Từ đầu năm đến nay, hoạt động giao thông ở TPHCM có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông đều giảm. Tuy nhiên, ở góc độ môi trường, hoạt động này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, bất chấp những khó khăn về kinh tế, số lượng phương tiện giao thông đăng ký mới trên địa bàn TP tiếp tục tăng mạnh. Trong tháng 5-2012 TPHCM có 20.862 phương tiện giao thông đăng ký mới, trong đó có 1.221 ô tô và 19.641 mô tô. Tính đến tháng 5-2012 trên toàn địa bàn TP có 5.715.798 phương tiện giao thông với 509.106 ô tô và 5.206.692 mô tô, tăng 10,42% so với cùng kỳ năm 2011.
Nếu cho rằng trung bình một ngày, mỗi mô tô chỉ sử dụng khoảng 0,5 lít xăng và mỗi ô tô sử dụng 1 lít xăng thì TP đã dùng hơn 3 triệu lít xăng. Một mức tiêu xài khổng lồ trong bối cảnh kinh tế khó khăn và các nguồn năng lượng từ hóa thạch ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung đang dần cạn kiệt.
Thế nhưng, đó mới chỉ là một mặt của vấn đề, mặt kia còn đáng sợ hơn. Khói thải từ các phương tiện giao thông đang dần hủy diệt sức khỏe con người. Ở nước Anh, người ta thống kê được rằng, số người chết vì ô nhiễm không khí trên đường phố cao gấp hai lần số người chết vì tai nạn giao thông. Tất nhiên, Việt Nam khác Anh và chưa có cơ quan nào so sánh số người chết vì tai nạn giao thông với số người chết vì ô nhiễm môi trường trên đường phố song với sự gia tăng các phương tiện giao thông như hiện nay, chắc chắn số người bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm môi trường trên đường phố, không nhỏ.
Theo Trung tâm Quan trắc môi trường Việt Nam, hoạt động giao thông tạo ra 85% lượng khí CO (một loại khí không màu, gây ngạt thở, nhói ở mũi, cổ họng), 95% lượng VOCs (các chất hữu cơ bay hơi có thể gây khô da, ảnh hưởng xấu đến hệ tuần hoàn, tiêu hóa, gan thận) và các loại khí độc hại khác.
Biểu hiện rõ nhất về độ bẩn của không khí là lượng bụi hạt lơ lửng. Mật độ PM10 ở các nút giao thông của các TP lớn luôn vượt mức cho phép. PM10 là hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 10 micromet, thường do xe môtô, nhà máy điện thải ra trực tiếp. Loại bụi siêu nhỏ này dễ dàng xâm nhập vào phổi, mạch máu và gây ra các bệnh như tim, ung thư phổi, hen và nhiễm khuẩn đường hô hấp. Đáng lo ngại, khí thải từ hoạt động giao thông vận tải góp tới 70% tổng lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường, nếu tính chung trên cả nước.
Chưa hết, các loại khí thải nêu trên còn là một trong những tác nhân quan trọng gây biến đổi khí hậu. TPHCM đã được nhiều tổ chức khoa học quốc tế dự báo là một trong 10 TP trên thế giới sẽ bị tàn phá nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Do vậy, hãy cứ tưởng tượng đến một viễn cảnh sức lực bị giảm sút vì ô nhiễm môi trường do khí thải các phương tiện giao thông gây ra mà người dân TP lại phải gồng mình chống chọi với mưa bão, ngập lụt và nước biển dâng - hậu quả của biến đổi khí hậu, để có những hành động đúng đắn.
NGUYỄN KHOA
TPHCM hiện có gần 1.500 xe buýt hoạt động không theo một tiêu chí về khí thải hiện đại nào. Điều này có nghĩa khói thải từ xe buýt hoàn toàn không được kiểm soát và chắc chắn trong đó sẽ có rất nhiều loại khí độc hại, gây hại sức khỏe người dân. TPHCM đang có kế hoạch thay mới số xe buýt cũ kỹ trên bằng một dự án đầu tư mới 1.670 xe buýt mà trong đó dự kiến sẽ có gần 500 xe buýt chạy bằng khí CNG - một dạng năng lượng sạch cho môi trường. 5.206.692 xe mô tô cũng chưa có cơ chế kiểm soát khí thải. Và rất nhiều mô tô cũ kỹ trong số này đang thải khí thải độc hại ra môi trường. Ô tô cá nhân được kiểm soát chặt chẽ hơn về khí thải, toàn bộ các xe này đang phải hoạt động theo tiêu chuẩn khí thải Euro 2. Tuy nhiên, xe hơi cá nhân có sức chở thấp nên hiệu quả sử dụng của chúng tính ở góc độ môi trường không lớn. Đơn cử, với cùng đổ (vào bình xăng) một lượng xăng, dầu tương đương xe buýt có thể chở số lượng hành khách cao gấp nhiều lần so với ô tô cá nhân. Như vậy, có thể ô tô cá nhân không thải ra môi trường nhiều khí độc hại như xe công cộng nhưng chúng làm tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn - một nguyên nhân quan trọng làm cho nguồn tài nguyên hóa thạch cạn kiệt dần.