Khác với mọi lần, trước khi đến với vùng đất nào, chúng tôi cũng thường dành thời gian đọc tư liệu để hiểu biết lịch sử, văn hóa, con người… Lần này, đến với đảo Phú Quý, chúng tôi không xét tìm bất cứ thứ gì liên quan đến nơi mình sẽ tới. Do vậy, khi đặt chân lên đảo Phú Quý, chúng tôi vẫn vẹn nguyên điều “háo hức tò mò” về một vùng biển đảo mang tên sang trọng này.
Chuyện hôm qua…
Có thể nói ngay rằng, chẳng bõ công gồng mình lắc lư, chao đảo, lăn lóc như trái dưa leo… trên sàn tàu hơn 6 giờ, đảo Phú Quý đã đón chúng tôi với tất cả những gì tốt đẹp nhất. Biển xanh trong, nắng vàng rực rỡ và lòng người rất đôn hậu. Không biết do thổ nhưỡng hay do khí hậu, thức ăn… tiếng nói của người dân Phú Quý rất khó nghe. Tiếng nói của người dân đảo có vẻ ngắn, chắc, nặng chình chịch như con tàu chống chọi với sóng gió biển khơi và cũng ngang tàng, khí phách như bản chất của ngư dân nơi biển rộng, đất dài.
Nhiều người dân đảo nói rằng việc khó khăn nhất của ông, bà, cha, mẹ, tiền nhân của họ không phải là vượt qua sóng to, gió lớn, thời tiết khắc nghiệt ở đảo xa để sinh tồn mà là tìm một cái tên không phạm húy, không trùng với tên người lớn để đặt cho con.
Chắc có lẽ vì vậy mà thế hệ 3X, 4X, 5X sinh ra và lớn lên tại đảo Phú Quý mà chúng tôi đã gặp, trò chuyện đều có cái tên rất lạ và thậm chí không có nghĩa gì. Chúng tôi đã cố công dò tìm trong từ điển tiếng Việt để tìm nghĩa của các cái tên đó như: Đung, Trảnh, Đon, Tảnh, Mưới, Ính, Thẫn… Nhưng có một điểm chung là dù họ tên gì thì người dân nơi đây cũng chân chất, hào sảng, phóng khoáng như vùng đất hiền hòa, tươi đẹp mà họ và tiền nhân đã trú ngụ.
Gấp rút xây dựng hệ thống kè biển trên đảo Phú Quý.
Cũng như bao nhiêu người con của vùng biển đảo này, ông Dương Ính có nước da đen, người nhỏ gọn, săn chắc. Nếu không được giới thiệu trước, chúng tôi không thể hình dung ông Dương Ính đang mấp mé tuổi xưa nay hiếm.
Ngồi trên salon màu vàng ở phòng khách căn nhà mà ông vừa xây mới khoảng 3 năm nay, đưa ánh mắt nhìn về núi Cao Cát - nơi có chùa Linh Sơn hùng vĩ, ông bồi hồi nhớ lại: “Ba má tôi sinh được 10 người con, nhưng chỉ có 1 người đi kinh tế mới về đất liền. Còn lại đều đang sinh sống trên đảo này. Trước giải phóng, đảo còn thưa vắng lắm, tụi tôi chia nhau đứa đi biển, đứa ở nhà đổ mèo (nuôi heo), đập cộ (tên một loại trái trên đảo, khi trái chín thì người dân đập nát ra, ruột cho heo ăn, vỏ dùng làm phân bón cây), trồng khoai, bắp. Cả nhà quần quật như vậy mà cũng không đủ ăn. Điện phải mua lại của chủ, giá rất mắc, nhưng cũng chỉ được 3 giờ mỗi ngày. Từ 18 giờ đến 21 giờ thì họ cắt. Ti vi là hàng xa xỉ, cả nhà chỉ có cái đài rọt rẹt suốt ngày. Nước thì anh em tôi tự vét giếng, khơi ngọt. Trường học cũng có, nhưng chỉ đến lớp nhất (lớp 5 bây giờ - PV) thì… hết lớp!”.
Những năm 80 của thế kỷ trước, nghề cá bị thất mùa, ông Dương Ính lén đưa tàu ra nước ngoài đánh bắt cá. Chưa thu hoạch được bao nhiêu thì bị chính quyền sở tại phát hiện vây bắt và tịch thu tàu. Phần đông ngư dân ở đảo Phú Quý lúc đó đều bị mất tàu. Tiếng là sống giữa biển khơi nhưng đa phần ngư dân bỏ ghe, giã từ biển cả. Nhưng sức biển réo gọi ghê lắm, dân đảo lại vận dụng đủ cách để sắm tàu nhỏ đi “bủa” mực. Đây là phương pháp câu mực vào ban ngày mà ông Dương Ính và các lão ngư dân học hỏi được trong các chuyến đi biển xa.
