(SGGP).- Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ vừa công bố cho thấy, lượng phù sa về khu vực ĐBSCL đã bị suy giảm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng độ phì nhiêu của đất và khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Đại diện Ban giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp khẳng định, so với 20 năm trước thì lượng phù sa cũng như năng suất thủy hải sản của vùng đã giảm 80%. Riêng với Vườn quốc gia Tràm Chim là khu vực được Nhà nước bảo tồn nhưng do lượng phù sa không còn nhiều nên mật độ thủy hải sản cũng như sự đa dạng của các loài chim đã bị suy giảm nghiêm trọng.
Ngoài ra, tình trạng thiếu phù sa đang gây nên hàng loạt tác hại khác như gia tăng ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng sản xuất do tăng chi phí, giảm năng suất; nước mặn xâm nhập sâu, gây sạt lở, mất đất; nguy cơ nước biển dâng cao hơn, dịch bệnh đối với người, cây trồng, vật nuôi. Tình trạng này kéo dài có thể làm thay đổi chế độ dòng chảy sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng và chất lượng nước, gây thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn gia tăng vào sâu đất liền; giảm lượng tôm, cá đánh bắt ảnh hưởng nguồn thu nhập của người nuôi trồng đánh bắt thủy sản; thay đổi cả hệ sinh thái của ĐBSCL và hệ thống sản xuất của đồng bằng.
Mặt khác, về mặt xã hội gây nên những hệ luỵ rất đáng lo ngại. Cụ thể là làm đảo lộn mọi sinh hoạt truyền thống của đại bộ phận dân cư nói chung. Phụ nữ mất việc làm, phải di cư tìm việc làm và sẽ kéo theo các hệ lụy liên quan tới gia đình, xã hội. Bởi thực tế hiện nay, hầu hết phụ nữ đang sinh sống tại khu vực ĐBSCL có thu nhập gắn liền với nguồn lợi thủy sản và nông nghiệp. Việc suy giảm nguồn lợi thủy hải sản sẽ khiến nhiều phụ nữ không có tiền để chăm sóc cho con. Lo ngại hơn, nếu điều kiện kinh tế gia đình suy giảm thì trẻ em gái sẽ bị hạn chế về giáo dục, quyền đi học do ưu tiên được dành cho bé trai, ảnh hưởng tới bình đẳng giới. Từ đó, kéo theo hệ quả gia tăng di dân đến thành phố, gây bùng nổ dân số tại thành phố. Do vậy, để có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực từ việc giảm lượng phù sa về khu vực ĐBSCL, theo các chuyên gia môi trường, Chính phủ cần đàm phán để đạt được thỏa thuận với các nước trong khu vực về việc hạn chế xây dựng thủy điện dọc sông Mekong; nghiên cứu kỹ về ảnh hưởng của các con đập với sinh thái của hạ nguồn sông Mekong cũng như đời sống của con người. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để sử dụng và bảo vệ nguồn nước hiệu quả, thích ứng với BĐKH.
ÁI VÂN