Xe quẹo vào con đường tráng nhựa phẳng phiu, rộng rãi, tôi liền thấy dòng chữ trắng giăng qua cây rừng xanh thắm nổi bật trên núi cao: Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Cách nay không lâu, đây còn là một con đường đất đỏ, mưa thì lầy lội, nắng bụi mù, một thời bom đạn chiến tranh. Thuyền du lịch sơn màu xanh trời, với ghế ngồi và mui che nắng, nổ máy ngược dòng sông Son. Sông rộng, nước trong soi bóng làng quê yên bình thấp thoáng mái nhà nâu đỏ giữa những lùm tre xanh. Thỉnh thoảng hiện ra trên sông những biển báo trắng đen “luồng cong, lạch cạn”.
Ít ai ngờ rằng đây là phần trồi lên mặt đất của con sông ngầm tên là Nậm Aki. Cứ tưởng tượng sông Son có đoạn chui ngầm vào lòng đất ở vùng núi Pu Pha Đam cách đây hơn 20km về phía Nam mà ước mình hóa cá tung tăng bơi lội trong nhánh sông kỳ thú này.
Vào mùa nước lớn, sông Son dâng cao che khuất cửa hang, thuyền du lịch không vào được. Tương truyền hơn 100 năm trước, vua Hàm Nghi đã ẩn mình ở đây cùng một số cận thần và ra lời kêu gọi Cần vương. Thuyền qua cửa hang, động rộng, cao như một cái bát úp trên mặt nước, nhũ đá lô nhô. Càng vào sâu ánh sáng càng nhạt dần rồi mất hẳn. Xen lẫn với tiếng mái chèo như có tiếng chiêng vẳng lên. Người bản địa cho rằng đó là âm nhạc trong tiệc rượu của Thần Núi vọng ra... Tất cả hợp thành tiếng nhạc, lúc âm u như tiếng chiêng, lúc bập bùng như tiếng trống.
Thuyền ngược dòng một đoạn nữa thì đến hang nước cạn do nước biển rút đi nhường chỗ cho đá cát. Chúng tôi lên thăm động Tiên Sơn còn gọi là hang Khô. Nhũ đá từ trên rũ xuống, măng đá từ dưới nhô lên tua tủa như cây rừng với những hình dáng kỳ lạ. Thạch nhũ long lanh dưới ánh sáng của những dãy đèn lắp đặt phản chiếu các màu đỏ xanh tím biếc, nào voi, nào phượng, thác bạc, cây vàng... Có chỗ lộng lẫy kỳ ảo như chốn thần tiên, có chỗ bí ẩn hồi hộp khiến tôi tưởng mình đang đi trong miệng một con quái vật khổng lồ. Có người suy ra Phong là gió và Nha là răng, Phong Nha là động Gió Răng, vào động gió hút và nhũ đá chơm chởm nhe răng…
Trên đường về, cô hướng dẫn còn kể: Ngày xưa khi trời gần gũi đất, có nàng tiên nữ được Ngọc Hoàng giao cho trông coi thanh bảo kiếm thường hay giáng trần cùng đàn em xuống tắm trong động đẹp Phong Nha. Ở cuối dòng sông này có một chàng trai mồ côi, làm nghề đánh cá. Một ngày nọ, loài thủy quái quậy nước đỏ ngầu ngập hết ruộng đồng đe dọa cuộc sống dân lành. Chàng trai vội vào động đánh cắp thanh bảo kiếm của tiên nữ mang về trừ sạch bầy thủy quái. Chàng ngược dòng sông tìm lại tiên nữ để trả bảo vật. Tiên nữ đem lòng yêu mến. Ngọc Hoàng biết sự việc bèn xá tội cho hai người và sai thần tiên tạo lại khung cảnh hang động với những vẻ đẹp ở cõi thiên đình. Thạch động nơi hai người chung sống có tên động Tiên Sơn. Từ đó, mỗi năm một lần, màu nước dòng sông xanh ngắt này chuyển thành đỏ thắm nên có tên sông Son.
Còn nhiều truyền thuyết kỳ bí khác về màu nước sông Son được người dân địa phương kể từ đời này sang đời khác. Nhưng những câu chuyện kỳ bí kia cũng không sao sánh bằng sự kỳ bí của cái hang được gọi là “Đông Dương đệ nhất động”, hay là động “Bảy nhất”: sông ngầm đẹp nhất, cửa hang cao và rộng nhất, bãi cát - đá ngầm đẹp nhất, hồ nước ngầm đẹp nhất, hang khô rộng và đẹp nhất, thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất, hang nước dài nhất. Giờ đây, vùng này còn một cái nhất nữa: hang rộng lớn nhất thế giới, Sơn Đoòng! Và nhiều hang động kỳ thú khác vừa được khám phá, chẳng hạn cái hang có rất nhiều nhũ đá tua tủa như cọc, như măng…
Những cái nhất ấy rồi phải có thơ văn tô điểm thì núi sông mới thêm phần “linh tú”, hang động mới thêm vẻ “tráng lệ”, lưu dấu mãi trong tâm thức con người như “Nam thiên đệ nhất động” Hương Sơn: Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt / Ngập ngừng mấy lối uốn thang mây / Chừng giang sơn còn đợi ai đây… (Chu Mạnh Trinh).
Trần Thanh Giao