Mới đầu là dùng cái lon thả trên luồng nước có mực sinh sống. Sau khá giả, ông sắm phao, dây nhợ và tôm mồi (con tôm bằng cao su, sơn lân tinh và phát ánh sáng lấp lánh). Hàng ngày, khoảng tầm 4 giờ sáng, ông lần mò ra biển. Đến vùng nước ấm, có nhiều mực sinh sống, ông thả phao. Trên tàu có khoảng 200 cái phao, ông vừa lái tàu vừa thả hết số phao, rồi sau đó quay trở lại thu hoạch.
Đến bờ, ông Dương Ính lái tàu thẳng đến trạm thu mua để bán và chỉ chừa lại một ít làm thức ăn cho cả nhà. Ông tâm sự: “Bây giờ, tuổi đã cao, sức khỏe không còn như xưa, tôi chỉ đánh tàu ra khoảng 10 hải lý rồi quay trở lại thu hoạch. Chỉ làm vài giờ, không thể làm cả ngày được. Dù vậy mỗi ngày cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng”. Nghề biển là vậy, nhưng giờ đây cuộc sống của ông Dương Ính: nhà 2 tầng, các con được học hành, có nghề nghiệp ổn định, đã lập gia đình và thành đạt. Ông Dương Ính chia sẻ: “Tôi không dám nghĩ có ngày mình ngồi trong căn nhà khang trang như vầy, xem ti vi, nghe nhạc suốt ngày, ăn ngon, mặc đẹp… Chỉ tiếc là bây giờ cuộc sống quá sung túc, no đủ rồi… nhưng ông bà, cha mẹ đều đã đi xa, không được tận hưởng với con cháu!”.
Và hôm nay
Phú Quý hôm nay đã qua rồi cái thời đói nghèo, khổ cực. Hầu như chuyến tàu khách nào cập bến cũng có vài chiếc xe gắn máy đời mới nhất mà người dân Phú Quý đã vào tận TP Phan Thiết để “còm măng”. Vài năm gần đây, Chính phủ và tỉnh Bình Thuận đã tập trung kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, nhựa hóa Phú Quý. Hiện nay, Phú Quý - hòn đảo xinh đẹp - diện tích 17,8km2, có hơn 50km đường nhựa bền vững phủ kín 32 tuyến đường. Đường 27 Tháng 4 uốn lượn ven biển phía Tây của đảo có chiều dài gần 5km là tuyến đường dài nhất. Nhiều căn nhà khang trang, vững chãi với nội thất đắt tiền đã được dựng xây không những trên mặt tiền đường chính mà còn ở tận các thôn ven biển.
Thành phố biển - là điều hình dung gần lắm về Phú Quý. Cơ sở hạ tầng ở Phú Quý giờ đã khá hoàn chỉnh… Hệ thống trường học bao gồm trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học và mẫu giáo đều đạt chuẩn. Trung tâm y tế quân dân y kết hợp là điểm mẫu đầu tiên trên cả nước, đang là mô hình phù hợp cho các vùng cao và đảo xa noi theo - vừa được đầu tư gần 100 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp bề thế, hiện đại… Hiện tại, Phú Quý có hơn 5.000 hộ với 27.000 dân. Hệ thống giáo dục, y tế đáp ứng đủ nhu cầu dân cư. Nếu tính bình quân, mỗi nhà 1 chiếc xe gắn máy tham gia giao thông thì số lượng cũng khá dày đặc.
Nhưng, tính đến tháng 11-2014, Phú Quý chỉ ghi nhận 9 trường hợp va quẹt và không có vụ tai nạn giao thông nào. Đây chính là một trong những nét đặc trưng thể hiện tốt văn hóa giao thông nơi đảo xa. Trong những ngày lưu lại Phú Quý, chúng tôi đã sử dụng xe gắn máy đi khắp các con đường, ngõ hẻm. Đâu đâu, chúng tôi cũng cảm nhận tính phóng khoáng và sự hòa thuận, cởi mở của người dân đảo.
Cảm nhận rõ nhất ở Phú Quý là biển trời bao la, đẹp đến nao lòng. Và con người luôn yêu thương, chia sẻ cho nhau sản vật của trời, lợi lộc của biển. Ông Nguyễn Tâm, cư dân xã Tam Thanh, cho biết: “Ở trên đảo, chỉ cần nói là dân xã nào thì người đối diện đoán đúng phóc anh và gia đình đang làm nghề gì. Đảo Phú Quý gồm 3 xã, 10 thôn và dứt khoát người của xã Tam Thanh là đi thu mua hải sản, người xã Ngũ Phụng là ngư dân bủa mực, đánh bắt hải sản; còn dân xã Long Hải thì chắc chắn làm nghề lặn biển”. Nhưng dù làm nghề gì thì họ cũng cùng “bổn đạo”.
