Phòng chống tội phạm tận gốc

Trong các phiên họp Quốc hội, có nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp liên quan đến công tác phòng chống tội phạm. Đặc biệt, có đại biểu đã đề xuất: Đối với một số loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phải áp dụng hình phạt tù suốt đời; với đối tượng hình sự nguy hiểm, giết người, buôn lậu ma túy, cách tốt nhất là đưa họ ra ngoài đảo, cách ly khỏi xã hội. Đề xuất này không phải là mới, bởi tại một kỳ họp của Quốc hội khóa VIII, năm 1988, cũng có đại biểu Quốc hội đề nghị đem tất cả tội phạm ma túy ra một hòn đảo nào đó giam giữ, cách ly hẳn khỏi cuộc sống dân lành.

Các ý kiến này được không ít người đồng tình bởi xem đó là một trong những giải pháp kiên quyết và hữu hiệu để tránh tình trạng “sống chung” với tội phạm, vốn diễn biến khá phức tạp trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nếu đề xuất này được thông qua, không ai chắc rằng sẽ giải quyết hiệu quả vấn đề tội phạm. Bởi xét cho cùng, đây chỉ là một giải pháp cắt tỉa trên ngọn chứ không chạm được cái gốc của vấn đề. Đó là kỷ cương xã hội thiếu chặt chẽ, đạo đức xã hội xuống cấp, nạn thất nghiệp và tệ nạn xã hội chưa được giải quyết…

Cho nên, nếu cái gốc vẫn còn, dù có đưa hết số tội phạm này đến số tội phạm khác ra các đảo để cách ly họ khỏi xã hội, rồi cũng sẽ có những tội phạm mới thay thế. Sẽ không bao giờ chấm dứt.

Cần xem xét vấn đề một cách nhân văn hơn, không chỉ đối với bản thân những người đã bị kết án mà còn đối với toàn xã hội. Chẳng hạn, vì sao nhiều tội phạm sau khi hết hạn tù trở về lại “ngựa quen đường cũ”? Có không ít ý kiến cho rằng đó là do “bản tính khó dời”, có lẽ chỉ đúng một phần. Nếu môi trường cải tạo, rèn luyện và học tập tốt hơn, thuyết phục hơn, nhân văn hơn, thì sau khi thi hành án, họ sẽ “cải tà quy chính” chứ không phải lại tiếp tục lầm đường lạc lối.

Nếu có được nghề nghiệp ổn định, được gia đình và xã hội quan tâm, tạo điều kiện và giúp đỡ, sẽ không còn mấy người sau khi ra tù lại muốn tiếp tục sai lầm. Nếu kỷ cương phép nước được đề cao, đạo đức xã hội được coi trọng, chắc chắn bản thân họ tự lập “rào cản” cho mình để tránh bị pháp luật chế tài lần nữa.

Vì sao tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng và phức tạp hơn trong gian qua? Có nhiều lý do nhưng không thể bỏ qua lý do mất lòng tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống. Từ đó, người ta có tâm lý cố vơ vào cho mình bằng được, miễn có lợi cho mình mà xem thường lợi ích của người khác, cũng chẳng quan tâm đến đạo đức, pháp luật. 

TRÚC GIANG (Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục