời, nên không hỗ trợ cho công tác điều trị bệnh nhân; kết quả là  điều trị chỉ dựa vào chẩn đoán lâm sàng nên thường là quá mức và dẫn đến tình trạng lãng phí thuốc men, có khả năng làm gia tăng tình trạng kháng thuốc…

  • Phát hiện kháng nguyên; Phát hiện men pLDH- Vũ khí lợi hại!

Từ năm 2000, một kỹ thuật chẩn đoán nhanh bệnh sốt rét mà không còn cần sử dụng kính hiển vi quang học đã được phát minh. Nguyên lý là phát hiện kháng nguyên sốt rét (những chất proteins đặc hiệu của ký  sinh trùng) trong máu bệnh nhân bằng sắc ký miễn dịch. Hiện nay có hơn 20 loại test nhanh khác nhau có tên chung là RDT (rapid diagnostic test). Hầu hết các loại này đều có khả năng phát hiện một loại kháng nguyên của ký sinh trùng Plasmodium falciparum là HRP-2 (histidine-rich protein 2).

Tuy nhiên kỹ thuật này cũng có một vài hạn chế như chất HRP-2 vẫn còn trong máu trong 1-2 tuần sau khi bệnh nhân đã được điều trị hết sốt và sạch ký sinh trùng trong máu (khác với xét nghiệm tìm ký sinh trùng bằng kính hiển vi: khi khỏi bệnh không còn thấy ký sinh trùng sốt rét nữa); không định được số lượng KST trong máu bệnh nhân. Ngoài ra giá thành khá cao (tương đương 0.5 – 1 USD). Một số test có khả năng phân biệt được ký sinh trùng P.falciparum và 3 loại còn lại là P. vivax, P.malariae và P.ovale.

Một lọai xét nghiệm nhanh khác có tên OptiMAL, phát hiện một men (loại protein giúp ký sinh trùng biến dưỡng các chất) là men lactate dehydrogenase (pLDH) - chất sinh ra trong quá trình phát triển của KST trong hồng cầu. Loại xét nghiệm này có khả năng cho ta biết tình trạng phát triển của KST: khi điều trị thành công thì xét nghiệm sẽ âm tính tức không còn phát hiện ra men LDH nữa.

  • Viễn cảnh cho phòng chống sốt rét toàn cầu

Kỹ thuật chẩn đoán nhanh bệnh sốt rét đã đem lại một viễn ảnh mới cho chương trình phòng chống bệnh sốt rét toàn cầu. Với kỹ thuật này hiện nay đã có thể chẩn đoán bệnh sốt rét tại chỗ, ở những cơ sở y tế xa xôi; do nhân viên y tế với huấn luyện tối thiểu đã có thể sử dụng được.

Kỹ thuật chẩn đoán nhanh và đơn giản này giúp chẩn đoán sớm bệnh sẽ giảm được tỷ lệ tử vong; sử dụng thuốc đúng đối tượng giúp giảm áp lực kháng thuốc. Trong tương lai với những cải tiến kỹ thuật chắc chắn kỹ thuật này sẽ hoàn chỉnh hơn và giá thành trở nên chấp nhận được cho các chương trình phòng chống sốt rét trên thế giới.

Trong những năm qua Chương trình phòng chống sốt rét tại nước ta đã sử dụng loại xét nghiệm này dưới tên PARACHECK. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã sử dụng hàng nghìn que thử Paracheck và OptiMAL trong chương trình hỗ trợ cho các huyện có nhiều bệnh nhân sốt rét của tỉnh Bình Phước.

Qua các khảo sát đánh giá hiệu quả của phương pháp này cho thấy có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao trên 95%. Phương pháp xét nghiệm nhanh tìm ký sinh trùng sốt rét mà không cần sử dụng kính hiển vi cùng với các phối hợp thuốc có artemisinin (ACT) đã đóng góp không nhỏ vào thành công của chương trình phòng chống bệnh sốt rét.

TS-BS  TRẦN TỊNH HIỀN
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới

Tin cùng chuyên mục