Anh Danh Tớt, 49 tuổi, xã Ngũ Phụng, giải thích: “Khi xưa có thể mạnh ai nấy lo, nhưng bây giờ ra khơi, chúng tôi là “bổn đạo” của nhau. Thật sự, tôi cũng không hiểu lắm từ “bổn đạo”. Đại khái là chúng tôi sẽ điều chỉnh các máy liên lạc cùng tần số để hỗ trợ cho nhau khi bị hoạn nạn và chia sẻ nguồn cá, tôm, mực khi phát hiện trúng luồng. Thậm chí người thu mua trên bờ cũng là “bổn đạo” của nhau để đảm bảo ổn định nguồn thu nhập”.
Có lẽ chính nhờ sự hợp tác chặt chẽ trong đánh bắt, thu mua, chế biến nên thu nhập của ngư dân Phú Quý ổn định, khá giả. Bằng chứng là nhà cửa, phương tiện, trang phục… của người dân Phú Quý đều mới mẻ, mang dáng dấp thị thành. Toàn huyện chỉ còn 76 hộ nghèo - khoảng 1,3% - do không có sức lao động. Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết, sắp tới đây huyện sẽ phân công cụ thể cán bộ công chức nhận đỡ đầu chăm lo xóa nghèo tới từng hộ.
Đầu tháng 11, gió bấc về, sóng bạc đầu dâng cao… hầu hết tàu thuyền đánh cá ngoài khơi đều tạm dừng hoạt động. Tàu về Phú Quý, máy kéo lên bờ ken kín bãi Lạch Dù. Phần đông các tàu được tu bổ, phủ composit… để chờ đầu năm sau lại ra khơi. Anh Lâm Mao, 32 tuổi, nhà ở xã Ngũ Phụng, cho biết: “Đợt đi biển vừa qua kéo dài hơn 1 tháng, được mùa cá thu, chúng tôi được chia mỗi người gần 50 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình tôi có hùn tiền với chủ ghe. Cuối năm sẽ được chia thêm lợi tức hơn 100 triệu đồng!”.
Kể từ khi hệ thống phong điện hoạt động, kết nối nguồn điện máy, người Phú Quý có điện cả ngày và giá cũng được kéo xuống bằng trong đất liền. Nhờ vậy đời sống người dân đảo được nâng lên nhiều. Nước lọc từ nhà máy đã “xuống” tận nhà dân. Sóng điện thoại, truyền hình cáp kéo về tận thôn, xóm. Có thể nói đảo Phú Quý đã đổi thay toàn diện. Niềm mong ước muôn đời nay của người dân Phú Quý là được sống an lành, làm giàu từ biển đã dần thành hiện thực. Biển xanh, cát vàng, bãi tắm thiên nhiên, không khí tươi lành, hải đặc sản tươi sống, dân Phú Quý mến khách, hiền hòa… là sự mời gọi du khách đến hòn đảo tươi đẹp này.
Mặc dù vậy, nhưng hiện nay vì cách trở mà đảo Phú Quý vẫn chưa được nhiều người biết đến. Phú Quý đã dành đất xây dựng sân bay, nhưng để máy bay có thể đến được với đảo này thì vẫn phải chờ… dài dài. Còn điều khả thi hơn là đầu tư phát triển giao thông vận tải biển - có tàu cao tốc nối đảo với bờ. Nhưng việc này cũng đang nằm ngoài khả năng của huyện. Thời gian trước đây, đã có doanh nghiệp tổ chức đưa đón khách bằng tàu cao tốc. Tuy nhiên, họ chỉ hoạt động được một thời gian rồi lại thôi. Lý do là cảng cá Phan Thiết có luồng nước quá cạn, tàu cao tốc không thể cập bến.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Nhất thiết phải đầu tư nạo vét, khơi sâu luồng, xây dựng lại cầu cảng ở cảng cá Phan Thiết để phát triển vận tải biển, khai thác tàu cao tốc. Chúng tôi đã bàn bạc quyết liệt và xin chủ trương cũng như sự hỗ trợ của trung ương. Hy vọng trong thời gian không xa, các dự án sẽ được thực hiện để Phú Quý phát triển mạnh mẽ hơn, tương xứng với tiềm năng của đảo”.
Vâng, đó không chỉ là sự kỳ vọng của riêng Bình Thuận mà còn là mong muốn của du khách gần xa về một thành phố giữa trùng khơi mang tên Phú Quý!
ĐOÀN HIỆP - THƯ NAM