* Thêm 5 người chết và mất tích
(SGGP). – Chiều tối 26-9, sau khi càn quét qua Philippines, bão Ketsana đã vào biển Đông. Vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ vĩ Bắc; 120 độ kinh Đông; sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 - 74km/giờ), giật cấp 9, cấp 10. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Trung ương, đến sáng nay (27-9), bão sẽ đi thẳng vào khu vực phía Đông biển Đông trở thành cơn bão số 9, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi. Đến 16 giờ cùng ngày, tâm bão số 9 sẽ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 370km, sức gió mạnh nhất gần tâm bão cấp 9, cấp 10. Trung tâm Dự báo KT-TV Trung ương cũng nhận định, đây là một cơn bão cường độ mạnh, nhiều khả năng sẽ còn mạnh thêm từ 2 - 3 cấp với sức gió giật cấp 12 - 13 và sẽ đổ bộ trực tiếp vào đất liền nước ta.
- Sẵn sàng ứng phó
Để kịp thời triển khai đối phó với bão số 9, ngày 26-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương.
Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, trên vùng biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi có hơn 22.000 tàu thuyền với gần 100.000 lao động đang hoạt động trên biển đã được bộ đội biên phòng thông báo, hướng dẫn để neo đậu tàu thuyền và tìm nơi tránh trú bão. Tuy nhiên, vẫn còn 97 thuyền đang trong vùng nguy hiểm trên biển Đông, khu vực Hoàng Sa hiện chưa liên lạc được.
Để đối phó với mưa bão, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu lãnh đạo các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị khẩn trương lên phương án cụ thể, kêu gọi các tàu thuyền đánh bắt cá vào bờ ngay. Các tỉnh từ Ninh Bình đến Quảng Ngãi cần nhanh chóng thu hoạch diện tích lúa còn lại theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT có phương án chỉ đạo Cục Trồng trọt, các địa phương thu hoạch lúa mùa, huy động các lực lượng hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa. Đối với hệ thống đê xung yếu đê biển, đê sông… có phương án bảo vệ. Các hồ chưa nước hiện nay, tuy nước chưa đầy nhưng cũng phải có phương án đề phòng đầy nước do mưa sau bão. Đối với những vùng trũng, thấp, có nguy cơ sạt lở phải có phương án sơ tán dân, các địa phương phải chủ động kiểm tra lại công tác chuẩn bị về phương tiện và lực lượng ứng trực để đối phó khi mưa bão đến.
Đến cuối giờ chiều 26-9, tỉnh Thừa Thiên - Huế kêu gọi được 1.713/1.736 tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn, còn 23 tàu với 236 lao động đang hoạt động gần bờ và đã nhận được thông tin, đang trên đường trở vào bờ. TP Đà Nẵng hiện còn 137 tàu với 1.736 lao động hoạt động trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Thanh Hóa và cũng đã nhận được thông tin báo bão và đang trên đường tìm nơi trú ẩn. Ngay trong ngày 26-9, nhiều ngư dân ở các quận Sơn Trà, Liên Chiểu (Đà Nẵng) cũng đã tiến hành đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão.
Tại Quảng Nam, chiều 26-9, vẫn còn 212 tàu với 1.695 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, đáng lo nhất là có 42 tàu với 1.154 lao động hành nghề câu mực khơi đang hoạt động trong vùng nguy hiểm. Công tác kêu gọi tàu thuyền đang được các địa phương khác ở miền Trung tập trung triển khai.
- Thêm 5 người chết và mất tích
Ngày 26-9, lũ lụt vẫn còn ngập ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa (Quảng Bình). Một cháu bé 2 tuổi ở xã Quảng Phúc (Quảng Trạch) do người nhà bất cẩn, đã ngã xuống nước gây tử vong, đưa số người chết lên 2 người.
Trong khi đó, đến chiều 26-9, mưa lũ tại tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Tại huyện Vũ Quang, nước lũ từ khu vực thượng nguồn sông Ngàn Sâu, Ngàn Trươi đổ về rất mạnh khiến cho gần 8.000 hộ dân bị nước lũ cô lập hoàn toàn. Ông Phan Đức Cung, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, cho biết: “Huyện có phương án sẵn sàng sơ tán hàng ngàn hộ dân dọc theo sông Ngàn Sâu, Ngàn Trươi và những địa điểm có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng khi có lệnh. Điều động 400 người trong lực lượng xung kích cứu hộ, cứu nạn, chuẩn bị sẵn 50 phương tiện vận tải, thuyền máy, xuồng cao tốc, hàng ngàn cây tre, 2 tấn rơm rạ, 20 tấn lương thực, 100.000 thùng mì tôm để ứng cứu với mưa lũ”.
Lúc 12 giờ 15 phút trưa 26-9, anh Lê Anh Tuấn (SN 1988, trú tại xóm Bắc Sơn, xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh) trong khi lội qua khu vực thượng nguồn sông Rác đã bị nước lũ cuốn trôi, người dân đã vớt được thi thể. Trước đó, 16 giờ 15 chiều 25-9, em Trần Thanh Nhật, SN 1992, trú tại xóm 9, xã Gia Phố (Hương Khê), học sinh lớp 12 bị lật thuyền chết đuối, 30 phút sau đó vớt được thi thể. 4 bạn đi cùng thuyền được cứu thoát. Lúc 4 giờ sáng 25-9, ông Nguyễn Văn Ninh, SN 1929, trú tại xóm 8, xã Phú Phong, huyện Hương Khê lội nước ra khu vực sông Tiêm để kéo thuyền chìm vào bờ thì bất ngờ bị nước lũ dâng cao cuốn trôi, thi thể cũng đã được tìm thấy. Trong số các nạn nhân tại Hà Tĩnh, riêng chị Nguyễn Thị Dung bị nước cuốn hôm 24-9 chưa tìm thấy thi thể.
Ngày 26-9, anh Trần Văn Thịnh (18 tuổi, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An) là thuyền viên tàu NA-2231TS của ông Trần Văn Diễn (xã Diễn Bích), trong khi tàu cách bờ khoảng 2 hải lý thì bị sóng đánh chìm, các thuyền viên khác được cứu riêng anh Thịnh mất tích. 3 tàu của ngư dân Thanh Hóa xin cứu hộ do bị sóng đánh hỏng ngày hôm trước đã được cứu hộ an toàn và đưa vào bờ. 13 ngư dân trên 3 tàu hiện được bố trí ăn nghỉ tại phường Nghi Tân (thị xã Cửa Lò).
NHÓM PV