Điện về bừng sáng đảo
Phú Quý ngày trước nghèo nàn lắm. Đường sá ở huyện đảo là những con đường đất cát bụi phủ mờ, người dân lặng lẽ bên ngọn đèn dầu vì thiếu điện, những chiếc tàu gỗ công suất nhỏ là phương tiện duy nhất để giao thương với đất liền. Vào những ngày biển động, khi tàu gỗ không thể ra khơi cũng là lúc giao thông giữa đảo và đất liền bị chia cắt. Họa hoằn lắm mới có vài người ghé thăm, Phú Quý lặng lẽ như những ngư dân trên con tàu giữa trùng khơi.
Rồi Phú Quý có điện. Mới đầu, chỉ là vài giờ thắp sáng vào ban đêm, rồi tăng dần lên 16 giờ, nhưng giá điện cao hơn đất liền 2-5 lần. Đến năm 2014, Phú Quý được cung cấp điện 24 giờ/ngày, giá điện trên đảo bằng với giá ở đất liền đã trở thành điều kỳ diệu để Phú Quý bắt tay triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. “Có đủ điện, kinh tế huyện đảo có điều kiện phát triển mạnh, nhất là lĩnh vực đánh bắt xa bờ, chế biến hải sản. Trước đây vì thiếu điện, ngư dân không dám đi đánh bắt xa bờ vì thiếu điều kiện bảo quản sản phẩm, các doanh nghiệp chế biến hải sản ở đảo phải chuyển vào đất liền hoạt động. Khi có điện, hầu hết các cơ sở này đã hoạt động trở lại, người dân mạnh dạn đầu tư tàu thuyền ra khơi đánh bắt dài ngày, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương”, ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, phấn khởi cho biết. Còn nhớ ngày mới thành lập, toàn huyện mới chỉ có hơn 200 chiếc thuyền với công suất rất nhỏ, sản lượng đánh bắt hải sản chỉ vỏn vẹn gần 300 tấn/năm, thì giờ đây Phú Quý đã có hơn 1.200 chiếc tàu thuyền, sản lượng đánh bắt hải sản đạt trên 27.000 tấn/năm. Quả thực, ánh sáng đến đâu, đời sống người dân đổi thay đến đó. Bây giờ hầu như nhà nào ở huyện Phú Quý cũng có máy lạnh, mua thêm quạt, ti vi, máy giặt để sử dụng, những thứ mà cách đây 10 năm không ai dám mơ tới.
Năm 2015, Phú Quý bắt đầu có tàu trung tốc hiện đại, thay thế cho những tàu vận tải lạc hậu. Khoảng cách từ đất liền ra đảo được rút ngắn, du khách bắt đầu nườm nượp đổ ra Phú Quý. Người dân trên đảo ồ ạt xây dựng nhà nghỉ, khách sạn với đầy đủ dịch vụ tiện nghi để đón khách du lịch.
Vững vàng bám biển
Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, huyện đảo Phú Quý giờ không chỉ thoát nghèo mà còn đang tạo dấu ấn riêng cho mình khi là địa phương dẫn đầu cả nước triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. “Sau gần 4 năm triển khai Nghị định 67, huyện đảo đã có 76 tàu cá công suất lớn được hạ thủy và đi vào hoạt động. Từ khi có thêm đội tàu công suất lớn này, ngư dân trên đảo thường xuyên đăng ký đi đánh bắt xa bờ và đưa một số ngành nghề mới vào khai thác như mành chụp 4 tăng gông mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đảm bảo sự có mặt thường xuyên của công dân Việt Nam trong hoạt động kinh tế vùng biển”, ông Nguyễn Văn Linh cho biết.
Song song với việc phát triển tàu công suất lớn khai thác, đánh bắt hải sản vùng biển xa, huyện Phú Quý còn đang dẫn đầu cả nước về phát triển loại hình tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển với 155 chiếc. Đội tàu này chuyên thu mua, chế biển hải sản và cung ứng xăng, dầu trên biển, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày và góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm sau khi khai thác, tăng thu nhập cho người dân. Không chỉ vậy, Phú Quý còn đang là địa phương tiên phong trong việc phát triển và duy trì hoạt động tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển. Với 44 tổ/486 tàu thuyền được thành lập đã góp phần hỗ trợ ngư dân trong khắc phục và xử lý các sự cố, cứu hộ, cứu nạn, góp phần bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, nhấn mạnh, địa phương đã xác định xây dựng huyện Phú Quý trở thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá có vị trí quan trọng trong chiến lược bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên biển, là căn cứ chi viện, hậu cần kỹ thuật cho quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và tìm kiếm cứu nạn. Thời gian tới, Phú Quý sẽ tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế biển gắn với các dịch vụ du lịch.
Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và toàn dân, cuối năm 2016, huyện Phú Quý trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Bình Thuận và là huyện đảo thứ 2 của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.